CÁM DỖ
Tác giả: Trần Văn Lý

 

 

Tiếng ông Trương rít lên:
– Nó làm sao mà mày không lấy nó?
Thủy thổn thức:
– Con và anh ấy không hợp tính nhau thầy ạ!
– Mày chỉ nghĩ đến cái thằng không cha, không mẹ thôi, tao còn lạ gì! Chỗ người lớn với nhau, tao biết nói với ông bà Lý làm sao bây giờ? Sao hôm người ta đến có quả cau nói chuyện, mày không mở mồm ra?
Thủy gục mặt nói trong nước mắt:
– Thày ơi! Hôm ấy thành bảo con ở trong buồng con có được nói gì đâu?
Ông Trương giơ tay: Bốp, bốp… Mày cãi tao à!
Bà Trương ở ngoài sân chạy vào:
– Ông ơi, tôi xin ông! Để rồi tôi sẽ bảo nó.
Ông Trương vùng vằng vớ lấy cái mũ lá đội lên đầu rồi đi ra đồng.
Người mà ông Trương vừa nói tới là Tùng, con ông Lý, cách nhà ông chỉ có bốn, năm nóc nhà. Hai ông chơi với nhau từ thủa bắt chim về nuôi chung, bao nhiêu năm nay hai nhà vẫn như là một, mà Tùng lại cùng học một lớp với con gái ông. Tùng chịu khó, ngoan ngoãn, không bao giờ dám cãi lại bố, mẹ. Không như mấy thằng thanh niên khác, mới nứt mắt ra đã phì phèo điếu thuốc lá.
Tùng là giáo viên cấp một, con gái ông là cô nuôi dạy trẻ, thật xứng đôi, còn cái hình hài kể mà làm gì. Mà Tùng đâu đến nỗi nào, đen, tính hơi nhút nhát một tý, nhưng những người như thế, ông biết bao giờ cũng thật thà. Con gái ông, cái Thủy, ông chỉ muốn tốt cho nó, chứ ông có ác ý gì đâu!
Thủy say mê Quang từ khi Ban Chấp hành xã Đoàn quyết định mở sân bóng chuyền ở đây. Tiếng reo hò cuốn hút Thủy khi người con trai có cái tên là Huy Quang trắng trẻo, to cao, mái tóc bồng bềnh, nhảy lên… vút… bộp… dứt điểm. Bao cô gái thèm khát nhìn theo cánh tay Quang trong tiếng reo hò vang dậy.
– Nóng quá cô giáo ơi! Cho tôi một gầu nước mát nhé.
Thủy cười tươi… mắt đen láy, long lanh:
– Thế anh Quang đã xin học sinh của Thủy chưa?
Quang cười đỏ mặt, chưa biết nói thế nào thì Thủy đã kéo gầu nước lên tới miệng giếng, Quang cúi đầu Thủy giội gầu nước lên đầu Quang. Đêm ấy nụ cười và ánh mắt của cô giáo Thủy hiện lên trong giấc mơ của Quang. Người con gái có mái tóc như mây, nước da trắng hồng, chiếc áo bó sát người như đang dồn nén bên trong nó một sức sống rừng rực.
