NGƯỜI HÀNG XÓM
Tác giả: Trần Văn Lý
Người đàn bà cùng xóm cứ sớm sớm đi chợ qua ngõ nhà bác hắn, nơi mẹ con hắn vừa về ở nhờ được ít hôm là bà vẫn thường đỗ gánh hàng xuống và gọi:
– Cô Châm ơi! Cô ra ngõ cho tôi gửi cái này một tí.
Cô Châm, tức mẹ của hắn vội chạy ra. Người đàn bà vừa gọi có tên là Cung – gọi theo tên của chồng, dúi vào tay mẹ hắn một nắm cơm nho nhỏ và nói:
– Cô mang về cho thằng bé ăn kẻo nó đói – Rồi bà chép miệng: Tội nghiệp quá, chưa đầy một tuổi trông đáng yêu ghê, thế mà đã phải bữa no bữa đói – Vừa nói, bà Cung vừa rơm rớm nước mắt.
Mẹ hắn giơ tay đỡ lấy nắm cơm xong bà Cung với tay cầm lấy cái đòn gánh để gánh gánh hàng lên vai. Nhưng bà chưa đi, bà vẫn còn nói:
– Châm này, chị bảo thật, không phải lo nghĩ nhiều mà làm gì, rồi ốm thì khổ. Bố nó đi, rồi bố nó lại về. Người ta bảo chỉ ba năm là tổng tuyển cử thống nhất đất nước em ạ. Cứ nghỉ ít bữa cho nó lại sức rồi đi chợ với chị, chị cấp vốn cho. Bao giờ bố nó về thì em lại về quê bố nó sống, còn bây giờ cứ ở tạm quê ngoại này với chị, với mọi người, không ai nỡ bỏ em đâu. Với lại đi chợ rồi nó quen đi, không chết đói được đâu em ạ!
Mẹ hắn cúi đầu:
– Dạ vâng, em xin nghe lời chị!
*
* *
Hắn đã được năm tuổi. Một hôm vào một buổi sáng hắn nghe thấy tiếng bà Cung gọi ở ngõ:
– Thắng ơi! Có lên chợ với bác không? Hắn chạy ra ngõ và nói:
– Cháu có, nhưng cháu sợ ông Tiếp quét chợ lắm. Mẹ cháu bảo ông ấy hay mổ bụng trẻ con – Bà Cung cứ cầm lấy tay hắn rồi dắt đi. Vừa đi bà vừa nói:
– Không sao, không sao, có bác đây ông ấy sẽ không dám làm gì cháu đâu mà sợ.
Hắn nép mình vào người bà Cung để đi trong trạng thái vừa thích vừa sợ. Đến chợ, vừa trông thấy hắn mẹ hắn đã hô:
– Ông Tiếp ơi! Ông đừng bắt cháu nhé, nó sẽ về ngay bây giờ đây – Mặt hắn tái xanh, tái xám, nép chặt vào người bà Cung. Bà Cung phải lấy tay xoa lên đầu hắn và bảo:
– Không sợ, không sợ, có bác đây – Rồi bà quay lại hỏi mẹ hắn:
– Cô bán có đắt hàng không? Mấy hôm nay tôi không được khỏe, đành phải nghỉ. Đi qua ngõ nhớ thằng bé quá, nó ngoan thế chứ mẹ bán hàng gần nhà thế này mà chả bao giờ dám lên đòi mẹ mua quà.
– ấy chết – mẹ hắn nói – lên có mà ông Tiếp ông ấy mổ bụng – nghe mẹ hắn nói hắn lại càng nép chặt vào người bà Cung. Bà Cung mỉm cười rồi lại xoa đầu hắn và nói:
– Giá mà tôi có được một đứa con trai như thế này thì sung sướng biết bao, đã ngoan lại hiền. Nó chơi với con Hạnh con nhà bác nó, hai đứa cùng một tuổi mà cái gì nó cũng nhường cho chị. Chả thấy nó tranh nhau cái gì với ai bao giờ, nhường nhịn thế thì lớn lên sẽ khổ thôi cháu ạ, sẽ bị đời… Bà Cung thở dài mà không nói hết câu.
