MẤY LỜI TRƯỚC KHI DỪNG BÚT
Nếu không cần tách bạch tầm cao, độ rộng hay thời gian dài lâu mà chỉ lấy tiêu chí là đang cùng tỏa sáng để nói thì:
Bốn nhà thơ như bốn ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời thi ca một thế kỷ. Số lượng gần bằng tất cả những thời gian trước đó gộp lại. Vì vậy tôi nghĩ, có thể gọi thế kỷ 20 này, là thế kỷ thi ca của Việt Nam cũng không quá đáng gì!
Ngoài những nhà thơ mà tôi vừa nêu ở trên, còn rất nhiều những tên tuổi đã ghi vào tâm trí của nhiều người như: Tản Đà, Nguyễn Nhược Pháp, Ngân Giang, TTKH, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Hồ Chí Minh, Trần Đăng Khoa, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Quỳnh, Giang Nam, v.v.. Song như tôi đã nói ở phần đầu bài viết rằng: Vàng chín và vàng mười tuy đều quý nhưng vẫn khác nhau chứ ạ! Và Xuân Diệu cũng đã từng lưu ý chúng ta “có người có vị trí cao ở bảo tàng lịch sử song ở bảo tàng văn học thì lại khác” cũng là chuyện thường thấy.
Đến đây tôi muốn nói một ý nữa với các bạn đọc. Các bạn có thể bầu thêm những người khác nếu các bạn muốn. Nhưng trước khi khẳng định, các bạn hãy đặt những nhà thơ ấy bên cạnh bốn nhà thơ mà tôi đã kể ở trên. Ví dụ, thơ tình hãy đặt cạnh Xuân Diệu, thơ cách mạng hãy đặt cạnh Tố Hữu, hay một bài thơ tuyệt tác làm nên gương mặt thơ, của một nhà thơ hãy đặt cạnh Hàn Mặc Tử, v.v.. để so sánh, rồi… hãy “bầu”.
Để kết thúc bài viết, tôi xin nói thêm một điều cuối cùng. Bốn nhà thơ, bốn ngôi sao vừa kể mà tôi cho là “sáng nhất” trên bầu trời thi ca Việt Nam ở thế kỷ này. Thực tế, họ đã và đang tỏa sáng. Nhưng trong những ngôi sao ấy, ngôi sao nào còn kéo dài vệt sáng, sang được những thế kỷ sau, hoặc là bền chặt được với thời gian, điều đó chắc chỉ có “thời gian” mới khẳng định được mà thôi!
Mùa xuân 1995
Mùa hè 1998
Phản hồi gần đây