CĂN NHÀ CẠNH THA MA

Tác giả: Trần Văn Lý

 

Chiếc ôtô chở đầy gỗ từ đường nhựa rẽ vào con đường đất ở cuối làng, tới bãi tha ma thì dừng lại, trước căn nhà xiêu vẹo bốn góc đã phải dùng những thanh gỗ chống để tránh cho nó khỏi phải đổ hẳn. Từ xa trông nó giống túp lều của chị Dậu hơn là một căn nhà.
Anh lái xe tầm bốn mươi tuổi ngó trước, ngó sau không thấy có ai, vội nhảy lên thùng xe dỡ xuống năm, sáu thanh gỗ to có thể dùng làm cầu phong hay xà nhà. Xong rồi nhảy xuống đất tay phủi phủi quần áo cho sạch, anh gọi vọng vào trong:
– Mẹ ơi! Mẹ có nhà không?
Từ trong nhà có một người đàn bà như vừa đun gì trong bếp bước ra. Bà khoảng trên dưới năm mươi, chiếc áo nâu vận trên người bạc phếch, đôi ba chỗ đã rách được vá lại một cách rất khéo léo, thời gian đọng lại trên khuôn mặt của bà nhiều nét khắc khổ, song vẫn toát lên một vẻ gì đó nói rằng:
Hồi con gái bà rất đẹp. Vẻ đẹp còn vương lại ở nước da, dáng người và nhất là ở đôi mắt buồn buồn của bà:
– Lâm về đấy à! Vào nhà rửa chân tay đi, cơm tôi nấu sắp chín rồi, ăn xong hãy đi.
– Mẹ cất gỗ đi, con phải đi trả hàng ngay cho kịp mẹ ạ! – Lâm trèo lên cabin nổ máy, trước khi đi còn thò đầu qua cửa xe:
– Mẹ ơi! Chiều mai con về, mẹ bảo Phượng ở nhà mẹ nhé.
– Được! Tôi sẽ dặn em nó – rồi bà vác những thanh gỗ cất vào trong nhà.
Chiếc ôtô ra khỏi con đường đất nhập vào dòng xe tấp nập qua đường rồi mất hút. Bà Loan nhìn theo nó thở dài, cúi xuống vác nốt thanh gỗ cuối cùng vào nhà.
Bà Loan người đẹp nổi tiếng của làng Thượng ngày ấy: Tóc dài chấm gót, da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt buồn buồn để ai nhìn vào cũng phải động lòng, cũng đã muốn thương. Nhưng chỉ khổ một nỗi, năm tuổi bà đã mồ côi mẹ, mười một tuổi tự nhiên bố bà phát bệnh hủi. Mười đầu ngón chân suốt ngày rỉ nước vàng, rồi cứ mòn dần mòn dần, ai trông thấy cũng phải phát khiếp. Vì thế nên làng đuổi bố con bà ra khỏi làng. Bố con bà phải xin mãi làng mới cho dựng tạm một túp lều ở bên cạnh tha ma của làng, năm bà mười lăm tuổi, chắc bố bà không chịu đựng được những nỗi khổ về bệnh tật, cộng với nỗi cô đơn do mọi người xa lánh, nên vào một đêm rét như cắt ruột ông đã vào bãi tha ma treo cổ trên một cành cây thấp gần nhà.
Bà Loan càng lớn càng đẹp, càng đẹp người ta càng phải tránh xa bởi ai đó ác khẩu truyền đi một câu: “Người con gái mắc bệnh hủi trước lúc phát bệnh là lúc người ấy đẹp nhất”.
Lủi thủi một mình với bãi tha ma, bỗng một đêm vào cái năm: năm ba, năm tư gì đó, có một người đàn ông bị thương ở đùi, máu ra rất nhiều, đến cửa túp lều của bà thì ngã gục. Bà vực vào trong, băng bó và chăm sóc cho ông. Một thời gian sau bà mới biết ông hoạt động bí mật, đêm ấy ông bị quân Pháp phục kích trên đường đến địa điểm liên lạc. Từ đấy trên đường đi công tác ông thường ghé lại túp lều của bà bên cạnh bãi tha ma.