Mẹ hắn với tay kéo hắn vào đứng cạnh bà rồi nói với bà Cung:
– Bác đi mua gì thì mua đi, chốc nữa quay lại em gửi cháu nó về với bác nhé.
Bà Cung vẫy vẫy tay với hắn rồi lẫn vào người mua bán ở chợ. Mẹ hắn mua cho hắn một hào xôi đỗ đen và năm xu kẹo bột, bà bảo:
– Ăn đi, ăn hết đi rồi chốc nữa về với bác Cung. Lần sau không được lên đây nữa nhé, mà lên nữa là ông Tiếp ông ấy bắt vào ông ấy mổ bụng đấy. Hắn hoảng sợ, mắt lấm lét nhìn ra ngoài rồi nấp vào sau lưng mẹ hắn. Một lát sau bà Cung quay lại:
– Thế nào, có về với bác không, hay ở đây bán hàng cho mẹ?
Hắn chạy ù ra ôm chặt lấy chân bà Cung, tay vẫn cầm nguyên nắm xôi và mấy cái kẹo. Hắn nghe thấy mẹ hắn nói:
– Ăn hết đi rồi mới được về đấy – Hắn lúng búng trong mồm:
– Vâng.
Nhưng trong bụng hắn nghĩ: Phải về chia cho chị Hạnh nữa chứ. Chả là chị là người bạn chơi đồ hàng với hắn hàng ngày mà lại. Về tới ngõ, không kịp chào bà Cung, hắn đã vừa chạy, vừa gọi:
– Chị Hạnh ơi! Chị Hạnh ơi! E có xôi cả kẹo nữa đây này.
Rồi hắn chia nắm xôi ra làm hai phần, phần hơi bé bé hắn đưa cho đứa con gái có tên là Hạnh. Nhưng đứa con gài phụng phịu chảy nước mắt ấm ức:
– Người ta được ít ít là!
– Đây chị ba cái kẹo em được có hai cái đây này – Hắn dúi ba cái kẹo vào tay đứa con gái. Thấy thế, đứa con gái được thể càng khóc to, tới mức bác dâu chạy ra quát:
– Cái thằng kia, mẹ mày có tiền mua cho mày thì mày ăn ngay ở ngoài đường đi, ai bảo mày mang về nhà mà làm khổ con bà.
Mặt hắn thộn ra, rồi hắn lủi vào một góc, tới lúc trưa mẹ hắn về không hiểu bác hắn nói thế nào với mẹ hắn mà mẹ hắn tức đỏ mặt, bà lấy một ngón tay dúi mạnh vào đầu hắn:
– Mày ngu lắm, mua cho mày ăn cũng bằng phí.
Tiếng rít cuối cùng của mẹ hắn làm hắn hết hồn, song hắn cũng chẳng hiểu được như thế có nghĩa là thế nào…?
*
* *
Ba năm đã qua từ lâu rồi mà đất nước vẫn chia làm hai miền và điều ấy nó còn kéo dài không biết tới bao giờ. Mẹ hắn, người ta vẫn bảo: “Gái một con trông mòn con mắt”. Bao người đàn ông săn trước đón sau. Bao người đàn bà tối tối lại đến dỗ dành để lấy mẹ hắn về làm vợ bé cho chồng họ, hòng kiếm được mụn con trai để nối dõi tông đường, để được tiếng là người đàn bà biết quan tâm đến chồng và không bao giờ thèm ghen. “Nước chảy đá mòn”, cuối cùng mẹ hắn cũng gật đầu đồng ý làm cô dâu. Thế là cuộc đời của hắn lại sang trang từ đấy.
Tuổi thơ đầy nước mắt, song hắn nhớ nhất vẫn là một hôm mẹ hắn vừa đi chợ chiều về, cũng vừa lúc ấy ông bố dượng của hắn đến thăm, vì ông ở với bà vợ cả. Và cũng là lúc thằng em hắn mếu máo khóc:
– Mẹ ơi! Bố ơi, thằng Thắng ở nhà nó không cho con ăn cơm, nó còn đánh con nữa.
