XIN CÓ ĐÔI LỜI VỚI NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
SAU KHI ĐỌC BÀI: “VỀ HAI CÂU THƠ CỦA XUÂN DIỆU”
Tác giả: Trương Quang Hưng
Thưa bác Trần Nhương *
Đầu thư cháu xin có lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới bác và gia đình.
Cảm ơn bác đã lập trang web này. Cháu chỉ là một đọc giả, lần đầu tiên đến thăm, cháu xin mạn phép có đôi lời.
Cháu có đọc bài “Về hai câu thơ của Xuân Diệu” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đăng trên website của bác, đọc xong có đôi điều thắc mắc, rất mong có được lời giải đáp:
Trong bài, nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết về hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Ông đã tỏ lòng kính trọng và ca ngợi hết lời:
“…hai câu thơ tuyệt vời ở mọi phương diện của ông: “Trái đất ba phần tư nước mắt – Đi như giọt lệ giữa không trung”. Tôi đọc đã nhiều, lục lọi cũng rất nhiều trong kho tàng thi ca nhân loại, nhưng cho đến nay, tôi chưa thấy câu thơ nào kỳ vĩ hơn thế, tài nghệ đến như thế trong lĩnh vực xây dựng hình tượng thơ và đặc biệt là kỹ nghệ đưa thực tế đời sống vào thơ.
nếu đặt ông bên cạnh Lý Bạch, Đỗ Phủ, R. Tagor, Nguyễn Du, A. Puskin, Uýt Man… vv… Nhưng nếu mỗi thi sĩ chỉ được chọn ra hai câu thơ và chỉ hai câu thơ thôi, thì tôi ngờ rằng, có lẽ tất cả các bậc thiên tài kia đều phải ngả mũ trước Xuân Diệu.”
Vâng đúng là ngợi ca hết lời. Nhưng sau đó lại nói đó là của nhà thơ Huy Cận. Vậy phải chăng những lời ca tụng, tung hô kia là giả dối sao? Tự mình phản bác lại những gì vừa nói trước đó! Có lẽ những lời vàng ngọc đó là dành cho nhà thơ Huy Cận…Chắc bác Xuân Diệu ăn “dưa bở” mất rồi.
Và thực tế, cả hai nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu đã mất rồi, nếu chỉ có câu chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại, câu chuyện của hai người, giờ chỉ còn một người duy nhất biết và nói ra như vậy? Đó là bằng chứng một phía, dễ sinh nghi ngờ. Tại sao không nói ra điều thắc mắc này khi mà nhà thơ Xuân Diệu còn sống? Hay khi nhân chứng thứ hai là nhà thơ Huy Cận chưa mất? Nói lúc này, chẳng phải độc thoại hay sao?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn viết:
“…Ông quan niệm thơ phải “Chân chân chân. Thật thật thật”. Câu thơ này chẳng nằm trong khoảng nào trong cả đời thơ Xuân Diệu. Đã thế, nó lại có “hơi” Huy Cận rất rõ.”
Xin hỏi nếu nói nó mang “hơi” Huy Cận sao không đưa ra vài dẫn chứng cụ thể? Với một người con trẻ như cháu, chưa đọc nhiều, biết nhiều thì, nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa nói vậy thì cũng biết vậy thôi.
“Trái đất ba phần tư nước mắt – Đi như giọt lệ giữa không trung”
Người ta nói: Thơ là hình tượng hóa thực tế, chứ không phải là sao chép, thực tế như nào thì bê nguyên si, đó là phóng sự mất rồi. Nhà thơ Xuân Diệu là ông hoàng thi ca, chẳng lẽ lại không biết điều này. Chúng ta hãy nhìn lại: Nhà thơ Xuân Diệu đã viết rất nhiều câu, nhiều bài rất “thơ” như “Yêu là chết ở trong lòng một ít” hay “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu, Lả lả cành hoang nắng trở chiều…” Còn nhiều, rất nhiều những câu thơ rất thơ như vậy!