?????lâu không thấy ông tới, bà Loan đêm đêm lại ra cửa nghe ngóng, đợi tiếng động thân thuộc mọi khi. Rồi bà có mang được ba tháng, một đêm ông bảo với bà: Tổ chức phân công ông biệt phái vào nội thành hoạt động, đêm ấy bà Loan ôm lấy người đàn ông mà từ lâu bà coi là chồng của mình khóc như mưa. Cũng đêm ấy ông chỉ vào ngọn đèn mà thề rằng: Hoà bình lập lại nếu ông còn sống, ông sẽ đến đón mẹ con bà về quê ông ở vùng Bắc Ninh Quan họ gì đó. Trước khi biến vào bóng đêm, ông còn kịp dặn: Nếu bà sinh con trai thì hãy đặt tên nó là Thắng, nếu là gái thì hãy đặt tên là Phượng.
Bây giờ Phượng đã 17 tuổi và rất giống bà. Bà đã về quê ông để tìm, nhưng những người biết ông nói rằng: ông đã vấp phải mìn ngay trong cái đêm ông vượt vùng giáp ranh để vào nội thành hoạt động, xác ông tan ra thành nhiều mảnh… Nghe thế bà không cầm được nước mắt.
– Gỗ ở đâu mà nhiều thế mẹ? – Bà Loan bừng tỉnh khi nghe tiếng Phượng hỏi.
– Của Lâm đấy con ạ! Lâm bảo chiều mai nó về, con đừng đi đâu.
Tiếng Phượng gắt gỏng:
– Mẹ này! Con đã bảo là không rồi, sao mẹ cứ cho người ta đến nhà? – Bước tới mấy tấm gỗ kê làm giường Phượng nằm vật ra, úp mặt xuống gối.
Bà Loan đến bên ngồi xuống khẽ khàng luồn những ngón tay vào mái tóc đen mướt của Phượng rồi thở dài  giọng buồn buồn nói:
– Mẹ biết là nó quá nhiều tuổi so với con, song ngẫm lại đời mẹ, mẹ rất lo cho con. Nhà mình đã có tiếng là mắc bệnh… ai lấy. Mới lại, con xem trai tráng ở trong làng cũng đi bộ đội hết rồi. Thời kỳ bom rơi đạn nổ này ai biết thế nào hả con? Mẹ nghĩ: Lâm nó tốt, lại là thương binh dứt khoát nó không phải vào chiến trường nữa đâu con ạ! Vả lại, nếu không có nó, cái nhà này sắp đổ rồi mẹ con mình biết ở đâu?
Thế rồi cạnh bãi tha ma cuối làng mọc lên một căn nhà xây ba gian lợp lá gồi xinh xắn. Vả cả làng đang kháo ầm lên: Cô Phượng con bà Loan hủi mới hai mươi tuổi đầu mà lại lấy người bốn mươi đáng tuổi chú mình. Nghe đâu người ấy đã có một vợ, một con ở quê rồi.
Thập thò mãi Phượng mới dám theo Lâm vào uỷ ban làm thủ tục đăng ký kết hôn, vì Lâm đã có giấy li dị vợ trước đầy đủ. Đăng ký xong, cũng chủ nhật tuần ấy, bạn bè và cơ quan của Lâm về giúp Lâm tổ chức đám cưới. Bãi tha ma của làng đêm ấy đèn măng sông sáng choang. Chả là đế quốc Mỹ đã ký hiệp định ngừng ném bom toàn bộ miền Bắc được độ một tháng nay.
Cưới xong được bạn bè của Lâm giúp đỡ, cái cô Phượng lam lũ ngày xưa biến mất. Thay vào đấy là cô Phượng  áo phông gọn gàng bỏ trong chiếc quần bò jean bó sát người, tay đeo đồng hồ Xlava ba kim, dắt chiếc “Palôlít” mới cứng, sáng sáng qua làng để đi làm. Trên đường Phượng đi, bao ánh mắt tiếc rẻ nhìn theo.
Cũng tình cờ thế nào mà Phượng lại được phòng tổ chức phân công về tổ sản xuất do Thanh phụ trách. Cái anh chàng Thanh hồi đi học ngồi đầu bàn hay nhìn trộm Phượng, đến khi Phượng bắt gặp thì thường ngượng đỏ mặt quay đi. Hôm Phượng về tổ, gặp nhau, Thanh vẫn lúng túng như ngày ấy.
Sáng nay giám đốc như sững người ra khi nhìn thấy Phượng. Rồi ông đến bên hỏi tỉ mỉ Phượng quê ở đâu? Hoàn cảnh gia đình ra sao? Có chồng chưa? Nghe Phượng kể giám đốc cứ luôn mồm xuýt xoa: Người đẹp đến thế này mà phải khổ! Ra về còn cố nhìn lần cuối cùng vào đôi bàn tay búp măng thon thả của Phượng, ý tứ nói:
– Tay này chỉ có cầm bút là hợp thôi!