Tiếng ông bố dượng hắn đanh lại hỏi:
– Em nó còn bé sao ở nhà mày lại đánh nó hả?
Còn mẹ hắn ra ngõ chặt một nhánh tre về làm roi, bà vụt hắn túi bụi. Vừa đánh bà vừa gào thét:
– Phí cơm mà nuôi cái giống lừa đảo này. Cút đi, cút đi, mày cút ngay đi với thằng bố mày đi. Cái thằng bố mày lừa đảo!!!
Hắn không dám khóc to, mồm hắn rối rít:
– Con xin mẹ, con xin mẹ, trưa nay nhà hết gạo, đi học về còn phải giã thóc, mười hai giờ mới có gạo nấu cơm. Cơm vừa sôi xong em cứ đòi ăn không được… Nói tới đây hắn òa khóc… em cứ xông vào đánh con đấy chứ. Mà con có dám đánh em ấy đâu!
Tiếng mẹ hắn rít lên:
– Này thì cãi này, thì cãi này – Mẹ hắn liên tiếp vụt cho hắn liền bốn, năm roi nữa. Ông bố dượng ôm em hắn vào lòng, vừa vuốt tóc em hắn vừa nói:
– Lạ thật, mày mười một tuổi đầu lớn thế kia, em nó mới sáu tuổi, làm sao nó đánh lại được mày – Tiếng mẹ hắn quát càng to:
– Đánh cho mày mất giống nói điêu này, cho mất giống lừa đảo đi này – Vừa hét mẹ hắn vừa vụt túi bụi vào hắn, hắn chỉ còn biết huơ huơ cái tay ra để đỡ đòn, mồm lắp bắp: – Con xin mẹ, con xin mẹ. Nhưng mẹ hắn vẫn chưa nguôi cơn giận.
Bỗng có tiếng chân người uỳnh uỵch từ ngõ chạy vào. Một người đàn bà mặt đỏ gay xông vào dằng lấy chiếc que từ tay mẹ hắn, vất ra vườn rồi vào quát lên. Lúc ấy hắn mới nhận ra người ấy chính là bà Cung.
– Cô Châm, cô đừng quá đáng, đừng: “Con đen đầu thì bỏ, con đỏ đầu thì nuôi”. Cô đi chợ cả ngày, cháu Thắng ở nhà vừa đi học, vừa phải chăm ba đứa em: nào cơm nước, giặt giũ, nào tắm cho các em, rồi còn dỗ cho các em ngủ. Nhiều hôm như hôm nay, đi học về lại phải giã thóc mới có gạo nấu cơm cho các em ăn. Thằng em đói không biết làm thế nào cứ xông vào đánh thằng anh. Thằng anh cứ để im cho thằng em đấm đá, cấu véo tới lúc tức quá nó chỉ giơ roi lên dọa một cái, thế mà thằng em ghê thế, lăn đùng ngay ra ăn vạ – Ông về ông mách mẹ, ông mách bố ông để mẹ đánh chết mày đi, không cho mày ăn cơm nữa. Vừa nói bà Cung vừa giơ tay ra cầm lấy tay hắn, hắn muốn nép vào người bà như mọi khi, song lại ngượng vì hắn đã lớn, đã làm tới liên đội trưởng thiếu niên toàn trường rồi còn gì. Lúc này, giọng bà Cung đã bớt gay gắt, bà nói tiếp:
– Cô xem, không những thế còn gần một sào rau kia, nó cũng phải tưới tắm rồi còn phải để ý đến gà qué nữa chứ. Cả làng này, ở vào tuổi nó có ai phải khổ đến thế không? Đã ai phải làm quần quật như nó không? Kể cả là con gái đã đứa nào chịu khó được như nó chưa? – Giọng bà Cung như nghẹn lại: – Tôi ốm ở nhà gần một năm nay, vì gần nhà có nên có lúc anh em nó đói quá, tôi đã xới một bát cơm thật đầy sang đưa cho nó và bảo: Cháu vừa ăn rồi vừa xúc cho các em ăn, xong hãy đi nấu cơm. Nó vâng. Nhưng rồi tôi để ý nó không hề ăn một miếng nào mà chỉ xúc hết cho các em ăn thôi. Tôi thương thằng bé quá mà chỉ biết quay đi gạt nước mắt, chứ còn biết nói gì nữa. – Lúc ấy bà Cung đang đứng nhưng đã kéo hắn vào lòng bà xoa xoa đầu hắn. Còn hắn đang vừa khóc, vừa cắn cắn cái vạt áo để khỏi bật thành tiếng. Bỗng bà Cung nói to, giọng uất ức:
– ở cạnh nhà cô, tôi chỉ thấy thằng em xông vào đấm đá, cấu véo thằng anh, chứ tôi chưa thấy thằng anh đánh em và lũ em gái bao giờ. Nếu có đánh thì chỉ cần một cái đấm của nó thôi thằng em đã lăn quay ra rồi. – Nói đến đây mặt bà Cung lại đỏ gay rồi bà vùng vằng ra về. Ông bố dượng hắn cúi xuống trò chuyện với thằng em hắn. Còn mẹ hắn gục xuống ôm mặt khóc nức nở.
*
* *
“ở hiền gặp lành”, câu nói từ thượng cổ các cụ truyền lại cho tới giờ là như vậy. Nhưng hình như không đúng với bà Cung. Chồng của bà qua đời từ lúc ba đứa con gái của bà vẫn còn bé. Đứa út vẫn còn đang ẵm ngửa, trải qua bao biến động bao lần lên thác xuống ghềnh, bao lần “gạo châu, củi quế”, bà vẫn gồng mình lên một mình nuôi con tới lớn. Bà rất yêu trẻ con, nhất là hắn, bà che chở và thương hắn như con bà đẻ ra. Nhưng thật khổ, chưa kịp nhìn thấy cháu ngoại thì bà đã qua đời. Lúc ấy hắn còn đang ở trên rừng hay dưới bể gì đấy để mưu sinh. Tại vì năm ấy là năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, mẹ hắn đã về quê ông bố dượng để sơ tán, hắn bỗng trở thành bơ vơ không ai quản lý. Không có điều kiện đã đành, nhưng phải nói thẳng ra rằng đã mười sáu, xấp xỉ mười bảy rồi mà hắn chưa biết nghĩ về để thắp một nén hương trước mộ bà. Đến lúc biết nghĩ cho tới bây giờ đầu đã hai thứ tóc, hắn vẫn luôn luôn tự nguyền rủa mình là vô ơn, có những đêm chợt tỉnh giấc hắn vẫn thấy hình ảnh thân thương của bà Cung bưng bát cơm mang sang cho anh em hắn ăn lúc đói. Thấy bàn tay của bà xoa lên đầu hắn lúc hắn bé, cảm thấy được cả hơi ấm của bà lúc hắn nép mình vào người bà. Lòng hắn nặng trĩu, rồi hắn bồi hồi viết mấy câu thơ:
Hai vai gánh nặng điều ân oán
Giận tài hèn báo đáp chưa xong
Oán kia quên cũng cam lòng
Còn cơm phiến mẫu trong lòng nghĩ sao?
Không hiểu nghe những câu thơ ấy ở dưới suối vàng bà Cung – mẹ… nuôi của hắn có phần nào tha thứ cho hắn không?
