ĐỜI LÀ NHƯ THẾ

Tác giả:Trần Văn Lý

 

Năm ấy tôi đến Xô-phi-a vào một ngày những cây bồ đề, cây dẻ, cây sồi và các cây khác đang khoác trên mình chiếc áo vàng rực rỡ của mùa thu. Chiều chiều, những chùm tia nắng yếu ớt cố xuyên qua màu vàng của lá làm cho nó càng vàng hơn, càng như tan vào mùa thu của xứ xở này. Đó đây thỉnh thoảng mới thấy một người trầm ngâm thả bước trên những lối đi vắng vẻ trong công viên.
Chiều nay cũng như mọi chiều trước, tôi ngồi ở một góc khuất trong nhà thờ giát vàng Xô-phi-a, cách công viên “Tự Do” khoảng vài trăm mét. ánh sáng của những ngọn nến nhỏ màu hồng trên tay các bà, các chị trước bàn thờ chúa như làm cho lòng tôi bớt đi nỗi thổn thức bởi hình ảnh con gái tôi ở sân bay nước mắt chan hòa:
– Bố ơi, bố đừng đi.
– Bố ơi, bố đừng bỏ con.
– Bố ơi, cho con đi với… bố ơi!
… Bỗng cả nhà thờ như nín thở khi một em gái… không! Một thiếu nữ áo sơ mi trắng bó sát người, chiếc váy màu xanh gọn gàng, hàng mi cong vút, cây nến trắng sáng rực trong tay bước lên tấm thảm nhung màu đỏ, từ cửa lớn của nhà thờ, mắt không nhìn ai chầm chầm… chầm chậm tới bên bàn thờ rồi hôn lên ảnh Đức bà bế chúa hài đồng. Mọi người không ai bảo ai đều lặng lẽ đến đứng bên tấm thảm mà người con gái vừa đi qua. Tôi cũng vậy, không hiểu sức mạnh nào đã nâng tôi khỏi chiếc ghế để đứng lên như mọi người.
Hôn ảnh Đức bà xong, cũng không hiểu sao người con gái lại chọn chỗ đứng bên cạnh tôi. Có lẽ vì bộ mặt quá đau khổ của tôi, hay tại vì tôi là người Việt Nam duy nhất hôm ấy trong nhà thờ. Từ hôm ấy tôi đến nhà thờ nhiều hơn. Và người con gái, nàng cũng vậy. Chúng tôi im lặng, không ai nói với ai, chỉ có ánh mắt nói lên… chúng tôi đã quen nhau, đã thân nhau lắm rồi!
Anh chẳng thấy màu xanh ngọc bích
Anh chẳng thích
                             màu vàng dẫu nguy nga
Cả âm thanh đang hòa
Bái thánh ca thánh thót
Cả bức tranh nắn nót
Về Đức mẹ Maria
Anh chẳng thấy gì
Chỉ thấy em bên cạnh
Mơ hay ảo ảnh?
Ôi hàng mi cong
Mà sao trong lòng
Lửa reo lửa cháy
Mỗi khi lại thấy
Ôi hàng mi cong
Tiếng dương cầm, tiếng giảng đạo trầm bổng của buổi lễ trọng tối thứ bảy đã tắt từ lâu. Mọi người đã ra về hết, chỉ còn ánh sáng rực rỡ của những chùm đèn một trăm ngọn nến, những hàng ghế… và tôi. Không! Còn cả nàng nữa… nàng xô ghế đứng dậy bước ra phía cửa. Tôi như người bị thu hết hồn vía cũng đứng dậy bước theo. Một đoạn! Một đoạn! Bỗng nàng dừng lại đợi tôi và tôi biết được tên nàng từ đấy.
Sau này vào một trong những buổi chủ nhật đi dạo trong rừng Vi-tô-xa tôi hỏi nàng:
– Tại sao hôm ấy em lại đến đứng bên cạnh anh!
Nàng đỏ mặt trả lời tôi:
– Em cũng không biết nữa! Có lẽ là do ý chúa anh ạ. Rồi nàng kể: Hôm ấy nàng nhận được giấy báo vào học tại trường đại học y khoa, mừng quá nên nàng đến nhà thờ. Mặc dù cả nhà nàng không ai theo đạo.
Sau buổi làm quen ở nhà thờ được ít lâu, nàng mời tôi đến nhà chơi để giới thiệu tôi với bố mẹ nàng. Lúc ấy tôi mới biết: Cha nàng chính là ông đại tá Xu-lép, phó giám đốc công ty xây dựng bộ nội vụ nơi tôi đang làm việc. Với vóc người dong dỏng cao, dáng đi nhanh nhẹn, tóc lấm tấm bạc, chiếc xe của ông thường bất ngờ xuất hiện ở ký túc xá nơi những người Việt Nam làm việc trong công ty xây dựng bộ nội vụ của ông ở. Ông đi xem xét tất cả nhất là khu vệ sinh. Vô phúc cho bà phục vụ người Bun nào để cho một phòng vệ sinh của chúng tôi bẩn hay có mùi hôi. Chắc chắn sẽ bị đứng im như một người lính để nghe ông nói. Ông vào từng phòng yêu cầu những người Việt Nam phải chăn đệm gọn gàng ngăn nắp. Ông rất xúc động khi thấy những người Việt Nam ngày tết vào rừng Vi-tô-xa mang về những cành mận, cắt hoa đính vào giả làm những cành đào. Ông hỏi cặn kẽ tại sao lại không lấy cây thông xanh như dân tộc ông? Nghe chúng tôi trả lời ông chỉ biết cúi đầu thở dài. Ông đã khóc khi đọc điếu văn trung úy công an Việt Nam Hồng Sơn bị bọn Hô-li-gan đánh chết ở ngoài hàng rào ký túc xá. Những người Việt Nam hôm ấy đều khóc theo ông.