Cũng từ buổi ấy giám đốc Trung hay ra chơi phân xưởng. Những lần như thế người phụ trách phân xưởng thường tế nhị gọi Phượng lên văn phòng phân xưởng, rồi khéo léo báo cáo với giám đốc xin đi chỗ này, chỗ kia. Những lúc ấy giám đốc Trung thường vừa cười vừa nói:
– ờ, cậu đi đi, để tớ và Phượng làm người trông nhà cho cậu vậy!
Một hôm trên đường đi làm về, Thanh lấp lửng hỏi Phượng:
– Phượng không sợ à?
Phượng trợn mắt nhìn Thanh:
– Sợ! Sợ cái gì cơ?
– Nhỡ anh Lâm biết… được thì sao?
– Biết… biết thì biết chứ sợ gì? Đã xấu chán rồi, xấu đến mức là con hủi là cùng, chứ còn xấu đến đâu nữa?
Thanh nhìn đi chỗ khác:
– Thôi thì tuỳ Phượng! Là bạn học với nhau mình mới nói thế.
Phượng vênh mặt lên:
– Là bạn? Thanh đã bao giờ coi tôi là bạn đâu? Nếu Phượng là bạn của Thanh thì giờ Phượng đã chả khổ đến thế này!
– Thì Phượng cũng có chồng, có nhà, có mọi thứ hơn người chứ… đến nỗi nào?
– Có chồng? – Phượng cười chua chát – Cái bóng đấy, không phải là chồng đâu!
– Sao Phượng lại nói vậy, phải tội chết!
Phượng đỏ bằng mặt cúi xuống nói khẽ:
– Anh ấy là… thương binh, không thể có con được nữa… Với lại Thanh ơi! Chả nhẽ cả đời Phượng phải mãi mãi ở bãi tha ma ư? Phải sống mãi với ma ư? Không! bằng mọi cách mình phải thoát khỏi nơi ấy. Nếu không, mình sẽ có lỗi với mẹ mình, bà đã già rồi!
Nghe Phượng nói, Thanh sững sờ cả người. Vừa lúc ấy hai người về đến đầu làng và lặng lẽ chia tay nhau. Không ai chào ai, mỗi người đang bận đuổi theo những ý nghĩ của mình.
Phượng về tổ Thanh được sáu tháng thì có quyết định điều động Phượng lên phòng tài vụ mới. Cũng từ đấy Phượng trở thành người giữ tay hòm chìa khoá của nhà máy. Rồi một thời gian sau Phượng được nhà máy cho theo học hàm thụ đại học, chương trình cấp tốc ba năm. Năm Phượng nhận được bằng đại học cũng là lúc Phượng nhận quyết định phó phòng, rồi trưởng phòng tài vụ của nhà máy. Nhiều người phải tìm về bãi tha ma của làng để gặp Phượng, nhờ Phượng giúp đỡ.
Cũng từ cái ngày Phượng lên chức phó phòng, rồi trưởng phòng, người có việc đi qua bãi tha ma thường nghe thấy vợ chồng Phượng to tiếng với nhau, cả tiếng bà Loan rền rĩ:
– Thôi! mẹ xin các con – Thậm chí có lần người đi qua còn nghe thấy Phượng nói:
– Anh không biết xấu hổ à? Anh đâu phải là đàn ông, thế còn đi lấy vợ, rồi còn ghen với tuông. Tôi cứ thế đấy! Anh không chịu được thì đi đi, tôi không giữ.
Rồi một hôm người làng lại thấy chồng Phượng, anh lái xe ngày xưa lùi xe vào trước cửa nhà, bốc hết đồ đạc lên xe chở đi. Từ đấy không ai còn gặp lại anh nữa.
Chồng Phượng đi khỏi nhà tháng trước, tháng sau Phượng cũng khóa nhà lại, đưa bà Loan ra phố ở trong ngôi nhà hai tầng xinh xắn đầy đủ tiện nghi. Phượng còn mướn người giúp việc để mẹ Phượng khỏi phải vất vả.
Đất nước bước vào giai đoạn mở cửa được hai năm, người ta thấy Phượng xin thôi chức trưởng phòng tài vụ của nhà máy. Phượng lập ra Công ty trách nhiệm hữu hạn “Trường Xuân”, chuyên buôn bán bất động sản và vật liệu xây dựng do chính Phượng làm giám đốc. Những cơn sốt đất đã đem lại cho Công ty của Phượng hết tỷ đồng này, lại đến tỷ đồng kia…
Anh bảo vệ vội vàng nâng cây ba-ri-e lên, miệng ríu ríu:
  • Em chào chị Phượng ạ.