Những người nhiều tuổi trong làng ai cũng biết ngày ấy:
Một buổi sáng cũng như mọi buổi sáng khác, bà Vinh gánh gánh hàng sang chợ làng bên, bà đi từ sớm để đến nơi còn kịp ăn miếng trầu rồi mới dọn hàng. Lên tới đầu làng, sáng sớm nay sương mù dăng kín lối đi, bỗng có tiếng trẻ khóc bên đường, giật mình bà đỗ gánh bước lại nơi có tiếng khóc. Một đứa trẻ được bọc cẩn thận trong bọc tã lót ai đó để bên đường, bà vội bế lên nựng nựng đứa trẻ. Người qua đường xúm lại ngày một đông mà đợi mãi vẫn không thấy ai đến nhận. Ai cũng bảo bà Vinh có duyên với đứa trẻ, nên nó mới được gặp bà. Bà hãy đem nó về mà nuôi, mà bà Vinh cũng muốn vậy, vì bà mới có ba cô con gái mà nay bỗng dưng trời lại cho bà một đứa con trai thì quý nào cho bằng. Bà Vinh đã dành cho Huy Quang những tình cảm yêu thương của người mẹ. Cậu như một hoàng tử lớn lên ngày một rực rỡ. Mỗi chiều có Huy Quang chơi là sân bóng lại đông người xem hơn mọi ngày. Nhất là còn có thêm rất nhiều cô gái…
Quang bồn chồn đi đi, lại lại mắt nhìn về phía mà Thủy có thể xuất hiện. Sáu rưỡi, bảy giờ, bảy rưỡi, tám giờ… Bỗng Thủy hiện ra dưới ánh trăng. Quang đón Thủy hôn tới tấp lên mặt Thủy: Em là của anh… anh không thể mất em… anh không cam chịu – Thủy nước mắt chan hòa. Bàn tay Quang quờ quạng lần tìm cúc áo của Thủy, Thủy giữ lấy tay Quang: Đừng anh, em xin anh… đừng… đừng anh Quang ơi – nước mắt của Quang cũng ướt nhòa mặt Thủy. Ngực Thủy tưởng muốn vỡ tung ra khi bàn tay Quang động vào, khi môi của Quang hôn tới tấp lên đó… Thủy như mê đi. Chỉ có trăng và sóng nước biết chuyện này! Không, còn có một người thứ ba nữa biết đó là Tùng. Mấy hôm nay Tùng thấy Thủy rất lạ, càng gần tới ngày cưới, Thủy càng im lặng. Tùng không biết làm thế nào… để cho Thủy nói được dù chỉ một lời. Thủy chỉ còn như là một cái bóng. Tối nay Tùng cứ đứng ở ngõ đắn đo mãi không dám vào, bỗng thấy Thủy vụt ra ngõ, Tùng đi theo và được chứng kiến…
Ông bà Lý rất lạ lùng khi thấy Tùng khăng khăng nói rằng Thủy và Tùng không hợp tính nhau, nên không thể sống với nhau được mà mới hôm qua thôi, ông bà Lý vẫn thấy Tùng còn say sưa trang trí phòng cô dâu chú rể. Thôi thì còn biết nói làm sao nữa.
Hôm nay Thủy rực rỡ trong bộ đồ cô dâu, cười tươi như hoa đón tiếp bạn bè đến chúc mừng. Đám cưới của Thủy và Quang ai cũng nói là đẹp đôi nhất làng. Nhiều cô gái ngoài mồm thì tươi cười chúc mừng… hạnh phúc của hai người nhưng trong lòng họ rất buồn vì thế là từ nay thần tượng của họ đã bị Thủy cướp. Thủy chiếm đoạt mất rồi.
Bé Thúy ra đời đã được một năm. Ông bà Trương sung sướng nhìn đứa cháu gái ngọng líu, ngọng lô: A ba ba… a bà bà, chập chững bước đi từng bước, từng bước một.
Tình hình biên giới rất căng thẳng. Quang phải lên đường nhập ngũ. Thủy nhìn mãi theo chiếc xe có Quang với bộ quân phục mới tinh ngồi ở trên, tới khi nó mất hút từ lâu mà Thủy vẫn không thôi.
Bé Thúy đã tám tuổi. Hôm nay Thúy đang đợi bác Tùng thầy hiệu trưởng của trường đến đón. Đã từ một năm nay cứ sáng sáng bác Tùng lại gọi:
– Thúy ơi! Xong chưa cháu, đi thôi – Thúy ra tới ngõ là đã thấy bác Tùng đỗ chiếc xe máy mới tinh, giơ tay đỡ Thúy lên xe rồi hai bác cháu tới trường.
