ĐÔI ĐIỀU VỀ NGHỆ THUẬT VÀ NỘI DUNG THƠ

Tác giả: Trần Văn Lý

Tôi có người bạn tâm đắc, trong những buổi chuyện trò, chúng tôi đã thống nhất rằng: ở trên đời có bao nhiêu lối đi, để con người đặt chân, thì có bấy nhiêu lối đi cho thơ. Trên những lối đi ấy, ai đi đến được tận cùng (đích) thì đó là sự thành công. Có nghĩa là thơ không bị giới hạn bởi đề tài. Hoặc đề tài này thì hay, còn đề tài kia thì không hay. Đề tài về tình yêu thông thường người ta vẫn cho là dễ viết thành công. Vì ai sống mà chả ít nhất một lần yêu. Thế nhưng, hãy tạm lấy thế kỷ 20 ra làm ví dụ: ở Việt Nam ta đã viết được bao nhiêu câu thơ cỡ Yêu là chết ở trong lòng một ít – Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu chỉ có cặp câu thơ trên của Xuân Diệu, chứ không có hai. Sau này Xuân Quỳnh có viết được một số câu thơ, ở bài Thuyền và biển. Nhưng ở góc độ đi thẳng vào lòng người đọc thì thơ Xuân Quỳnh kém thơ Xuân Diệu một bậc.
Còn những đề tài “nói” mà tưởng như không để làm gì, bốn câu thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế được dịch ra tiếng Việt vẫn mãi mãi là bất tử.
Đã có một thời người ta chỉ viết về chiến tranh. Và trong đó có một ít người cho rằng nó phục vụ… nhân dân nên nhân dân không quên, sẽ giữ mãi, và nó sẽ dễ thành bất tử. Nhưng sự “bất tử” lại không hoàn toàn chỉ dựa vào nhân dân mà có được, mà nó phải dựa vào chính sức sống của thơ. Khi không trở thành “bất tử” được, một số quay lại cho thơ chiến tranh là thơ loại hai. Mặc họ nói thế nào thì nói, những vần thơ nói về chiến tranh của Đỗ Phủ (Trung Quốc), Xi-mô-nốp (Nga)… vẫn bất tử, vẫn tồn tại. Cùng đề tài trên bài Xuân về trên mộ hai người lính của nhà thơ Chử Văn Long ôm chứa và sâu sắc, cũng sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Hãy sống tự nhiên, lòng hãy chân thành hướng về “chân, thiện, mỹ”, trái tim ắt sẽ mách bảo là nên viết gì, chứ chọn viết gì cũng chẳng được đâu.
Người Trung Quốc xưa đã có câu nói rất hay: “Văn vô định pháp, thần nhi minh chi” (Văn không có phép viết nhất định, nhập thần thì sẽ rõ thôi). Vậy ai dám bảo phải viết thế này thì sẽ hay. Nếu biết đúng thế… là sẽ làm được, thì người bảo thế đã làm rồi, chả đợi người khác. Những bài thơ hay lạ lắm, cứ viết xong rồi mới biết…, thế là hay. Vì thế chúng ta hãy từ những cái “viết rồi” mà nói đôi điều về nghệ thuật thi ca, phải chăng như thế đúng hơn.
Điều sắp đề cập tới tưởng như ở phần nội dung chứ thực ra nó nằm ở phần nghệ thuật, đó là: có diễn đạt được nghĩa đen chính xác, mới thể hiện thành công được nghĩa bóng, trong thơ, một lần tôi nói với một anh bạn như vậy, anh bạn đã rỉa rói tôi: ông chỉ được cái bắt bẻ, chỉ thích chẻ sợi tóc ra làm tư. Thế ông có nhớ Nguyễn Du đã chẳng từng viết: Đào tiên đã bén tay phàm – Thì vin cành quýt cho cam sự đời. Đang từ đào cụ còn nhảy được sang quýt nữa là. Tôi cố gắng từ tốn hỏi lại bạn tôi: Thế ông có thích hai câu thơ đó không…? Bạn tôi im lặng…! Tôi nói tiếp: ông không thích, vì hai câu thơ đó không chặt chẽ theo nghĩa đen có đúng không? Bạn tôi cười… gật đầu.
