GIÁO SƯ PHƯƠNG LỰU LOAY HOAY
TRƯỚC CẶP PHẠM TRÙ CÁI CHUNG VÀ CÁI RIÊNG CỦA TRIẾT HỌC

 

“Vì một nền lý luận văn học dân tộc – hiện đại” chỉ nghe cái tên của nó thôi ai cũng hiểu rằng đó là một cuốn sách lý luận. Đọc xong nó tôi còn xin được bổ sung thêm một ý nữa: Đó là một cuốn sách ở cỡ “Kinh Viện”, nội cái việc trích dẫn Lênin, Các Mác, Ăngghen, Belinsky, S.Freud, Jung, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Stalin, Mao Trạch Đông, v.v.. thôi cũng đủ thấy tác giả đã đọc thật là nhiều, đây là điểm nổi trội to lớn của cuốn sách và của tác giả giáo sư Phương Lựu người viết cuốn sách đó. Nhìn vào sự trích dẫn trong cuốn sách đã khiến cho nhiều người phải choáng ngợp, còn kẻ yếu bóng vía chỉ còn một cách là lắc đầu lè lưỡi mà thôi. Giáo sư Phương Lựu, người chuyên nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn học ở nước ta. Người đang lo bị “tuyệt tự” vì: “… kết quả là chúng ta chưa đào tạo được một nhà lý luận văn học trẻ nào…!” (trang 84). Một cuốn sách vừa phải (326 trang) nhưng lại là một công trình đồ sộ bởi nhiều khi giá trị của một cuốn sách không phụ thuộc vào độ dày hay mỏng mà nó phụ thuộc vào cuốn sách đó viết gì? Và viết như thế nào? Vì nó là “đồ sộ” nên không thể đọc xong là hiểu hết ngay được vậy nên xin được giáo sư chỉ bảo cho một số chỗ nho nhỏ như sau:
Thưa giáo sư ở trang 77 và trang 78 giáo sư có viết: “Về tư duy nghệ thuật của nhà văn, trước đây chỉ thấy tư duy hình tượng, nay được chứng minh rõ ràng đó mới là cơ sở, còn phải tiếp tục thu nạp những yếu tố của các loại tư duy khác như thể nghiệm, lôgích đa trị, trực giác, vô thức v.v.. để tạo cho được một loại tư duy mang tính chính thể, mở ra những khả năng tối đa cho việc xây dựng những hình tượng sinh động và sâu sắc về muôn mặt cuộc đời”. Đã đành rằng ai chả biết học tập là việc làm suốt đời không ngừng nghỉ, nhưng đọc đoạn văn trên của giáo sư bắt buộc tôi phải nhớ tới câu nói của một đại thi hào của thế giới mà đã là người cầm bút thì ai cũng biết tên, ông nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám và cây đời mãi mãi xanh tươi”. Các nhà thơ nhà văn Việt Nam hay kể từ Nguyễn Trãi trở lại đây, tới nay đã có biết bao nhiêu tác phẩm, nếu đem một số tác phẩm hay (nhất là thơ) của Việt Nam ta ra mà so sánh với thế giới thì việc thua kém có đáng là bao. Thế mà các tác phẩm mới chỉ làm được mỗi một việc là “tư duy hình tượng” thôi ư? Vô lý không tin! Có lẽ đây là nhận định “Kinh Viện” một cách chủ quan xa rời đời sống văn chương chăng? Bởi không đợi đến lời khuyên bảo có tính chất “Kinh Viện” này văn học Việt Nam vẫn phát triển “… Cây đời (vẫn) mãi mãi xanh tươi”. Lý thuyết (lý luận) chỉ có giá trị khi nó theo kịp được cuộc sống… và có ích cho cuộc sống mà thôi!
Điều thứ hai xin được thưa với giáo sư và đây cũng là phần chính của bài viết này. Thưa giáo sư trên báo Văn Nghệ số 31 năm 2004 có đăng bài “Hai chiều của Mỹ học vận động” của giáo sư, đọc xong bài viết ấy, tôi có viết bài “Phải chăng giáo sư Phương Lựu nhớ nhầm”. Với tình cảm và suy nghĩ: Một người như giáo sư… không có lẽ? chắc chỉ là một sự nhầm lẫn nào đó mà thôi! Bài viết của tôi in trong cuốn Cảm nhận thi ca do Nhà xuất bản Thanh niên tái bản lần thứ 2, năm 2006. Không biết giáo sư có ghé mắt qua không? Không biết có phải vì ghé mắt qua cuốn sách của tôi, hay vì ông tự nhận ra mà lần này ông đã sửa rất nhiều bài viết “Hai chiều của mỹ học vận động” và in bài đó vào cuốn: “Vì một nền lý luận dân tộc – hiện đại”. Khác với cũ là “ném ra một nhận định” lần này ông còn chứng minh một cách có trình tự. Như thế có nghĩa là giáo sư khẳng định mình không nhầm, vậy nên tôi xin phép được đối diện trực tiếp với bài viết và cũng xin được trình bày thẳng thắn với giáo sư về bài viết trên:
Về đoạn văn mà giáo sư viết: “Từ hiện tượng phê bình trong văn học trung đại nước nhà đến phê bình văn học của các tác giả kinh điển Mác – Lênin, vô hình dung cũng đủ sắc thái cổ kim đông tây, cả trong lẫn ngoài nước, nhưng cốt là muốn nói tính chất phổ biến của quy luật phản tác động của phê bình đối với Mỹ học và lý luận nghệ thuật (lý luận văn chương thì đúng hơn – Trần Văn Lý). Đứng trước thực trạng phê bình còn nhiều nhức nhối trước mắt, mà nếu thêm thiên chức phê bình là phải góp phần làm giàu có cho lý luận, nếu không phải là hơi xa xỉ, thì cũng là ảo tưởng” (trang 249).
