KHOẢNG CÁCH

Tác giả: Trần Văn Lý

 

Tiếng con Ních sủa ông ổng ra phía ngõ, ông Ninh vội chạy ra quát:
– Im nào Ních không được cắn – Có tiếng người phụ nữ chào.
– Con chào ông ạ! Thưa ông chú Phú nhà ta có nhà không ạ?
– Em nó có nhà đấy, mời chị vào chơi! Rồi ông gọi với vào:
– Phú ơi! Chị Loan chị ấy tìm con đây này!
Nói xong ông đưa người phụ nữ có tên là Loan vào nhà mời ngồi xuống ghế rồi rót nước…! Được một tuần nước mà vần chưa thấy Phú ra ông Ninh lại gọi vọng vào phía trong buồng:
– Anh Phú dậy đi có chị Loan chị ấy tìm đấy, ra xem nào để cho chị ấy về ăn cơm còn kịp đi cấy buổi chiều, có tiếng Phú uể oải vọng ra.
– Vâng, con ra đây.
Năm phút sau Phú với bộ quần áo ngủ từ trong buồng bước ra;
– Chị Loan à, có việc gì đấy? Người con gái có tên là Loan ấy ngước nhìn Phú rồi nói:
– Chú Phú ạ! Chú thông cảm chả hiểu sao chiếc máy vi tính mà chú để cho các cháu nó, nay nó lại hỏng, hay chú thương chị, chú đổi cho các cháu chiếc khác. Anh ấy mất, chị là đàn bà chị chẳng biết máy móc nó thế nào!
– Không được! Phú sẵng giọng: Muốn tốt phải mua máy mới từ bốn đến sáu triệu mới có bảo hành, nay chị chỉ mua máy ba triệu trở xuống lấy đâu ra mà tốt. Hồi giao máy em đã giao hẹn là mọi thứ đều chạy tốt rồi kia mà, nay chị phải chịu em không biết. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Phú với tay cầm lấy chiếc điện thoại lên nghe:
– Alô, tôi Hoàng Phú nghe đây. Vâng! Vâng! Lắp đặt máy vi tính hả tôi sẽ đến ngay… Yên tâm đi máy sẽ bảo đảm sịn, không tốt không lấy tiền. Dập máy điện thoại xuống Phú nói vội:
– Thôi chị thông cảm nhé – Loan người phụ nữ vào khoảng 42, 43 tuổi quần áo đôi chỗ còn lấm tấm bùn chắc chị vừa đi cấy về, rơm rớm nước mắt mếu máo nói:
– Chú Phú, chú thương chị và thương các cháu hôm nào chú sắp xếp thời gian đến chữa cho các cháu! Phú xẵng giọng:
– Được! Hôm nào rồi em đến xem phải thay cái gì nhưng chị cũng phải chuẩn bị tiền đi! Người phụ nữ ngơ ngác nhìn chiếc xe Dream II bóng loáng đưa Phú lao vút ra ngõ. Không biết làm sao được người phụ nữ đành chào ông Ninh rồi ra về với vẻ mặt đầy lo âu. Ông Ninh nét mặt buồn buồn bối rối nói với theo:
– Chị ạ! Chị cứ yên tâm. Tối em nó về tôi sẽ nói với nó xem thế nào. Lúc ấy Loan người phụ nữ vừa ra đến giữa sân quay lại nhìn ông Ninh rồi òa khóc:
– Ông ơi! Nào con có biết máy móc nó thế nào đâu? Chỉ nghe hai cháu nhà con nó nói phải có máy vi tính mới học được, mới hy vọng đỗ được. Vả lại cứ thấy nhà này mua cho con, nhà kia lo mua cho con. Họ bảo: Dù có học giỏi đến đâu mà không biết sử dụng máy vi tính thì cũng chẳng xin được việc, vì thời đại này là thời đại thông tin… Bùng nổ gì gì ấy! Con đã bán lứa lợn gồm ba con lại còn vay thêm gần một triệu nữa mới mua nổi cho hai cháu. Thế mà mới được hai, ba tháng nó đã hỏng. Các cháu của ông bên nhà lúc nào cũng giục con:
– Mẹ sang hỏi chú Phú xem! Con còn biết làm thế nào nữa hở ông?
Giọng ông Ninh như nghẹn lại:
– Chị ạ! Tôi cũng như chị chẳng biết máy vi tính hay computer nó là gì cả? Nhưng tối nay em nó về tôi sẽ cố nói với em nó chị cứ yên tâm!
Nhìn người đàn bà dáng vất vả khuất vào trong xóm, cuộc đời ông Ninh lại như một cuộn phim hiện ra trước mắt ông:
Bố của ông là người nửa chừng phải đổi bút lông lấy bút sắt. Nhưng rất lạ chữ viết bằng bút sắt của cụ cũng đẹp chẳng kém gì chữ bút lông. Là người vẫn còn mang dòng máu nho học nên cụ rất nghiêm khắc với con cái. Ông Ninh đã từng bị đứng khoanh tay hàng giờ không được đi chơi vì bị cụ phạt khi ông mắc lỗi. Tuy thế cả làng ai cũng nói là cụ có lòng thương người. Ai gặp khó khăn cụ đều giúp đỡ hết lòng. Cụ vẫn hằng nói với các con:
– Nếu không có lòng thương người thì có tài để làm gì?
Mẹ ông vốn là người đàn bà mẫu mực hết lòng thờ chồng thương con, không bao giờ to tiếng, không bao giờ ca thán. Bà vẫn thường nói với các bạn của bà rằng:
– Người đàn bà ra đến ngõ phải tươi tỉnh đàng hoàng dù có nhịn đói cũng không ai biết, ấy mới là người đàn bà biết giữ thể diện cho chồng con. Nhưng hình như người tốt thường hay bị khổ hay sao ấy? Lúc ông vừa mười hai, mười ba tuổi thì bố ông qua đời. Thế là bao nhiêu việc nhỏ, việc to lại đổ hết lên vai mẹ ông, nhưng bà vẫn cố gắng lo cho ông và ba đứa em ông ăn học đầy đủ. Ông là người không thành đạt nhất trong nhà cũng là giáo viên cấp II trường làng. Giống như bố ông, ông cũng mê văn chương. Một hôm ông dẫn một người con gái có mái tóc dài thướt tha dáng người óng ả về trình diện mẹ ông và nói:
– Mẹ ơi đây là em Thúy mẹ ạ!
Mẹ ông ngắm Thúy rồi nói:
– Cháu ra giếng rửa tay chân cho mát để bác đi nấu cơm rồi bác cháu mình cùng ăn cơm cho vui.
Thúy – Dạ! rồi đi ra phía giếng ở đầu nhà, ngay cạnh lối ngõ. Ông Ninh đi theo, nghe tiếng mẹ ông gọi với.
– Anh Ninh mẹ nhờ anh một tý – Ông Ninh quay lại:
– Dạ! Mẹ bảo gì con?
– Anh Ninh!
Dạ con nghe đây ạ
– Mẹ thì mẹ không chê gì nó vì nó là người óng ả khỏe mạnh, song hai gò má cao quá lại còn đôi mắt nữa chứ: Long lanh quá. Mẹ sợ sau này…!
– Mẹ ơi! Em Thúy rất ngoan mẹ ạ. Em vừa học xong cấp III là yêu con. Con là người đầu tiên đấy mẹ ạ!
– Thôi thì… mẹ ông ngập ngừng – tùy con vậy. Nói xong mẹ đi xuống bếp nhóm lửa nấu cơm. Thúy cũng từ ngoài giếng vào phụ giúp bà nhặt rau.
Hạnh phúc tràn trề khi đứa con trai đầu lòng của ông và Thúy ra đời. Mẹ ông quý cháu lắm hình như bà rất ít ngủ, thằng Quý con ông bú xong mới khóc oe oe mấy tiếng không chịu ngủ là ông đã nghe thấy tiếng mẹ ông từ nhà ngoài chạy vào:
– Bà đây, bà đây! Mẹ ông bế thằng Quý lên nựng nó tới khi nó ngủ tiếp bà mới yên lòng đưa cho Thúy vợ ông rồi ra nhà ngoài.
Bỗng cũng như bố ông, mẹ ông, bà chỉ ốm có ít ngày là qua đời. Mẹ ông mất thằng Quý đã lên năm cả ngày nó cứ khóc mãi gọi: Bà nội ơi, bà về bế cháu! Chôn cất cho mẹ xong nhìn hai đứa con ông. Chả là Thúy vợ ông mới sinh thêm cho ông một đứa con trai vợ chồng ông đặt tên là Phú. Nhìn chúng ông càng nhớ tới mẹ ông, ông xúc động viết bài thơ.

