HƯỚNG TỚI MỘT NỀN THI CA 
CHUNG CỦA NHÂN LOẠI
Tác giả: Trần Văn Lý

 

Nhấc máy điện thoại lên, từ Hà Nội, có thể ngay lập tức nói chuyện được với ai đó ở Niu-Oóc, một thành phố của nước Mỹ nằm tận bên kia bờ đại dương. Với mạng Internet nhiều “tri thức” không còn là của riêng một nước nào nữa, mà nó đã trở thành của chung của cả nhân loại. Côcacôla ngày nay đã trở thành nước uống của cả thế giới. Mỗi nước, mỗi dân tộc đang cố gắng giữ lấy những cái riêng của mình. Và thế giới cũng đang hình thành những cái chung của cả nhân loại. Xu hướng đó không phụ thuộc vào ta muốn, hay không muốn, văn chương cũng vậy!
Nước Trung Quốc khổng lồ đã từng có một nền văn chương trong đó, đặc biệt là thơ phát triển vào bậc nhất, nhì thế giới. Thế mà suốt thế kỷ này cũng đang cố gắng bứt ra khỏi chính mình để hình thành một nền thi ca mới. Với hy vọng vẫn giữ được những nét truyền thống và tiếp thu được những tinh hoa của các nền thi ca khác. Họ làm việc này một cách hết sức “vất vả”, vì quá khứ (nền thi ca cũ) có sức hút, sức níu kéo rất lớn.
Tại sao một nền thi ca lớn như Trung Quốc cũng phải đang “Tự thoát khỏi mình”? Có nhiều yếu tố dẫn tới việc đó. Trong đó có một yếu tố: xu thế “thế giới” đang xích lại gần nhau, mà muốn gần nhau được phải hiểu nhau. Người Trung Quốc không thể chỉ còn viết thơ cho người Trung Quốc hiểu nữa. Mà dần dần phải để cho người Nga, người Pháp, người Mỹ, người ấn Độ, người Ăng Gôla say đắm thơ mình. Thơ là phần tinh túy của tâm hồn con người. Nếu hiểu được thơ của nhau, thì cái bước “hiểu nhau” sẽ chẳng còn bao xa nữa!
May thay ở Việt Nam ta, đã hình thành cái xu hướng tiến tới Một nền thi ca của chung nhân loại từ rất sớm. Có thể nói, nó đã bắt đầu từ những năm ba mươi của thế kỷ này.
Nền thi ca thế giới có một thực trạng từ rất lâu là: Dịch thơ của nước này, sang nước kia vô cùng khó khăn! Tại sao vậy? Ngoài nguyên nhân bất đồng về ngôn ngữ ra, còn có một nguyên nhân chủ yếu là: cùng một nhịp đập con tim, nhưng khi biểu hiện bằng thơ lại rất khác nhau. Cái phần gọi là thơ phương Tây: Mãnh liệt, ấn tượng. Còn phần gọi là thơ phương Đông: sâu thẳm, mênh mông (điển hình là Việt Nam và Trung Quốc). Phần thơ phương Tây dịch sang phương Đông, thường bị phương Đông chê là khô cứng. Phần thơ phương Đông dịch sang phương Tây, những tác phẩm hay thường không dịch nổi. Mà có cố dịch, sản phẩm cũng thường méo mó không nhận ra được nữa. Tôi còn nhớ khoảng hơn mười năm trước đây, có hai người Đức (Đông Đức) đã hết sức cố gắng dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức, đâu khoảng ba năm mới xong. ấy thế mà khi đọc người dân Đức cứ bảo Truyện Kiều là truyện thần thoại mới khổ chứ! Người ta còn truyền tụng rằng: không một ngôn ngữ nước nào dịch nổi hai câu thơ Buồn trông phong cảnh quê người – Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa – trong truyện Kiều. Chính vì thế, nên thơ của Việt Nam không được thế giới đánh giá đầy đủ và đúng đắn.
May thay, dù là ngẫu nhiên từ thi sĩ Tản Đà đã cảm thấy phải làm một cái gì đó, nên sau đó phong trào thơ mới mới xuất hiện. Các nhà thơ hồi ấy đã cố đem cái tinh hoa của thơ phương Tây kết hợp với thơ Việt Nam. Họ cố gắng lớn, song thành công nhỏ, như một phản ứng hóa học dở dang chưa cho được chất mới hoàn chỉnh. Thơ Xuân Diệu một nửa vẫn rất á Đông, một nửa còn lại thì Tây quá – Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ – Cái chất Tây cứ lồ lộ ra khiến người đọc Việt Nam rất là không muốn…
Gần đây, nhiều nhà thơ, trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng rất hăng hái. Song vẫn là dở dang như người nói tiếng quốc tế ngữ chưa thạo, chả ai hiểu nổi nó ra làm sao.
Có một nhà thơ cứ âm thầm tìm tòi, năm tháng đã cho anh gặt hái được nhiều kết quả trong nhiều bài thơ, đó là nhà thơ Chử Văn Long. Thành công nhất của anh có lẽ nằm trong bài thơ Nhầm lẫn. Bài thơ đã kết hợp được cái ấn tượng của thơ phương Tây với cái sâu thẳm trong thơ Việt Nam một cách nhuần nhuyễn, và sau đó ở mức thanh thoát, tự nhiên hơn, ở bài thơ Lên khỏi lớp sương mù.
Thi ca Việt Nam tôi nghĩ nên đánh giá đúng điều đó, nên tự hào về điều đó, cái mà nền thi ca lớn như Trung Quốc đang trầy trật đi tìm, thì nền thi ca Việt Nam đã có!.
Đến đây chắc sẽ có người lo lắng, có một Nền thi ca chung của cả nhân loại rồi, lúc ấy, nền thi ca của mỗi nước, mỗi dân tộc sẽ ra sao? Sẽ vẫn phát triển! Thơ Đường vào Việt Nam và đã từng là những môn thi bắt buộc với các “sĩ tử”. Thế mà vẫn có truyện Kiều bằng thơ lục bát. Thể thơ chỉ riêng Việt Nam mới có. Ngày nay thơ tự do phát triển rất mạnh, ấy thế mà không ngăn được chúng ta yêu và viết thơ có vần luật. Điều đó chính là câu trả lời đúng đắn cho sự lo lắng ở trên.