“NHỮNG MẢNH ĐỜI CHẮP NỐI” CỦA TRẦN VĂN LÝ
NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN 2002

Tác giả: Nguyễn Thanh Lâm

Người ta thường bàn đến quyền được sống, chọn cách sống. Đã mấy ai bàn đến quyền được chết, chọn cách chết.
Trần Văn Lý đã chọn cách chết chìm trong đau khổ và yêu.
Tôi biết Trần Văn Lý khi anh đã ngoài 45 tuổi trời, chưa là ai, chưa là cái gì, trông anh vừa có vẻ hiền lành, cũ kỹ, thông minh và cao ngạo, e ấp rụt rè mà thẳng thắn trung thực. Mãi kiếm tìm mình, soi gương và tự hỏi người trong gương: – Hắn là ai?
Một người bạn cùng quê với anh kể rằng: Anh là đứa trẻ mồ côi khát thèm tình cảm, học giỏi mà bị thất học vì hoàn cảnh, lấy vợ bị vợ bội phản, bội phản nhỡn tiền vẫn cam lòng chịu đựng, ly thân với vợ 10 năm vẫn nằm mơ thấy vợ đến xin lỗi gọi về đoàn tụ. Có người bảo anh hâm. Tôi tự hỏi cái gì là nguồn khởi trong lòng anh sự bao dung nhẫn nhịn, khao khát tình yêu. Phải chăng là văn chương? Đúng! Anh yêu văn chương, đam mê cháy bỏng, bán nhà để in sách, anh chọn văn chương là thứ cứu rỗi hồn mình và văn chương chọn anh để đầy đọa. Anh bước lên vũ đài văn chương bằng cuốn “Cảm nhận thi ca” và bị đo ván, chết chìm trong im lặng. Anh nhận những cái tát trái của bàn tay không hoa mỹ văn chương mà bằng bàn tay thô ráp đời thường và sự quay lưng ngoảnh mặt. Cái tội của anh là cái tội dũng cảm mà điên khùng dám đặt nhà thơ Chử Văn Long “cùng chiếu” với những nhà thơ cổ thụ Anh đã thấm đòn chưa, thấm tội chưa mà đến hôm nay vẫn ngớ ngẩn cười, ngồ ngộ như người quá đau khổ vì yêu!
Sau cuốn “Cảm nhận thi ca” tưởng anh đã chết, bỗng hôm nay hồi sinh bằng tập truyện ngắn “Những mảnh đời chắp nối”. Tôi hỏi anh – Ông tự đánh giá về tập truyện? – Anh hồn nhiên trả lời: – “Sở trường của tôi là phê bình và thơ là chính, truyện ngắn là tay trái, nhưng dù tay trái cũng vượt xa những loại “tầm tầm” và cũng có thể lại chết chìm trong im lặng, nhưng tôi tin cõi u tịch kia con người phải vươn tới, mà muốn vươn tới lại phải quên bản ngã của mình”.
Ơ, anh chàng này tu ở đâu mà ngôn ngữ có mùi thiền, lại gắt mùi ngông. Thế rồi “Những mảnh đời chắp nối” dẫn tôi đi vào hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời Trần Văn Lý. Với những “số phận”, với tình yêu trong “Căn nhà cạnh bãi tha ma”, bắt gặp tiếng tặc lưỡi lạnh lùng “Đời là như thế”, hoa mắt với “Vòng đời”, buồn cho người lấy “Kỹ thuật sống” để yên thân, nghe tiếng âm u bí hiểm “Sức mạnh của lời nguyền”, nghe tiếng hỏi muôn đời “Hắn là ai”, ấm lòng với tình yêu khổ đau và chọn cách yêu, chọn cách quên tình yêu từ “Những mảnh đời chắp nối”.
Anh lấy đời mình ra để viết, mộc mạc, thật thà. Cái chân thành vượt qua kỹ thuật. Câu văn không ánh lên hào quang mà là ánh lửa đỏ của nén hương đang cháy khiến người đọc im lặng tự thiền. Nhưng khớp xương trong chuyện đôi chỗ lộ ra, lỏng lẻo như cố ý để lỏng lẻo, những chi tiết, những mảnh đời tưởng như đã cũ, đã xa… nhưng cốt thật của truyện và cái mộc của văn khiến người đọc thấy gần.
Tôi tin anh đã chọn cách viết, cũng như anh chọn cách nhẫn nhịn, im lặng để yêu, dù tác phẩm có bị chết chìm thì anh vẫn cứ chọn cách chìm này. Văn chương đã cứu rỗi linh hồn anh thì ở nơi hư tĩnh ấy phập phồng hơi thở con người.

 

Nguyễn Thanh Lâm
* Bài đã đăng trên báo Người Hà Nội.