Tới trường ai cũng nói cái Thúy sướng thật và hình như các thầy cô giáo cũng quý Thúy hơn các bạn khác. Cuối năm Thúy đạt học sinh tiên tiến xuất sắc. Hôm Thúy báo tin, mẹ Thúy đỏ mặt tránh ánh mắt của Tùng nhìn.
– Bác Tùng ơi! Con không hiểu được bài này – Tùng nán lại giảng cho Thúy hiểu… Thầy Tùng ra về Thúy ngồi vào lòng mẹ: Mẹ ơi! Bác Tùng đến là tốt, ở trường chúng nó hay nói: Ai chả biết cái Thúy có bác là thầy hiệu trưởng. Có phải thế là chúng nó ghen với con không mẹ? Thủy cúi đầu không nói gì lòng bỗng nhớ tới Quang. Ước gì bây giờ Quang ở bên mẹ con Thủy.
Tùng đã kiên nhẫn giảng: Phép cộng là phép tính đi tìm tổng số… còn phép trừ khác phép cộng ở chỗ người ta đã cho biết tổng số trước ta phải đi tìm… mà mãi Thúy vẫn không phân biệt nổi. Tùng đành phải bảo nó đi nghỉ. Nó phụng phịu:
– Sao mà khó thế bác Tùng?
Tùng cười nhìn Thủy. Thủy đỏ mặt cúi đầu:
– Thúy không được thế con…
Thúy phụng phịu chui vào màn. Thủy tiễn Tùng ra ngõ, Tùng bỗng bất ngờ dừng lại gọi:
– Thủy ơi!
Thủy – dạ!
Tùng nắm lấy tay Thủy. Thủy để yên tay mình trong tay Tùng và nói:
– Đừng anh!
Rồi bỗng giật phắt tay ra chạy vội vào nhà.
Đã mấy ngày hôm nay Thúy bị muộn học, không hiểu bác Tùng của Thúy vì sao mà lại không đến đón Thúy như mọi khi, tan học mắt Thúy vừa định ngước nhìn lên phòng ban giám hiệu thì đã thấy xe của bác Tùng đỗ xịch ở trước cửa lớp. Thúy phụng phịu ngập ngừng không định lên xe. Bác Tùng phải vừa cười vừa nói: Bác xin lỗi vì mấy hôm nay bác bận quá – Thúy mới chịu trèo lên xe cùng về. Về đến ngõ Thúy hét toáng lên:
– Mẹ ơi! Bác Tùng đây này!
Thủy ra ngõ đón con cúi mặt ấp úng:
– Mời anh Tùng vào nhà chơi.
Tùng nói:
– Thôi Thủy để cho khi khác.
Bé Thúy nắm lấy tay Tùng:
– Bác vào nhà cháu chơi đi, cháu sẽ cho bác xem cái này hay lắm cơ… bố cháu vừa gửi về.
Thủy cũng nói:
– Anh vào chơi đi cho cháu nó mừng…
Tối nay cái Thúy đi ngủ sớm vì nó vừa khỏi sốt. Tùng sang giảng bài cho cháu Thúy, không có việc nên ngồi nói chuyện với Thủy. Bỗng Tùng gọi: Thủy ơi… Thủy!
Thủy hoảng hốt!
– Anh bảo cái gì cơ ạ? Tùng im lặng… chỉ có ngọn đèn nhảy múa giữa hai người. Khuya rồi Tùng đứng dậy ra về:
– Thủy ơi! Tôi về nhé.
Thủy vẫn ngồi im, Tùng đến bên, khẽ đặt tay lên vai Thủy. Thủy để im, nói: Đừng thế anh!
Đèn vụt tắt, bàn tay Tùng xoa lên khắp người Thủy. Run bắn người, Thủy tưởng tượng bàn tay ấy là của Quang. Ngoài kia có tiếng lá ngô rì rào dưới ánh trăng bao la.
