NGƯỜI TÀI THƯỜNG KHIÊM TỐN…!
Tác giả: Trần Văn Lý
Người tài thường khiêm tốn… ngược lại kẻ dốt lại hay kiêu căng, ở đời nhiều khi là như vậy!
Nguyên Soái G.K. Giu Cốp bốn lần anh hùng Liên Xô đã từng giữ tới chức: Phó tổng tư lệnh tối cao (chỉ sau Xtalin) quân đội Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Người được dựng tượng ở Mátxcơva, người mà kể cả những kẻ phá tan chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũng vẫn phải kính nể ông. Thế mà khi viết một cuốn sách về cuộc đời của mình cộng với những sự việc xảy ra trong thời gian bão táp cách mạng (tháng 10) mà ông đã từng tham gia, cộng với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trong thế chiến lần thứ 2 mà ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Về vai trò của ông trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy người ta đã nói: “Mặt trận nào khó, có Giu Cốp”. Ông đặt tên cho cuốn sách của ông là nhớ lại và suy nghĩ cái tên thật là khiêm tốn, thật là đúng nghĩa. Đọc cuốn sách của ông tôi nghĩ: Với tài chỉ huy của ông trong chiến tranh, với những sự phân tích sâu sắc các tình huống trong con mắt của một vị Nguyên Soái có kiến thức quân sự uyên bác ông đã đưa ra những nhận định mang tính chất rút ra những lý luận quân sự cho đời sau. Vậy cuốn sách của ông còn có thể gọi với cái tên “Nhớ lại và nhận định” lắm chứ. Nhưng không, ông chỉ dám cho mình cái quyền nhớ lại và suy nghĩ mà thôi; thật đúng là người tài thường khiêm tốn mà!!!
Một tháng đôi lần tôi thường rẽ vào các hiệu sách trên phố Tràng Tiền hoặc phố Đinh Lễ – Hà Nội để xem có sách nào mới ra không. Cuốn nào cần quá thì tôi (cắn răng) mua về, cuốn nào vừa vừa thì tôi đọc nhờ ở hiệu vậy (bởi vì cơm áo không đùa với khách thơ)! Tháng 11-2009 tôi phát hiện trên giá sách ở phố Tràng Tiền có cuốn “Thơ nhận định và thưởng thức”. Quái! bằng kiến thức và năng khiếu người ta phải “cảm nhận” được thơ (thưởng thức được thơ) rồi mới có cơ sở mà “nhận định” được thơ hay, hay thơ dở chứ, hoặc thơ sẽ đi về đâu… chứ! Đùa nhau hay sao mà lại nói “ngược” thế này? Còn “nhận định” cho mình có quyền nhận định thơ chắc tác giả này phải là một cây bút vĩ đại đây, tác giả này phải tin vào tài năng của mình lắm đây, phải là tới cỡ “Ai có chữ nào chưa hiểu hãy đến hỏi tôi”! Tôi cầm cuốn sách lên đọc, tên tác giả là Trần Mai Châu do Nhà xuất bản Văn hóa – Sài Gòn ấn hành năm 2008. Nếu không lầm đây là lần đầu tiên tôi được biết tên tác giả và tôi tự nhủ: thế thì càng phải đọc cẩn thận, tôi đã đọc cuốn sách mất mấy ngày, đọc đến trang cuối trong đầu tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ:
Lạ nhỉ? hình như mỗi chỗ một ít ở đâu đó đã có những người nói hao hao như những “nhận định” trong cuốn sách này. Nhất là phần nói về các nhà thơ… rồi thì phải? Hay có thể mình lầm chăng? Thôi thì: “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”. Vậy, học ông Trần Mai Châu tôi cũng chỉ xin nói một ý kiến nhỏ về cuốn sách của ông, vì cái ý nhỏ ấy của ông viết nó liên quan trực tiếp đến tôi (Trần Văn Lý). Thưa ông Trần Mai Châu ông nhắc lại cuốn “Chân dung và đối thoại” với ý:
– Cuốn sách đã “… gây nên một xúc động cực lớn… bán rất chạy” mặc dù “Đa số các nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận có thái độ chống đối cuốn sách. Một số nhà mô phạm cho là những ý kiến Trần Đăng Khoa nêu ra làm khó cho việc dạy văn, các học sinh mất niềm tin vào các nhà văn, thi sĩ nổi tiếng… Tôi (TMC) không có đủ khả năng và tài liệu để bàn về cuốn sách chỉ xin có một ý kiến nhỏ của Trần Đăng Khoa. Ông (tức TĐK) viết: Nếu chọn một bài thơ, thơ nhất của Việt Nam thì đó là bài “Tiếng thu”. Đấy là bài hay nhất trong đời thơ của Lưu Trọng Lư cũng là bài thơ thứ nhất của thi ca hiện đại…
Như thế thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh chứ đó không phải tiếng ca phàm tục của người đời… câu kết có hơi cường điệu nhưng thích thơ, bình thơ là quyền của mọi người, huống chi Trần Đăng Khoa vẫn được mệnh danh là nhà thơ thần đồng và được nhiều người ái mộ…
Thế rồi dựa vào những ý kiến không đồng tình với nhận xét của Trần Đăng Khoa có người đã mạnh miệng nói: “hai khổ thơ đầu cứ như hai củ khoai tây riêng rẽ không dính được vào đâu (nguyên văn là – không dính được vào nhau – TVL) không dính được vào bài thơ” (Cảm nhận thi ca, trang 206 – Trần Văn Lý – 1999)”.
Tôi phải lược trích cả một đoạn văn dài của ông Trần Mai Châu ở trên để làm rõ cái ý ông Châu muốn nói rằng: Bình thơ là quyền của mọi người nhất là nhà thơ Trần Đăng Khoa đã là nhà thơ Thần Đồng rồi, đã nói bài thơ “Tiếng Thu” là kiệt tác là hay nhất của Văn thơ Việt Nam hiện đại rồi thì phải đúng. Hơn nữa đã là thần đồng thì càng có quyền nói thế!
Thưa ông Trần Mai Châu “Thần” chưa phải là to nhất… vì trên thần còn có trời nữa cơ mà không biết nếu là “trời” thì còn đến đâu? Thế mới biết “nịnh nhau” cũng phải biết đường mà nịnh mà không lại trở thành: “Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau” để chứng minh cái điều “thần” chưa phải là TO, “thần” không phải lúc nào cũng đúng chính ông Trần Mai Châu đã viết mà tôi đã dẫn ở trên: “Đa số các nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận chống đối cuốn sách (Chân dung và đối thoại)”. Vậy là không phải là “Thần… đồng” thì bảo thế nào… sẽ là phải đúng như vậy…!
Thưa ông Trần Mai Châu còn ông viết với ý là tôi (Trần Văn Lý)… dựa vào (thực ra tôi chỉ dựa vào sự hiểu biết của tôi)… rồi “mạnh miệng” nói…! Về điều này tôi xin được miễn tranh luận với ông vì tôi tin ở sự công bằng của bạn đọc họ sẽ đánh giá tôi qua cuốn cảm nhận thi ca nhất là những bài tôi viết trực tiếp về bài thơ Tiếng thu hay những bài viết liên quan đến nó chứ họ không bao giờ đánh giá tôi mà chỉ dựa vào những lời nói của ông.
Thưa ông Trần Mai Châu điều cuối cùng mà tôi muốn nói với ông là: Các cụ nhà ta từ xưa đã dạy rằng: “Biển học vô bờ” có những chữ, có những bài thơ “nghìn năm giảng vẫn chưa thông” bởi vì nghĩa của chữ của thơ nhiều khi như “Hương” của hoa, như vị men của rượu, như gió, như mây, như sương, như khói những kẻ “tầm thường” (không có năng khiếu) những người cả đời chưa viết nổi được một câu thơ “sạch nước cản” làm sao mà họ hiểu nổi. Mà kể cả những người đã “có lúc” hiểu nổi rồi thì cũng không ai dám nói là mình hiểu “hết” để mà đưa ra được “nhận định thơ” có chăng đã có lúc họ may mắn nói được điều này, điều kia về thơ mà thôi đó chỉ là những điều rất nhỏ về thơ!
Ôi nàng thơ! Ai cũng biết là Nàng luôn luôn tồn tại nhưng đã ai “nhìn thấy” đã ai định nghĩa được về nàng đâu!!!
Tháng 11-2009
Phản hồi gần đây