Thơ là tiếng nói của trái tim. Vì thế khi trái tim còn đập, con người vẫn còn cần tới thơ. Thơ đã và sẽ tồn tại mãi mãi với loài người, nhưng thơ không được quên cái đích mà nó hướng tới là: “chân, thiện, mỹ”.
Ngày nay có một thực tế, một bộ phận của thơ (cả văn xuôi) đang cố gắng bới móc tìm ra những tật xấu của con người. Phần máu thú từ thủa hoang sơ. Phải chăng nhằm chứng minh xã hội con người là những con dã thú luôn cắn xé lẫn nhau, luôn ăn thịt lẫn nhau, hoặc tìm ra những cái bất lực của con người trước thiên nhiên và vũ trụ nhằm xô đẩy loài người vào miền sợ hãi không lời an ủi. Đã đành tật xấu và những bất lực của con người ở một số lĩnh vực là có thật. Đề cập tới nó nhằm cảnh báo để loài người cảnh giác là điều cần thiết phải làm. Nhưng nếu thổi phồng nó lên như con ngáo ộp lại là điều khác, là biểu dương cái ác.
Thơ góc độ nào đó là lời ca của trái tim, nếu không người ta đọc nó làm gì. Nói đến nỗi buồn vì tha thiết, và hiểu được giá trị niềm vui, thơ ơi đừng quên điều đó!
Thơ cao sang lắm, nhưng nếu ai âm mưu dùng thơ để đổi chác thứ gì đó, thơ sẽ đoạn tuyệt với kẻ ấy ngay. Thơ của những kẻ ấy tuy còn viết, xong chỉ là xác chữ chứ hồn thơ đã bay đi mất rồi. Thơ luôn luôn là sự trinh bạch.
Đôi điều rút ra:
Loài rắn mồm thường nhả ra nọc độc chết người… Nhưng kẻ mang “trái tim rắn” mà lại muốn nhả ra (viết ra) những câu thơ đầy tình thương, đầy tình người thì thật là không tưởng…!
Bởi thế ngoài tài năng trời phú cho, điều kiện tiên quyết đối với một nhà thơ là rất khoát phải có một trái tim người theo nghĩa đầy đủ của nó… Bằng không trước sau người ta cũng nhận ra cái điều giả dối của những kẻ không có “trái tim người”!
Phản hồi gần đây