Nhà thơ Xuân Diệu quan niệm thơ phải “Chân chân chân. Thật thật thật” theo cháu hiểu đó là phải rung cảm thật sự, xúc cảm chân thành thì mới có thể cầm bút, tránh lối viết ào ạt, chợ búa khiến câu chữ xáo rỗng, nhạt nhẽo. Và viết phải có căn cứ thực tế chứ không phóng đại, điêu ngoa quá lên! Còn nếu hiểu như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì trần trụi quá!
Và hai câu thơ trên cũng “chân” cũng “thật” chứ! Trái đất ba phần tư là nước, nhà thơ nhân cách hóa thành nước mắt.
Qua câu đầu, người đọc đã hiểu Trái đất sống, Trái đất như một sinh linh rồi, chứ nếu vô tri sao lại có nước mắt? Vậy đâu cần phải nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa “…và phải “đi” thì trái đất mới thành một sinh linh, mới ra một thân phận”. Và trong một câu thơ, một bài thơ, dẫu biết có những từ, những câu thơ “đắt” nhưng cũng không nên tách riêng ra như vậy! Nếu để những từ, những câu đó ra riêng một chỗ, có thành một câu, một bài thơ nữa không và cái từ, cái câu đó cũng không còn quan trọng nữa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn viết:
“Trôi” thì thành nước thật mất rồi, trái đất hóa vô cảm như dòng nước vô tri, câu thơ dễ dãi và lười nhác. Vả lại, nếu cứ phân tích theo lối bắt bẻ, chẻ hoe ra như cái ông phê bình ấy thì giọt lệ cũng không thể trôi được. Nó có thể “rơi” hoặc “bay” trong không trung, chứ làm sao có thể “trôi”?
“Trái đất ba phần tư nước mắt”-Đã đủ nặng nề, mệt mỏi rồi, sao không để “trôi” cho thanh thản, có hay hơn không? Lại còn gượng ép, bắt Trái đất phải “đi” nữa, để cho người ta biết Trái đất là một sinh linh biết đi nhưng vốn đã là một Trái đất sống rồi, có đau khổ, tủi hờn, có những ba phần tư là nước mắt cơ mà. Thấy “đi”-gượng quá!
Và phải chăng nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa nghe câu: Giọt nước mắt trôi trên hai gò má-Rất thường tình, rất đời thường, sao nhà thơ có vẻ ngạc nhiên đến vậy?!
Đọc đến đây, cháu tự hỏi: Không biết nhà thơ Trần Đăng Khoa có hiểu hai câu thơ này không nữa.
Đến cuối bài viết, nhà thơ lại ca tụng hết lời:
“Xuân Diệu như một trái núi. Có tách riêng ra một tảng đá, cho dù đó là vàng ròng đi nữa, thì cũng không phải vì thế mà trái núi đó nhỏ đi.”
Đưa lên…đẩy xuống…Phải chăng chỉ là thế?
Nếu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, hai câu thơ đó là của nhà thơ Huy Cận tặng cho nhà thơ Xuân Diệu, sao còn nói: “Bây giờ, thì mình thấy câu thơ ấy chính là của Diệu chứ không phải của Cận nữa…” ???
Vậy đấy! Thiết nghĩ, nếu hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận sống lại mà đọc những lời viết này, họ có tự hỏi: Nhà thơ Trần Đăng Khoa ca ngợi tình bạn của hai người “đẹp” đến thế sao? Đó là sự trân trọng với hai thi sĩ lớn: Xuân Diệu và Huy Cận sao? Chưa nói đó là của học trò đối với người thầy của mình.
Cháu chỉ xin có đôi lời cảm nhận như vậy! Xin gửi đến bác, rất mong bác xem xét cho cháu. Cháu mong sớm nhận được câu trả lời từ những bậc tiền bối.
Xin trân trọng cảm ơn!
Chúc bác mạnh khỏe và có nhiều tác phẩm hơn nữa.
Chào bác.
Viết và gửi ngày 01/02/2009
* Đã được đăng trên website của bác Trần Nhương
Phản hồi gần đây