Bạn đọc và cả tôi nữa muốn hiểu được đoạn văn trên thì trước tiên phải hiểu được nghĩa câu: “… nhưng cốt là muốn nói tính chất phổ biến của quy luật phản tác động của phê bình đối với Mỹ học và lý luận nghệ thuật…” mà muốn hiểu được câu văn rắc rối kỳ lạ này điều kiện tiên quyết là phải hiểu được cụm từ “phản tác động…”. Trong lần viết trước có lần tôi nghĩ và đoán rằng: “Phản tác động…” có nghĩa là không tác động, bởi cuối đoạn văn đã dẫn ở trên có những câu “… nêu thêm thiên chức phê bình là phải góp phần làm giàu có cho lý luận… là hơi xa xỉ… là ảo tưởng” và tôi chọn cách này và gạt đi những cách nghĩ khác. Mới dẫn đến tôi chứng minh ở bài viết trước là phê bình và lý luận  luôn tác động qua lại với nhau hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng thật kỳ lạ sau năm năm may mắn được đọc cuốn sách “vì một nền lý luận văn học dân tộc – hiện đại” ở trang 11 cũng chính giáo sư Phương Lựu viết: “Về mệnh đề nổi tiếng phê bình là mỹ học vận động của Belinsky thường được hiểu một chiều là vận dụng mỹ học (trong đó có lý luận văn học) để nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể. Nhưng theo chúng tôi còn có chiều phản tác động ngược lại là chính qua việc nghiên cứu các hiện tượng cụ thể, phê bình đã khái quát được thêm những chân lý mới bồi bổ thêm cho lý luận”. Trời ơi! thật tuyệt vời, thật kỳ lạ, thật huyền diệu phản tác động chính là “có tác động’ hiểu được cụm từ này tôi sung sướng quá mà toát cả mồ hôi! Tóm lại ta có thể tạm dịch câu “… nhưng cốt là muốn nói tính chất phổ biến của quy luật phản tác động của phê bình đối với Mỹ học và lý luận nghệ thuật…” như sau: “… nhưng cốt là muốn nói tính chất phổ biến của quy luật tác động qua lại hai chiều của phê bình đối với Mỹ học và lý luận nghệ thuật”. Đã là giáo sư nên chữ nghĩa viết sâu sắc đến thế đấy, hiểu được còn khó hơn cả tiếng nước ngoài. Hiểu được nghĩa câu văn là thế đấy, nhưng nếu đem lắp cái nghĩa ấy vào cả đoạn văn nghe chừng vẫn không ổn. Này nhé thưa giáo sư, đã là “quy luật”  rồi, có nghĩa là nó luôn tồn tại, luôn luôn “tác động” ở trong phạm vi mà nó tồn tại. Có nghĩa là phê bình và lý luận văn chương luôn luôn tác động qua lại thúc đẩy lẫn nhau, không phụ thuộc vào ai muốn, hay không muốn. Quy luật có phải chính là như thế không? Thưa giáo sư, mà đây theo giáo sư lại là “quy luật phổ biến” nữa cơ chứ. Vậy thì câu: “… Nêu thêm thiên chức phê bình là phải góp phần làm giàu có cho lý luận, nếu không phải hơi xa xỉ thì cũng là ảo tưởng”. Nêu thêm thiên chức… cũng chẳng được mà cấm thiên chức… đó cũng chẳng xong vì nó là “quy luật” mà như tôi vừa trình bày ở trên nó vẫn cứ tác động qua lại không phụ thuộc vào ai muốn hay không muốn.