Đoàn tàu vun vút lao về phía Hà Nội mà Quang vẫn thấy chậm, sau hai năm chưa về thăm nhà, vài tiếng nữa thôi Quang sẽ được hôn lên má bé Thúy, sẽ được ôm Thủy vào lòng. Hồi còn con gái Thủy đã đẹp, có bé Thúy rồi hình như Thủy còn đẹp hơn, bộ ngực vẫn rừng rực sau làn áo mỏng. Đêm nay Quang sẽ rón rén, sẽ bịt mũi vào rồi gọi cửa để dọa Thủy. Quang hình dung: chắc Thủy sẽ sợ lắm, hỏi ai đấy? Sẽ không dám mở cửa, lúc bấy giờ Quang mới bảo anh đây! Lúc ấy chắc Thủy sẽ mở cửa thật nhanh, rồi lao vào lòng anh…
Quang bịt mũi, trọ trẹ: Thủy ơi! Em mở cửa cho tôi với – Trong nhà có tiếng lục đục rồi tiếng Thủy hoảng hốt: Ai đấy? Đêm hôm khuya khoắt thế này hỏi có việc gì? Giọng Thủy rất căng thẳng. Quang phải bỏ tay ở mũi ra bảo: Thủy ơi! Anh đây, Quang đây mà – Im lặng một lúc, cửa bỗng mở tung, một bóng người lao ra ngõ, dưới ánh trăng Quang còn kịp nhận ra đó là Tùng.
Quang đờ đẫn bước vào nhà, đến bên giường hôn lên má bé Thúy đang ngủ. Thủy đầu tóc xõa sượi nước mắt chan hòa.
– Thủy ơi! Thủy yêu Tùng sao không nói với tôi ngay từ ngày ấy – nói xong Quang xốc ba lô rồi bước ra hướng ngõ, Thủy chạy theo quỳ xuống chân Quang:
– Anh Quang ơi! Em chỉ yêu có mình anh thôi.
– Thế à! Quang cười đau khổ rồi bước nhanh ra ngõ không ngoái đầu lại.
Đã lâu lắm rồi mà cái Thúy không thấy bố nó về thăm, nó chỉ biết mẹ nó bảo bố nó đi chiến đấu còn lâu lắm mới về.
Tùng về đặt vấn đề xin cưới Thủy. Bố mẹ Tùng nhìn Tùng như thể đây là lần đâu tiên được nhìn thấy. Nhưng rồi ông bà Lý cũng hiểu ra sự việc. Ông bà hỏi Tùng: Thế cái Thủy đã ly dị thằng Quang chưa? Tùng lúng búng trong miệng: Chưa ạ – Bà Lý vừa khóc vừa nói:
– Con ơi, nó lừa con rồi. Ngày xưa nó nhận lời lấy con rồi lại cưới thằng Quang. Nay nó lại muốn bỏ thằng Quang để lấy con. Nó lừa con đấy con ơi – Nghe mẹ, Tùng bỗng thấy hoang mang.
Cả xóm nhớn nhác chạy lên bờ sông. Ngoài sông, mấy chiếc thuyền chài và rất nhiều người đang hụp lặn để tìm cháu Thúy, đã nửa giờ rồi mà vẫn không thấy. Cháu Thúy học xong, lên sông lấy đất nặn thủ công ra rửa tay không may tuột dép trượt chân ngã xuống nước.
Mấy hôm nay, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, quần áo rách bươm ôm đôi dép trẻ con trước ngực vừa đi vừa gọi:
– Thúy ơi! Về với mẹ!
– Thúy ơi! Con đừng giận mẹ, về với mẹ đi con…
Người làng tôi nhìn thấy, đều lắc đầu ái ngại qua đi, rồi lẩm bẩm: Khổ chưa… điên mất rồi!

 

Mùa xuân 1999