CÓ ĐÔI LỜI “NGỚ NGẨN” XIN THƯA VỚI NHÀ THƠ “THẦN ĐỒNG”
Tác giả: Trần Văn Lý
Thưa nhà thơ “Thần đồng” Trần Đăng Khoa trong bài đôi điều nghĩ về thơ in trên tạp chí sông lam số 84 năm 2007 có đoạn tôi đã viết:
“Xuân Diệu ông hoàng thi ca của thế kỷ 20, viết rất thành công những câu thơ đậm chất á Đông như trên đã dẫn. Và cũng có những câu thơ có một ít, một ít thôi cái: ấn tượng và mãnh liệt, điều đặc trưng của thơ phương Tây. Trong các câu thơ ấy cái chất Tây hòa hợp được với chất á đông.
“Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”
Hay:
“Trái đất ba phần tư nước mắt/ Trôi như giọt lệ giữa không trung”
Tới đây xin lỗi bạn đọc cho phép tôi được nói ra ngoài đề một chút nhân dẫn hai câu thơ: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Trôi như giọt lệ giữa không trung”.
Hai câu thơ ấy có người bảo là do Huy Cận cho Xuân Diệu. Nếu biết thế sao người biết không nói từ lúc Xuân Diệu còn sống đi. Lại đợi lúc người ta đã chết lâu rồi mới dám nói, thật là không minh bạch chút nào. Còn từ trôi hay hơn, hay từ đi hay hơn: “Đi như giọt lệ giữa không trung” (ở đây tôi chỉ giới hạn trong góc độ hay, hay không hay chứ không muốn tranh cãi có đúng hay không đúng bản gốc). Trái đất (loài người) đau khổ quá, đau khổ tới mức “… ba phần tư (là nước mắt” rồi, đã trở thành giọt lệ rồi. Hãy để cho giọt lệ trôi để biểu hiện đúng sự đau khổ gần như không tự chủ được, chứ đừng bắt giọt lệ đi. Đừng bắt giọt lệ phải có chân dù là đôi chân trừu tượng”.
Một năm đã trôi đi, bỗng hôm nay bạn tôi mang đến cho tôi bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa lưu ở trên mạng anh viết có đoạn (gọi là “anh” là theo nghĩa lịch sự của những người cùng cầm bút chứ Khoa còn kém tuổi tôi):
“Trong nền thi ca nhân loại, nếu xét về mặt tổng thể nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta chỉ ở một vị trí khiêm nhường, nếu đặt ông bên cạnh Lý Bạch, Đỗ Phủ, Rtagor, Nguyễn Du, A Puskin, Uýt man… v.v… nhưng nếu mỗi thi sĩ chỉ được chọn ra hai câu thơ và chỉ hai câu thơ thôi, thì tôi ngờ rằng, có lẽ tất cả các bậc thiên tài kia đều phải ngả mũ trước Xuân Diệu (mà theo Trần Đăng Khoa nói mới biết là của Huy Cận. Nếu thật vậy thì… Xuân Diệu ông nghĩ gì? Ông có xấu hổ không? – Trần Văn Lý). Hồn vía của hai câu thơ rất tuyệt vời ấy nằm trong một chữ. Đó là chữ “Đi”. Còn nếu cứ tách bạch ra thì câu thơ “trái đất ba phần tư nước mắt” chỉ là chuyện thực tế đời sống được nâng cao. Vì ai cũng biết, trái đất của chúng ta ba phần tư là nước biển. Nước biển lại mặn, dễ gợi đến nước mắt. Nhưng từ đấy Xuân Diệu nhìn thấy trái đất “đi” như một giọt lệ thì hay thật. Nó hay ở chính chữ “đi” này. “Đi” là ở thế chủ động. Và phải “đi” mới thành một sinh linh, mới ra một thân phận vậy mà có nhà phê bình khi tranh luận với tôi về câu thơ này, lại đề nghị đổi chữ “đi” thành chữ “trôi”. Trôi thì thành nước thật mất rồi, trái đất hóa thành vô cảm như dòng nước vô tri, câu thơ dễ dãi và lười nhác. Vả lại, nếu cứ phân tích theo lối bắt bẻ, chẻ hoe ra (hay phải gọi là tinh tế và chính xác – TVL) như cái ông phê bình ấy thì giọt lệ cũng không thể trôi được. Nó có thể “rơi” hoặc bay được trong không trung, chứ làm sao có thể “trôi”. Trôi phải có dòng (thế mà có nhiều người nói trái đất đang trôi trong không trung hoặc không gian chắc họ đều là những người… ngớ ngẩn? – TVL). Một giọt lệ làm sao có thể trôi được như một dòng nước và ở trong nước (tán ra ngoài mất rồi – TVL). Thật buồn cười. Chữa thế là ngớ ngẩn (Trần Văn Lý nhấn mạnh) và làm hỏng mất cả câu thơ”.
Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa tôi nghĩ đã là câu thơ hay, mà lại hay vào loại “tuyệt vời” nữa chứ thì mỗi từ trong câu đều phải làm một chức năng của chính nó mà những từ khác trong câu không thể làm thay được ngoài ra nó còn bổ trợ cho những từ khác trong câu. Thế mà “hồn vía của hai câu thơ tuyệt vời ấy nằm trọn trong một chữ đó là chữ “đi”… Thế còn chữ khác thì sao? Thì là thường cả à? Thậm chí là thừa cả à? Điều này nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khẳng định: “… Còn nếu cứ tách bạch ra thì câu thơ “Trái đất ba phần tư nước mắt” chỉ là thực tế đời sống được nâng cao”. Thế là hai câu thơ vào loại tuyệt vời nếu tách ra khỏi từ “đi” thì chỉ là câu thơ thường? lạ quá, lạ quá!!!
Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa! Trong thơ rất nhiều khi các nhà thơ tả cái thực để nói lên cái ảo. “Trái đất ba phần tư là nước biển” ai chả biết! nhưng Xuân Diệu nói là… nước mắt “Trái đất ba phần tư nước mắt” trái đất biết khóc… biết buồn… trái đất có tâm hồn… trái đất biết đau khổ. Có nghĩa là trái đất là một sinh linh rồi… không phải đợi tới từ “đi” nó mới là một sinh linh nhà thơ Trần Đăng Khoa ạ! có nghĩa là câu thơ “trái đất ba phần tư nước mắt” tự nó đã là một câu thơ hay rồi nó có nhiệm vụ của chính nó, không phải nhờ hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào từ “đi” như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói nó mới hay đâu!
Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa có một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam đã viết câu thơ với ý: “Rằng đời mười thì chín chẳng vui”. Cuộc đời của mỗi con người cũng thế “Buồn đau là chính mỉm cười mấy khi”. Trông ra thế giới loài người nào chiến tranh liên miên, nào thất học ngu dốt, nào đói khát dịch bệnh, nào sóng thần động đất, còn bao thứ nguy hiểm khác nữa đang rình rập kể sao cho hết. Tuy nói “Trái đất…” nhưng nghĩa bên trong là để chỉ loài người, chỉ sự đau khổ của loài người: “Trái đất ba phần tư nước mắt”. Loài người đau khổ tới mức ấy, tới mức “… ba phần tư (là) nước mắt” rồi! Đau khổ tới mức tưởng như không tự chủ được, tưởng như có lúc để cho nó tự trôi “trôi như giọt lệ giữa không trung”. Trước khi nhận xét một câu thơ, một bài thơ tôi thiết nghĩ phải tìm hiểu về nó để hiểu câu thơ ấy, bài thơ ấy rồi hãy phán đừng có vội vàng phán bừa nhằm kéo phần phải về mình. Người đời có thể nói: Hai hàng nước mắt chảy… hai hàng nước mắt rơi… những giọt nước mắt trôi trên hai gò má… là chuyện thường tình nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa bao giờ nghe thấy chăng? Còn nữa rất nhiều người trong đó có các nhà khoa học thường nói: trái đất trôi trong không trung… trôi trong không gian, thế có ai cãi lại họ rằng “làm gì có dòng mà trôi” không? lúc ấy có cho những người nói cụm từ: “trái đất trôi” là ngớ ngẩn không?
Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa đôi khi vì có những cách hiểu khác nhau về một câu thơ nào đó hoặc về một bài thơ nào đó, thậm chí về một từ trong một bài thơ nào đó thì người ta mới mang ra “trao đổi” với nhau nếu không thì mang ra làm gì? trong khi “trao đổi” những người sống có văn hóa thường là tôn trọng lẫn nhau chứ không ai có văn hóa lại mạt sát người trao đổi với mình là ngớ ngẩn. Nhỡ cách hiểu của người ấy là đúng còn mình là chưa đúng thì sao? thiết nghĩ nhà thơ Trần Đăng Khoa người đang giữ trọng trách của hội nhà văn Việt Nam nên để cho “… người ta trông vào”!
Tôi còn nhớ sách có ghi lại câu chuyện về đức (thánh) Khổng Tử, một hôm ông nói với những người học trò của mình rằng: “trong ba người đi trên đường kia ắt có một người là thầy ta”. Tôi hiểu ý của câu nói đó như sau: Trong ba người đi trên đường kia ta sẽ học được một điều gì đó ở một người trong họ. Đức (thánh) Khổng Tử mà còn khiêm tốn thế đấy. Trần Đăng Khoa nhà thơ nghĩ sao? hay đã là thần đồng rồi thì… không cần…? nhưng khổ một nỗi tôi nghe đâu như cậu bé nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa đã về hưu từ năm 11 tuổi rồi cơ mà.