Thưa giáo sư Phương Lựu, trong lần in này giáo sư vẫn khẳng định: “… như Lênin đã từng nói cái chung nào cũng rộng hơn cái riêng. Nhưng trái lại Lênin còn đặc biệt lưu ý bất kỳ cái riêng nào cũng rộng hơn cái chung” (thế là rút cục chả cái nào rộng hơn cái nào – Trần Văn Lý). Có một điều lạ là khi trích dẫn người khác thì giáo sư đa số là có chú thích là đã trích ở tác phẩm nào nhưng lần này giáo sư cũng vẫn như lần trước chẳng thèm đóng ngoặc hay mở ngoặc gì cả, chẳng thèm nói Lênin nói vậy là nói ở đâu, hay ở tác phẩm nào, vì sự thực Lênin có nói thế đâu. Lênin một trong những tổ sư của chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ không bao giờ nói một câu hàm hồ tới mức ấy. Thưa giáo sư lần viết trước không tiện thưa với giáo sư. Lần này thôi thì xin thưa với giáo sư vậy:
Thưa giáo sư cái chung và cái riêng mà giáo sư đề cập đến thực chất là một trong những cặp phạm trù cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà bất cứ một ai am hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin đều phải biết đến nó. Trong bài viết trước của tôi phần viết về cái chung và cái riêng tôi đã phát biểu ở góc độ: “Cái chung là bộ phận, cái riêng là toàn bộ. Cái chung là cơ bản nó quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng…” nay không trình bày lại nữa, chỉ xin phát biểu thêm về cái chung và cái riêng ở góc độ: “Cái chung bao giờ cũng sâu sắc hơn cái riêng và ngược lại cái riêng bao giờ cũng phong phú (chứ không phải rộng hơn) hơn cái chung”. Ví dụ giáo sư Phương Lựu, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến v.v.. đều có một cái chung đó là đều là con người. Đã là con người thì phải có “tính người”, chính cái phần tính người ấy nó quyết định mọi tư duy và hành động của các giáo sư, nó sâu sắc tới mức bất chấp các giáo sư muốn hay không muốn, ý thức được hay không ý thức được. Nhưng mỗi giáo sư lại có cái riêng không ai giống ai về hình dáng, trọng lượng, trình độ, ý thích v.v.. và v.v.. không kể hết được nên mới gọi “Cái riêng” là phong phú… nếu cái riêng mà rộng hơn cái chung thì chỉ cần biết cái riêng của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thôi người ta đã biết hết được tất cả về giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và giáo sư Phương Lựu rồi. Điều đó liệu có thể xảy ra được không? Chắc ai cũng biết là không rồi! Vì thế không bao giờ có cái kết luận “Cái chung rộng hơn cái riêng, rồi bất kỳ cái riêng nào cũng rộng hơn cái chung” được. Xin đừng gán câu nói hàm hồ đó cho Lênin.
Thưa giáo sư Phương Lựu!
Lý luận văn chương có những đặc thù riêng của văn chương, triết học cũng vậy nó có những cái đặc thù riêng của chính nó. Xong người làm công tác lý luận văn chương nhất thiết phải biết về triết học mà biết thôi không, cũng không đủ, phải am tường rành rẽ về nó. Bởi triết học, nhất là triết học Mác – Lênin là: “Một bộ môn khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và con người…”. Bởi nó nghiên cứu “những quy luật chung nhất…” nên người ta đã từng tôn nó là: “khoa học” của những bộ môn khoa học khác. Tiện đây xin được thưa với giáo sư một điều nhỏ nữa là: Trong văn chương dù là văn chương Xôviết đi nữa làm gì có “phương pháp sáng tác duy vật biện chứng” mà nó chỉ có phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa mà thôi (Hay chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa). Văn chương là văn chương, triết học là triết học tuy chúng có lúc liên hệ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau song không thể nhập nhằng cái này với cái kia được.
Thưa giáo sư Phương Lựu!
Tôi trộm nghĩ người ta thường nói: Đơn giản như chân lý, trong sáng như chân lý, vậy thì viết đao to búa lớn mà làm gì. Hãy viết những điều to lớn bằng những câu văn giản dị, hãy lấy những điều gần gũi nhất của cuộc sống để chứng minh cho những điều to lớn, ấy là người biết, người hiểu và cao hơn nữa đấy là người có tài năng đích thực. Có phải thế không? Thưa giáo sư!
Thưa giáo sư, trước khi kết thúc bài viết này tôi xin được thú nhận với giáo sư một điều là cha mẹ tôi sinh ra tôi đã cho tôi một tính bẩm sinh là khi nghe xong, đọc xong thường không tin ngay, thường nghĩ xem có đúng thế không? rồi mới tin. Dù lời nói đó, điều viết đó có của ông ốp, ông ep nào nổi tiếng đến đâu đi chăng nữa cũng vậy mà thôi! Nên trong bài viết này tôi biết có đôi chỗ giáo sư đã trích dẫn và chú thích là của ông… mà tôi vẫn lờ đi vẫn tranh luận là vậy. Vì ở đời tôi đã nhận ra đến như là kinh thánh đi nữa cũng không phải câu nào cũng đúng, nói chi là những điều do một con người nghĩ ra, nói ra. Điều đó mong giáo sư thông cảm!

 

Tháng 4-2009