LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG CHƯA BAO GIỜ KHỦNG HOẢNG*
Tác giả: Trần Văn Lý
Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đã tổ chức được một Hội nghị lý luận phê bình ở Tam Đảo, sau hơn 50 năm kể từ khi Hội nghị lần thứ nhất họp ở Việt Bắc. Hội nghị lần này được đánh giá là một sự kiện lớn trong đời sống văn chương nước nhà ở giai đoạn hiện nay. Những vấn đề nổi lên tại Hội nghị là phê bình yếu kém nên không thúc đẩy được sáng tác. Có ý kiến còn cho rằng văn chương đang có cuộc khủng hoảng về lý luận. Theo dõi các bài tham luận đọc tại Hội nghị và in trên báo tôi xin mạnh dạn phát biểu những suy nghĩ của tôi về những vấn đề trên. Và như chúng ta đã biết:
Thông qua hình thức ngôn ngữ chữ viết, con người thể hiện những ước mơ, những khát khao về một cuộc sống, một xã hội tốt đẹp hơn, cao hơn cái cuộc sống, cao hơn cái xã hội hiện tại mà họ đang sống, và cả một tự nhiên trong lành hơn cái tự nhiên đang diễn ra. Cách thể hiện bằng hình thức ngôn ngữ chữ viết ấy chính là văn chương.
Vậy các tác phẩm văn chương đích thực phải làm được cái việc lay động được lòng người đọc, thức tỉnh được lòng người đọc hướng được họ tới những điều tốt đẹp. Nghĩa là hướng được họ tới cái đích chân, thiện, mỹ, cái đích này cũng là cái đích tối cao của cả loài người chứ không chỉ riêng gì là của văn chương, vậy nên không sợ nó cũ hoặc đối lập với một giai đoạn lịch sử nào đó, những người không nhận ra được điều này thường bị những quan niệm cụ thể đơn thuần của từng giai đoạn thời gian chi phối. Khi những quan niệm ấy thay đổi, những người đó mất phương hướng thường kêu ầm lên rằng: Thế thì văn chương bây giờ đi theo hướng nào cho đúng? Viết theo chủ nghĩa nào cho hay? Ôi! Khủng hoảng lý luận mất rồi. Mặt trời tắt mất rồi…!
Qua những điều vừa nói ở trên có thể đi tới kết luận rằng: “Chân, thiện, mỹ” là cái đích tự thân của văn chương (văn chương chân chính) ngay cả từ lúc nó mới sinh ra và từ đó cho tới nay hay mãi mãi về sau vẫn thế, kể cả những lúc người ta chưa nhận ra được điều đó.
Những tác phẩm văn chương có sức lay động, thức tỉnh và hướng được lòng người về phía “chân, thiện, mỹ” tức là nó có sức thuyết phục, chinh phục, nó sống bằng chính cái sức (sống) ấy của nó, nó đâu phải đợi tới lúc phê bình mới bắt đầu được sống. Các bà buôn thúng bán mẹt, các bác đạp xích lô đâu có bao giờ đọc phê bình thế mà họ vẫn thuộc truyện Kiều của Nguyễn Du, thuộc thơ của Nguyễn Bính. Vậy nên sao nhiều nhà văn, nhà thơ không tự trách mình là thơ, văn của mình viết chưa có sức lay động mà lại đi trách các nhà phê bình là sao không viết về mình, về tác phẩm của mình.
Có người nói rằng tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” của ông Hoài Thanh chỉ ra được một thế hệ nhà thơ trong phong trào thơ mới. Thậm chí làm sống được các nhà thơ của phong trào thơ mới. Tôi xin cam đoan rằng: Không có ông Hoài Thanh người ta vẫn yêu thơ của Xuân Diệu, của Nguyễn Bính vì những câu thơ của các nhà thơ ấy nó sống bằng chính sức sống của nó chứ không phụ thuộc vào ai đó khen hoặc chê. Nếu mọi người không tin thì tôi xin nêu ra một trường hợp về Hàn Mặc Tử cũng là một nhà thơ trong phong trào thơ mới. Trong “Thi nhân Việt Nam” ông Hoài Thanh phán rằng: “Nó không thuộc về đời, đời không được phán xét nó!”. Rồi Xuân Diệu người mà tôi bầu là cây bút bình thơ số một trong thế kỷ 20 của Việt Nam cũng nói: “Điên thì điên hẳn đi chứ cứ vừa đi vừa hô tôi điên, tôi điên đây điên được đâu cũng có phải là dễ” ấy thế mà thơ của Hàn thi sĩ vẫn sống vẫn là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thi ca Việt Nam thế kỷ 20.