Còn vấn đề hai câu thơ:
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Trôi như giọt lệ giữa không trung”
mà nhà thơ Trần Đăng Khoa nói là của nhà thơ Huy Cận cho nhà thơ Xuân Diệu nếu đòi bằng chứng về điều đó thì hai ông đã chết lâu rồi còn minh với chứng gì nữa, nói thế thì biết thế. Bằng không “… thì cũng vâng lời rằng không” chứ biết làm sao? Còn đứng ở góc độ về thơ mà xét thì cái tạng thơ của Huy Cận “Tai nương giọt nước mái nhà/Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn” Xuân Diệu cũng có “đã nghe rét mướt luồn trong gió/ đã vắng người sang những chuyến đò” nhưng ngoài ra Xuân Diệu còn có những cái (ngông ngạo) mà Huy Cận không thể có được không thể vươn tới được “Ta là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi” hay “Ta là một là riêng là thứ nhất”. Chỉ có người viết nổi những câu thơ ấy mới viết nổi hai câu “Thế giới ba phần tư nước mắt/Trôi như giọt lệ giữa không trung” chứ Huy Cận có giọng điệu thơ ấy bao giờ đâu?
Xin nói một điều nữa: Nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết ở cuối bài viết rằng biết Huy Cận cho Xuân Diệu hai câu thơ có nghĩa là “… biết thêm một vẻ đẹp nữa giữa hai thi sĩ lớn. Xuân Diệu và Huy Cận”. Vậy tôi xin nêu một ví dụ bài thơ “Hạt gạo làng ta” giả sử do anh Trần Nhuận Minh cho Trần Đăng Khoa thì liệu nhà thơ Trần Đăng Khoa có thấy tình anh em ruột thịt đẹp hơn tý nào không? Trong khi đó ai cũng biết rằng điều xỉ nhục lớn nhất đối với một nhà thơ là lấy thơ của người khác rồi ký tên mình vào (Kể cả khi người ấy đồng ý). Nếu Xuân Diệu mà sống lại thì liệu ông có chịu nổi nỗi nhục này không? nỗi nhục ấy lại là do người gọi ông là thày mang đến đấy ông ạ! người học trò đó vừa ca ngợi hai câu thơ của thày là tuyệt vời, tuyệt vời tới mức nhất thế giới (hơn cả Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du…) và liền sau đó nó lại nói: Nhưng thơ ấy không phải của thày mà do thày đi ăn xin của người khác. Thế thì có khác gì nó bảo thày đã đi ăn cắp thơ của người khác đâu? Buồn thay! thật buồn thay cho cái sự đời! Thật buồn thay cho cái tình đời! Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao Trần Đăng Khoa đã vẽ chân dung của Xuân Diệu méo mó đến vậy trong cuốn “Chân dung và đối thoại” vẽ một cách có chú ý chứ đâu phải vô tình!
Trước khi kết thúc bài viết này xin cho phép tôi được nói thêm một ý cuối cùng nữa là trong đoạn văn của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết mà tôi đã dẫn ở trên có câu: “… có nhà phê bình khi tranh luận với tôi về câu thơ này, lại đề nghị (TVL – nhấn mạnh) đổi chữ đi thành chữ trôi”!
Tôi vẫn biết Trần Đăng Khoa đang làm quan mũ mão cân đai chỉnh tề. Vậy thì Khoa hãy cứ giải quyết những công việc của quan đi. Hay Khoa đã là “thần đồng” rồi thì Khoa hãy viết thêm nhiều bài hay nữa đi để người đời ngợi ca! Chứ Khoa làm gì có quyền “quyết định” chữa một câu thơ của người khác. Kể cả Khoa có là “Trời” đi nữa thì vẫn vậy mà thôi! Câu thơ: “ Trái đất ba phần tư nước mắt/ Trôi như giọt lệ giữa không trung” là của Xuân Diệu thì chỉ có Xuân Diệu mới có quyền chữa mà thôi, vì thế có đề nghị… tôi chỉ đề nghị với Xuân Diệu. Chứ Khoa có quyền quái gì lúc ấy mà tôi phải đề nghị với Khoa. Khoa nên hiểu điều đó nhé!
Còn như tôi đã nói ở phần trên với ý trong hai từ đi và trôi tôi cho là từ Trôi hay hơn thơ hơn chứ kể cả tôi hay ai đi nữa cũng không có quyền quyết định chữa thơ của người khác khi mà không được sự đồng ý của tác giả ấy!
Mùa đông năm 2008
Phản hồi gần đây