Còn mẹ đẻ của hắn lúc hắn còn bé cũng không biết tại sao mà bà lại cứ hay đánh hắn. Lớn lên lấy vợ, có con rồi hắn mới hiểu:
Bà lấy bố hắn là mối tình đầu, bố hắn đi hứa về, xong rồi không về. Bà đau đớn lắm khi phải đi bước nữa. Lúc đánh hắn bà hay gọi hắn là giống lừa đảo, là giống bố… vì bà tuy đi bước nữa xong trong lòng vẫn không quên được bố hắn. Bà yêu quá hóa ra thù. Và thế là tuy bà hai đời chồng mà vẫn phải nuôi con một mình. Ông bố dượng thì vẫn ở với vợ cả của ông, ông chả có trách nhiệm gì với bà ngoài cho bà sáu đứa con. Một người phụ nữ một mình nuôi bảy đứa con (vì tính cả hắn nữa) mà không đứa con nào bị mù chữ thì thật là một người phụ nữ vĩ đại. Vì vất vả nên bà bị mắc bệnh lao phổi từ năm năm mốt, năm hai tuổi. Hắn và các em hắn đã chăm sóc bà hết lòng – các em hắn lúc ấy cũng đã biết nghĩ, cũng đã ngoan chứ không còn ngỗ ngược như xưa. Năm sáu mươi tuổi, bệnh quá nặng, mẹ hắn qua đời. Trước khi nhắm mắt, nhân lúc không có mặt hắn, mẹ hắn khóc mà dặn các em hắn rằng:
– Các con hãy thương lấy anh (tức hắn) – Rồi bà tắt thở…!
Lúc đưa mẹ hắn ra đồng, hắn nghĩ thương mẹ, rồi thương cả mình, không kìm được, hắn khóc:
– Mẹ ơi! Số mẹ kiếp này khổ quá, nên mẹ sinh ra con cũng khổ!
Khiến nhiều người trong đám tang nghe mà phải rơi lệ.
*
* *
Như hắn đã kể ở trên, từ bé hắn đã phải làm quần quật, rồi lớn lên cũng như vậy, cũng phải tự tay “nhào rơm lấy đất trát nhà”. Rồi cũng còn nuôi vợ, nuôi con. Nhưng không hiểu tại sao hắn vẫn tranh thủ được thời gian đọc sách, hắn đọc lúc đêm khuya, lúc nấu cơm, Thậm chí cả trong nhà vệ sinh. Rồi đôi lúc hắn cũng lén lút làm thơ. Song hắn sợ ai biết thì xấu hổ chết, nên làm xong hắn giấu biệt, được hơi nhiều nhiều là hắn lại đốt đi. Nhưng không hiểu sao tới khoảng ngoài ba mươi tuổi, hắn lại công khai cái việc ấy, cái việc thơ phú ấy, làm vợ hắn ghét cay ghét đắng. Và gần bốn mươi tuổi thì hắn đổ đốn hẳn, làm việc gì cũng vội vội vàng vàng, cũng mong cho chóng xong, để còn vào cắm đầu cắm cổ vào trang giấy viết viết, lách lách. Trông thấy hắn thế, lắm lúc vợ hắn phát điên lên:
– Thời buổi này ai ai cũng mải kiếm tiền. Nhà người ta nào tivi, tủ lạnh, xe hơi nhà lầu, viết mới chả viết, viết có ra tiền không?
Đến năm năm mươi tuổi vợ con hắn không chịu nổi hắn nữa, hắn đành phải ôm bọc quần áo ra đi. Một, hai năm sau, buồn quá hắn viết:
Năm mươi hai tuổi không nhà
Tết về thờ cúng ông, bà ở đâu
Suối vàng cha mẹ lòng đau
Sinh con cũng uổng có đâu ích gì?
Hắn cũng đã viết được vài ba cuốn sách, người yêu cũng có, người ghét cũng có. Người yêu thì chưa biết thế nào? Chứ người ghét thì ghét hắn tới mức: Nếu có băm được hắn ra làm mười mảnh mà không phải tội với pháp luật thì họ cũng băm. Bởi vì những điều hắn viết, hắn nói họ nghe cứ tức anh ách… nhưng mà viết tranh luận với hắn thì…!
Hắn đã ở vào cái tuổi tóc bạc ba phần rồi. Rồi đời hắn sẽ đi đâu? Chắc sẽ vẫn đúng như lời bà Cung, mẹ nuôi hắn, nói với hắn hồi còn bé:
Rồi sẽ khổ thôi cháu ạ!
Tết Đinh Hợi
Phản hồi gần đây