Ngồi trong chiếc Marđa bóng lộn, Phượng khẽ mỉm cười gật đầu. Chiếc xe đến trước cửa văn phòng nhà máy thì dừng lại. Giám đốc Trung, thủ trưởng cũ của Phượng như trẻ lại, chạy vội xuống cầu thang vừa cười, vừa nói::
  • Xin kính chào giám đốc Phượng về thăm… à đến thăm nhà máy ạ!
Phượng dứ dứ ngón tay, mắt liếc tình tứ… anh chỉ được cái… Giám đốc trung nháy mắt với Phượng:
  • Chỉ được… chỉ được cái gì?
Phượng đỏ mặt:
  • Thôi, em đang chết dở về khoản xi măng, sắt thép đây này.
– Dạ! xin phục vụ giám đốc hết lòng – Trung vừa nói vừa cười đặt tay trước ngực cúi gập người hướng về phía Phượng làm trò.
– Em nói thật đấy!
– Thì anh cũng nói thật chứ sao!
Hai mươi phút sau chiếc Marđa đưa Phượng ra khỏi nhà máy. Trong cặp của Phượng đã có bản hợp đồng, nhà máy đồng ý nhượng lại cho Công ty Trường Xuân số vật liệu chưa dùng tới, gồm hai mươi tấn sắt thép các loại và sáu mươi tấn xi măng với giá nội bộ.
…Đang làm ăn, bỗng dưng giá đất và bất động sản chững lại, rồi mất giá hết sức nhanh chóng… muốn bán cũng chẳng ai mua. Hàng tháng phải trả lãi ngân hàng, Công ty Trường Xuân của Phượng đã đến bên bờ của sự phá sản. Đã thế giám đốc Nguyễn Quốc Trung đối tác làm ăn của Phượng lại vừa bị đình chỉ công tác, bị bắt tạm giam để chờ làm rõ về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa với số lượng lớn.
Mưa xuân bay khắp nơi, nhiều nhà đang gói bánh chưng, đó đây tiếng pháo nổ đì đùng thỉnh thoảng những chiếc pháo thăng thiên bay vút lên không trung để lại sau nó là những vệt sáng vạch vào đêm tối. Thanh đến gõ cửa căn nhà nhỏ cạnh con sông ở rìa thành phố. Bà Loan ra mở cửa mời Thanh vào nhà. Bà kể với Thanh:
Phượng đã sang tên ngôi nhà hai tầng, đã bán cả ôtô đi để trang trải một số khoản nợ nóng của Công ty Trường xuân. Đã hai năm, hai sáu tết rồi mà trong nhà Phượng vẫn lạnh tanh. Thanh lựa lời an ủi bà Loan. Nghe Thanh nói, bà kéo vạt áo lên chấm chấm nước mắt.
Đợi mãi không thấy Phượng về, Thanh nhìn đồng hồ đã hơn mười giờ, vừa đứng dậy định ra về thì có tiếng honđa đỗ ngoài cửa, rồi Phượng xuất hiện, đầu tóc có vẻ xộc xệch, mồm đầy hơi rượu. Vứt chiếc sắc lên bàn, gieo mình xuống chiếc ghế. Phượng nhìn Thanh khiêu khích:
– Chào ông phó giám đốc, ông đến chỉ giáo gì cho em đấy ạ!
– Phượng ạ – Thanh lúng túng – Tôi với Phượng không những là bạn học cùng lớp mà lại còn ở cùng xóm với nhau… nên tôi muốn nói…
Phượng  ngắt lời Thanh, cười chua xót:
– Đâu có! Xóm nhà tôi chỉ có mình tôi với ma thôi chứ có thấy anh bao giờ đâu?
– Phượng! Phượng đừng nói thế, tôi ở nhà máy tôi biết: Cơ quan công an đang điều tra để hoàn thành hồ sơ, ban lãnh đạo cũ của nhà máy và hiện nay cũng đang điều tra công việc làm ăn của công ty Phượng. Nhất là thời gian Phượng  làm trưởng phòng tài vụ của Nhà máy. Tôi nghĩ: Chẳng còn cách nào khác đâu Phượng ạ! Phượng nên thành khẩn nhận lỗi đi may ra được pháp luật xử nhẹ phần nào chăng? – Phượng trợn mắt nhìn Thanh:
– à thì ra anh đến để điều tra tôi – Phượng chỉ tay ra cửa – Xin anh về đi, về đi, việc của tôi làm tôi chịu – Thanh đứng dậy bước ra phía cửa. Phượng gục mặt xuống bàn oà khóc nức nở.