Được thế lực “cải tổ” bật đèn xanh, Mơ-đê-đa-lớp, Lu-ka-lốp và những người thân họ, đã làm cuộc đảo chính không có tiếng súng giành quyền lãnh đạo từ Đảng Cộng sản Bun-ga-ri. Có những người cộng sản phẫn uất tìm đến cái chết như một phóng viên của tờ “Sao đỏ”. Còn đại tá Xu-lép sức khỏe tự nhiên sút giảm đột ngột và nhanh chóng.
Tôi bấm chuông không như mọi khi, lần này lâu lắm mới thấy nàng ra mở cửa. Để một ngón tay lên miệng ra hiệu cho tôi im lặng, rồi ghé vào tai tôi nàng nói: Bố nàng vừa chợp mắt xong. Đỡ lấy ba bông cúc đại đóa màu trắng bọc cẩn thận trong giấy bóng kính có đính sợi đăng ten màu hồng từ tay tôi, nàng để xuống bàn. Mọi khi vào những lúc như thế này mẹ nàng sẽ đi lấy chiếc lọ hoa bằng pha lê đổ nước vào rồi đưa cho nàng, nàng cẩn thận cắm từng bông, từng bông vào lọ, còn bà đứng nhìn và xuýt xoa… song hôm nay không như vậy.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế phô tơi bên cạnh bức tranh bãi biển trong xanh của quần đảo Ha-oai choán gần hết bức tường. Vác-xê-nhi-a, tay nàng cầm hai chiếc ly và tay kia cầm chai rượu Vốt-ka Ba Lan. Nàng nói với tôi:
– Anh uống rượu với em nhé?
Tôi ngạc nhiên vì điều này chưa xảy ra bao giờ.
Từ phòng bên, mẹ của nàng bước vào với thêm một chiếc ly đặt xuống bàn. Vác-xê-nhi-a mở chai rượu rót đầy ba ly. Chúng tôi im lặng uống! Ly rượu cạn tới đáy, mẹ của nàng đứng dậy đi về phòng. Trước khi đi bà nói với tôi: Đêm qua chồng bà yếu quá nên bà không ngủ, phải thức để chăm sóc ông, nay bà rất mệt, hãy thông cảm cho bà. Bà cũng không quên chúc tôi và con gái bà có một buổi tối vui vẻ.
Tôi và nàng rón rén vào phòng bố nàng, nét mặt ông hốc hác. Nàng hôn lên trán cha, nước mắt lã chã rồi lặng lẽ bỏ về phòng. Tôi đi theo nàng ngồi vào chiếc ghế mà nàng thường ngồi đọc sách. Nàng đến bên gục vào vai tôi thổn thức, tôi không biết nói thế nào để an ủi nàng. Tôi chỉ biết nâng mặt nàng lên rồi hôn tới tấp vào mặt nàng. Tôi dìu nàng ra giường, nàng giữ chặt lấy tay tôi. Tôi ngã đè lên người nàng, môi tôi và môi nàng gặp nhau nóng hổi… bỗng, không hiểu tại sao tôi lại vùng dậy.
“Vác-xê-nhi-a ơi! Anh không thể, anh không thể!”. Rồi vùng chạy ra cửa, xuống cầu thang. Ra tới đường, đầy trời tuyết rơi trắng xóa. Lúc ấy tôi mới biết mình đã bỏ quên chiếc áo khoác ở phòng khách.
Đêm ấy thấy tôi trằn trọc không ngủ. Anh bạn cùng phòng ngồi dậy hút thuốc và bắt tôi kể lại. Nghe xong anh không nói gì, rồi lặng lẽ đi nằm. Từ đấy tôi không dám đến nhà nàng nữa. Vài tháng sau với chiếc valy nhẹ bẫng trên tay tôi bước lên máy bay để về nước. Chỉ có những bông hồng trên đại lộ Lênin là vẫn thắm màu như hồi tôi mới đến. Điều tôi sợ nhất đã không xảy ra… bóng một người phụ nữ bế con chạy theo… gọi tên tôi!
Máy bay đưa tôi về quê hương nơi mà ba năm trước tôi đã chạy trốn khỏi nỗi đau bởi một mối tình tay ba: Tôi, vợ tôi và một người đàn ông khác. Liệu ngày mai sẽ ra sao? Con gái tôi có còn phải… Bố ơi! Đi chơi với con đi! Khi mỗi lần thấy người đàn ông kia đến thăm vợ tôi không? Vác-xê-nhi-a ơi! Anh không ở lại được với em. Anh không thể bỏ con gái anh được, nó có tội gì đâu? Anh phải về với những nỗi buồn vui ở cái xứ sở đã sinh ra anh. Vác-xê-nhi-a em có hiểu thế không em!
Đã gần mười năm nay tôi sống một mình trong một căn nhà nhỏ trên mảnh đất ở tận cùng phía Nam Hà Nội. Cái đêm tuyết rơi trắng trời ấy vẫn thường hiện ra trong giấc ngủ của tôi. Vác-xê-nhi-a… liệu em có biết thay mặt tôi đặt thêm một bông hoa cẩm chướng màu đỏ lên mộ đại tá Xu-lép khi ông qua đời không? Bởi vì tôi biết ông rất thích loài hoa đó. Chiếc áo của tôi em có còn giữ không? Tôi yêu em… đã đành là như vậy, song ở đời không phải việc gì cũng cứ muốn là làm được. Đời là như thế em ạ!

 

 

Mùa hè 1999