 

Mẹ tôi
Kính tặng mẹ
 
Khói lan trên mái dạ
Chiều chợ tan mẹ về
Em gái tay cầm kẹo
Mắt sáng cười líu lô
*
*   *
Sương đã buông khắp xóm
Nhưng chiều mẹ chưa về
Anh em ngóng lối ngõ
Vàng nằm im cuối hè
*
*    *
Đòn gánh tre chín rạn
Mẹ gánh cả đời tôi
Tóc đã nhiều sợi bạc
Chưa một ngày nghỉ ngơi
*
*   *
Tôi đứa con ra đời
Văn chương chót mắc nghiệp
Lặng nhìn thương mẹ bảo
Con một đời khổ thôi
*
*    *
Giã từ bao vất vả
Hàng mi mẹ khép rồi
Đã bao chiều sương xuống
Mẹ không về vàng ơi
*
*    *
Trang giấy trắng trước mặt
Chiếc bút cầm trên tay
Ngoài đồng sao nhấp nháy
Mẹ bây giờ ở đâu?
Con đường nhựa mới mở chạy qua làng ông. Nhà ông bỗng chốc hóa thành nhà mặt đường. Thúy bàn với ông mở quán giải khát và bán hàng lặt vặt. Chẳng hiểu có phải do cái duyên của vợ ông không mà quán giải khát của nhà ông tối khuya vẫn có khách ngồi.
Rồi một hôm tan trường về ông Ninh lấy làm lạ khi thấy cả nhà và quán giải khát đều đóng cửa. Hai thằng con ông đi học chưa về thì đã đành, còn Thúy, Thúy đi đâu nhỉ? Sao sáng nay không thấy Thúy nói gì với ông? Ông lấy chìa khóa mở cửa vào nhà thấy một bức thư để trên bàn ông vội mở ra:
Anh Ninh!
Hồi gặp anh em nghĩ là em đã yêu anh một tình yêu thực sự. Nhưng những ngày sống bên anh em mới nhận ra: Mình đã nhầm, đã ngộ nhận. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Em mới mười tám vừa thôi học xong thấy anh là thầy giáo nghiêm nghị lại thấy ai cũng ca ngợi anh là giáo viên giỏi nhất trường nên em đã yêu anh, phải nói là “Mến anh” thì đúng hơn. Thế mà chúng ta đã không nhận ra ngay từ khi làm đám cưới…
Anh Ninh! Nay em đã tìm được người mà em thực sự yêu. Anh ạ! Em đã sống uổng phí một phần đời, phần đời còn lại của em, em phải quyết dành lại không thể để nó uổng phí một lần nữa được. Mong anh với hai con thông cảm và tha thứ cho em. Việc đã đến thế này em chẳng còn biết nói thế nào nữa…! Vĩnh biệt anh!
Bạn cũ của anh
Mẹ của hai con
thanh thúy
Ông Ninh ngồi chết lặng trên chiếc ghế, cùng lúc ấy hai con ông Quý và Phú đi học về ông vội bảo chúng:
– Mẹ các con đi vắng không ai nấu cơm các cơm các con xuống cửa hàng lấy bánh chưng ăn rồi chiều bố nấu cơm. Nói xong ông vào buồng nằm… Ông lại nhớ tới mẹ ông!
Kể từ ngày Thúy ra đi không về đã lâu lắm rồi ông cũng muốn cố quên đi… Ba bố con ông vẫn sống với nhau. Thằng Quý đã tốt nhiệp trường kinh tế quốc dân. Còn thằng Phú đã đỗ khoa điện tử trường Đại học Bách khoa đang mơ mở một công ty ở Hà Nội. Hai đứa đang xin ông bán một nửa đất cát đi để cho chúng lấy vốn làm ăn. Ông còn chưa biết nghĩ thế nào? Đất cát là do cụ của ông để lại truyền cho tới ông, thế mà ngày tết bảo hai đứa theo ông ra mộ thắp hương cho các cụ nhất là cho bố mẹ ông chúng đều nói: Bố đi là được rồi cần gì phải lắm người. Công việc của chúng con còn đang rối lên đây này. Nghe chúng nói ông buồn lắm!
Có những lúc ông ý tứ kể lại tấm gương của bố, mẹ ông cho chúng nghe. Vài lần đầu chúng im lặng! Nhưng những lần sau ông vừa nói được đôi câu chúng đã:
– Bố lại ngày xưa rồi! Ngày xưa là ngày xưa, ngày nay là ngày nay khác nhau chứ giống nhau thế nào được hả bố? Không biết nói sao, ông đành im lặng rồi đi nằm. Có những lần buồn quá. Ông lần tìm ra mộ bố, mẹ ông, ông vừa nhổ cỏ, vừa thầm thì với các cụ, đôi lần vừa nói vừa ứa nước mắt:
– Con phải làm thế nào đây bố mẹ ơi! Con đã quá sáu mươi rồi… Giờ con biết làm sao?
Trời đã về chiều Phú dựng chiếc xe máy ở sân rồi vào nhà vứt chiếc cặp xuống chiếc phản ở giữa nhà:
– Thật là đen tại cái con mẹ ấy nó ám, đi đen thế chả được việc gì!
Ông Ninh ngồi ở chiếc ghế giơ tay với lấy ấm trà ở trên bàn mà hồi trưa ông pha nay đã nguôi rót một chén rồi ngụm một hớp xong nói:
– Anh Phú này!
– Bố bảo gì con?
– Thế cái máy của con chị Loan con định giải quyết thế nào?
– Còn giải quyết thế nào nữa ạ! Hôm nào con sang xem hỏng cái gì thì thay cái ấy, và bà ấy phải chịu tiền, cả tiền công nữa ấy chứ. Chứ còn biết làm thế nào nữa?
– Này anh – Giọng ông Ninh như nghẹn lại – Anh đừng tưởng tôi già rồi tôi không biết gì! Máy mới bốn triệu người ta bảo hành được hai năm. Nay anh bán cho người ta cái máy cũ ba triệu chứ có ít gì thì cũng phải chạy được sáu tháng hay một năm chứ đằng này mới có hai, ba tháng mà người ta đã mấy lần đến nhà gọi: Tôi xấu hổ lắm là người làng người nước với nhau mà các anh còn làm như thế nữa là lúc ra ngoài các anh còn quá đến đâu? Mà ngày xưa bố mẹ, ông bà tôi đâu có thế… Phú vùng lên, ngồi dậy.
– Bố ạ! Bao nhiêu lần con đã nói với bố: Ngày xưa là ngày xưa! Bố biết không? Một năm rưỡi nay, con muốn mở công ty thì không có vốn. Đi xin việc chỗ nào làm ăn tàm tạm được là phải lót tay đôi ba mươi triệu người ta mới nhận vào làm con lấy tiền đâu? Xã hội này ai thương con? Ai lo cho con! ở cái xã hội kinh tế thị trường này phải đạp lên đầu nhau mà sống. Cái nhà máy này, cái công ty kia đang lên thì cái nhà máy khác, công ty khác phải chết đi. Cái chết mà người ta gọi cho có vẻ có học đó là “Phá sản” đấy, bố có biết không? Bố là nhà văn  đã từng có đầu sách chả nhẽ bố không nhớ câu “Hạnh phúc của người này có nghĩa là nỗi bất hạnh của người kia” mà bố! Mới lại ngoài đường người ta làm hàng giả” đầy ra đấy nào có phải riêng cá nhân làm hàng giả đâu. Có cả cơ quan nhà máy nữa ấy chứ! Vậy có ai đến nói với họ về lòng thương người, về đạo đức con người như bố đang nói với con không? “Thương trường là chiến trường” nếu con sống như bố cao hơn như ông bà nội của chúng con thì sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cái chân đạp lên đầu chúng con, chúng con sẽ ngóc đầu lên làm sao được thưa bố!
Ông Ninh dằn mạnh cái chén xuống mặt bàn nước sóng ra lênh láng. Mặt ông đỏ phừng phừng chỉ tay vào mặt Phú:
– Anh đừng có ngụy biện! Bố mẹ tôi là người đạo đức, tôi là người đạo đức sao vẫn sống được, vẫn nuôi các anh học đến đại học. Bằng này, bằng kia? Vì thế tôi không chấp nhận trong nhà tôi lại có những đứa nhẫn tâm, bất nhân vô đạo đức được. Nếu các anh vẫn quyết tâm sống như thế thì đi chỗ khác mà sống. Ông Ninh nhìn vào mặt Phú rồi chỉ ra sân…! Phú tái mặt, tay run  run vì tức giận đi ra sân nổ máy rồi ngồi lên xe lao vút ra ngõ. Ông Ninh ngồi phịch xuống chiếc ghế. Một lúc sau người ta thấy ông khóa cổng rồi đi về phía bãi tha ma cuối làng…!

 

Mùa hè 2002