Sau một năm điều tra và hoàn thành hồ sơ, hôm nay toà án Thành phố mở phiên toà xử: Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thị Phượng và đồng bọn về tội: Lợi dụng chức quyền, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa với số lượng lớn. Tội tiếp tay, móc nối tuồn hàng của Nhà nước ra thị trường tự do với động cơ trục lợi phi pháp. Toà tuyên phạt:
Nguyễn Quốc Trung chín năm tù giam.
Nguyễn Thị Phượng hai năm tù, nhưng xét hoàn cảnh và thái độ thành khẩn của bị cáo, toà cho hưởng một năm án treo. Cả hai bị cáo phải trả lại và bồi thường những tài sản đã chiếm đoạt hoặc làm thất thoát.
Tiễn Phượng lên xe về trại giam, Thanh nói:
– Phượng ạ! Chúng mình mới ngoài ba mươi tuổi, một nửa cuộc đời vẫn còn ở phía trước. Tôi tin rằng Phượng trước đã là người đầy bản lĩnh, đã không ngồi yên chấp nhận số phận, Phượng sau này sẽ vẫn như vậy. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu, nhưng… bằng con đường khác, con đường chính đáng. Trên con đường ấy, tôi sẽ luôn ở bên Phượng…
Thanh cố sức mời bà Loan về nhà ở với mẹ mình cho vui. Song bà Loan từ chối, một mực xin về căn nhà cũ ở cạnh bãi tha ma.
Thế rồi một năm cũng qua đi, Thanh cùng với bà Loan đứng ở trước cổng trại giam để đón Phượng. Ra tới nơi, mắt Phượng đỏ hoe:
– Mẹ ơi! Con không muốn về nhà nữa đâu.
– Không về thì đi đâu hở con? – Hai hàng nước mắt chảy trên má bà Loan – Về với mẹ con ạ! Mẹ đã già rồi – Phượng ôm lấy mẹ khóc nức nở.
– Phượng ơi về nhà đi, mình thuê xe rồi đây này – Mồm nói tay Thanh xách lấy túi quần áo, còn tay kia nắm lấy tay Phượng kéo ra xe.
Về đến nhà được nửa tháng rồi mà Phượng vẫn không ra khỏi cửa, mắt lúc nào cũng đỏ hoe.
Thanh ra thăm, trông thấy Thanh, Phượng đã nói:
– Anh về đi em cần yên tĩnh một chút.
Nhiều lần rồi mà không thể nào khuyên giải được Phượng. Thanh bỗng thấy bực quát to lên, đến nỗi bà Loan đang ở dưới bếp cũng phải chạy lên:
– Trời ơi! Phượng! Tôi để ý Phượng từ hồi tôi và Phượng còn cùng học một lớp. Lớn lên tôi yêu Phượng lắm, có đêm hễ vừa nhắm mắt là hình ảnh Phượng lại hiện về trong giấc ngủ. Nhưng tỉnh dậy, tôi lại nhớ tới lời mẹ tôi: Con lấy cái Phượng sau này mà có con, người ta sẽ bảo nó có mẹ là con nhà… hủi, nó sẽ khổ con ạ! Con nên nghe lời mẹ mà cố quên nó đi. Và tôi đã quên Phượng vì sự yếu hèn của mình. Đã để cho Phượng phải vất vả sa ngã. Nhưng điều Phượng mắc phải cũng một phần là do lỗi ở tôi – Thanh dịu giọng – Bây giờ tôi đã nhận ra, tôi phải chuộc lại cái lỗi ấy – bà Loan đã ra ngoài từ lâu – Thanh nắm lấy tay Phượng kéo vào lòng, Phượng vẫn còn thút thít… Bỗng Phượng nín khóc, nhìn vào mặt Thanh rồi vùng dậy:
– Anh điên à? Anh học đâu cái cao thượng rởm ấy. Tôi là gái lừa chồng, là gái đã qua tay nhiều người, nhiều thằng đàn ông… Tôi đã xấu hổ lắm rồi, nay anh bắt tôi hàng ngày phải xấu hổ với anh nữa sao? Anh về đi… về đi, đừng bao giờ nói gì với tôi nữa. Có thế anh mới là người thực sự yêu tôi. Giọng Phượng nhỏ dần, nhỏ dần như đang nói với chính mình…
Thanh đứng như trời trồng giữa nhà, ngoài kia những cơn gió đang lướt qua những nấm mồ đi mãi vào đêm.

 

Mùa đông, 1999