Phê bình có người nói: Nó phần nào giúp cho các nhà thơ định hướng cho sáng tác của mình. Không sai! Song nó chỉ không sai với những cây bút bình thường còn những thiên tài thi ca, chạy theo họ để hiểu họ, hiểu tác phẩm của họ. Còn lo không kịp nữa là làm sao mà các nhà phê bình định hướng được cho họ các thiên tài thi ca. Bởi các tác phẩm của các thiên tài thường là lạ, là chưa từng có trên văn đàn, mà hiểu được những cái mới lạ ấy cần phải có thời gian, phải có trình độ tới cỡ nào đó và còn cần có khát vọng cùng một hướng với các thiên tài; có những thứ ấy rồi vẫn chưa đủ, vẫn còn phải phụ thuộc vào tầm cao khát vọng của người phê bình có song hành được với người sáng tác không chứ đâu phải chỉ có một việc đã đọc nhiều sách theo kiểu tầm chương trích cú rồi là hiểu được như nhiều người đang hãnh tiến quan niệm. Chính vì thế mới có những bài thơ 100 năm, thậm chí 1000 năm tìm tòi mới hiểu được. Mà cũng chỉ một, hai người phê bình rất tài năng thường là những người đã từng sáng tác khá thành công mới chỉ ra được để mọi người cùng hiểu bởi họ (người phê bình vừa chỉ ra…) cũng từng có những cảm giác (xúc động) sáng tác gần như vậy.
Nói như ở trên thế thì phê bình là thừa ư? Không! Mới bước vào đời, hoặc mới tiếp xúc mới bắt đầu đam mê văn chương còn đang mầy mò để hiểu một câu, thậm chí một chữ nay có bài phê bình chỉ ra cho ta rằng: Nó là thế này, thế thì tốt quá đi chứ nó giúp ta đỡ mất thời gian, nhanh chóng hiểu, nhanh chóng tích lũy được nhiều kiến thức. Mặt khác quần chúng nhân dân nói chung trong đó có cả một số nhà văn nhà thơ vì lý do nào đó nên khiếu năng cảm nhận kém, phê bình có công chỉ ra cho họ đâu là cái hay đích thức, đâu là cái hay… Giả cầy.
Còn nữa, phê bình nghĩa là thưởng thức tác phẩm. Muốn thưởng thức được tác phẩm, ngoài điều kiện tiên quyết là khiếu năng trời phú ra, thì còn cần tới trình độ và lòng say mê. Những điều ấy không phải ai sinh ra cũng có. Nên các nhà phê bình trong góc độ nhất định, cũng có một cái công hết sức to lớn là đem những cái mà mình thưởng thức được, thường là những cái tinh túy và sâu sắc mà quần chúng bạn đọc chưa hiểu được, nói cho họ hiểu. Các nhà phê bình đã bắc một chiếc cầu nối giữa tác phẩm và bạn đọc. Chỉ riêng điều này thôi, những cây bút sáng tác đã phải biết ơn những nhà phê bình lắm rồi. Vì nếu không có họ (các nhà phê bình) các nhà văn nhà thơ sẽ cô đơn biết bao, sẽ buồn biết bao, thậm chí có khi buồn tới mức như không có Chung Tử Kỳ, Bá Nha cuộn đàn lại không gẩy nữa.
Vậy nên các cây bút sáng tác và các nhà phê bình hãy thương lấy nhau.
Mùa thu 2003
* Đã in trên báo Người Hà Nội số 49, tháng 12-2003.
Phản hồi gần đây