Quả thật tôi cũng biết thi sĩ Nguyễn Du muốn diễn tả nghĩa bóng: Kiều như tiên ở trên trời, Mã Giám Sinh là kẻ phàm phu tục tử ở trần gian. Nay Kiều sa vào tay hắn, như kẻ phàm tục bỗng dưng có được trái đào tiên trong tay, thì phải ăn bằng được, hắn mới cam lòng. Nhưng Đào tiên đã bén tay phàm thì ổn rồi. Xong lại gắn với Thì vin cành quýt cho cam sự đời, dựa vào điển tích: Lão nhân du hí như nhi đồng – bất chiết mai chi, chiết quất chi (nghĩa là ông già chơi đùa như trẻ con, không bẻ cành mai, lại bẻ cành quýt) ý chê ông già không đứng đắn. Gắn ý hai câu thơ như thế không ổn, sự bắc cầu cập kênh không hợp, bị hụt hẫng gây sự khó hiểu cho người đọc do sự không chính xác về nghĩa đen của nó. Đó là một vết xước nhỏ trên viên ngọc quý (Truyện Kiều).
Tới nay, người ta vẫn còn truyền tụng rằng: ngày xưa Puskin, giờ học địa lý trong lớp ngủ gật, bị thầy giáo gọi lên đọc bài, đáng nhẽ đọc Mặt trời mọc ở đằng đông. Vì ngái ngủ đã đọc nhầm thành mặt trời mọc ở đằng tây, cả lớp cười ồ… lên. Để chữa ngượng cậu ta lập tức ứng tác:
Mặt trời đang mọc ở đằng tây
Thiên hạ sống trên trái đất này
Họ sẽ ngỡ ngàng và tự hỏi
Thức dậy hay là ngủ tiếp đây.
Nghĩa đen xuyên suốt trong những câu thơ trên vẫn chính xác và chặt chẽ.
Phải nói kỹ về nghĩa đen và nghĩa bóng, vì thiếu nó thơ không còn là thơ nữa.
Thơ Đường trang trọng và tao nhã, nó đã từng phát triển rực rỡ. Song gò bó về vần, luật, vì thế, hồi đầu thế kỷ các nhà thơ trong phong trào thơ mới, mới cố thoát khỏi cảnh “trói voi bỏ rọ” và họ đã thoát được.
Thơ lục bát tha thiết mượt mà. Đỉnh cao nhất của nó là Truyện Kiều nhưng nó vẫn còn hạn chế ở vần luật. Tuy so với thơ Đường đã nới rộng hơn nhiều. Khuyết điểm thứ hai của thể thơ này là hay dẫn tới dề dà. Viết tài như Nguyễn Du mà hai câu Đầu lòng hai ả tố nga – Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân vẫn có vẻ kể lể và chưa có cái chất say của thơ. Nếu bây giờ ai viết lại hai câu thơ ấy chắc… người đọc sẽ chán ngay.
Bây giờ người đọc ít thời gian, còn mọi thứ trên đời đang phát triển với tốc độ siêu âm vũ trụ. Thơ cũng vậy: phải dồn nén, chứa đựng, phải nhanh chóng thay đổi tiết tấu, phải tạo được những bất ngờ ở ý, ở tứ. Nên nhiều bài thơ ngắn mà hàm chứa sâu rộng. Hàn Mặc Tử là người đầu tiên đã làm được những điều ấy trong bài Đây thôn Vĩ Dạ. Những điều vừa đề cập ở trên cho thấy thơ tự do đang chiếm ưu thế trên văn đàn là hợp với xu thế phát triển của thi ca.
Nhưng thơ tự do lại như con ngựa bất kham, người điều khiển không tài dễ lạc đích như chơi!
Mặt khác, tuy có lúc thể thơ này hay thể thơ kia đang chiếm ưu thế. Song tất cả các thể loại thơ vẫn tồn tại. Nhà thơ phải là vị tướng chỉ huy đội quân ngôn ngữ tiến hành từng trận đánh (ý nói viết từng bài thơ) theo một hình thức (thể thơ) thích hợp.
Nói về nghệ thuật thi ca thì còn nhiều lắm. Xong nói nhiều mà làm gì! khi đã biết: văn vô định pháp… kể cả cái gọi là: thi pháp của thơ cũng vậy, cũng như người đẹp, có ai giống ai đâu? Nếu không may mà giống nhau hay gần giống nhau, hai người sẽ lẫn trong nhau… sẽ chỉ bằng một người mà thôi! Nếu nhà thơ nào suốt đời viết những bài thơ mang một phong cách (thi pháp) thì sẽ đơn điệu biết bao, sẽ buồn biết bao… cho nên mỗi bài thơ nên có một thi pháp riêng!