NHẬN ĐÚNG RA NHỮNG BÀI THƠ HAY
RỒI HÃY CA NGỢI!
Tác giả: Trần Văn Lý
Lịch sử văn học nước nhà đã từng có rất nhiều người vừa có tài làm quan, lại vừa có tài làm thơ. ở cái tài tầm vừa vừa thì nhiều không sao kể hết được, nhớ hết được. Vì thế nên xin chỉ nói tới một số người mà cái tài ở tầm luôn luôn được bầu vào ngồi ở nơi “bàn nhất” ví như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến. Những thành công to lớn trong văn chương của những nhà thơ hàng đầu Việt Nam này là do các nhà thơ dùng văn thơ để nói lên cái trí: “Vì nước vì dân của mình”. Hay ít ra cũng là để nhắc nhở lòng họ sống sao cho thanh bạch, nếu có ra làm quan thì phải thương dân, lấy dân làm gốc. Vì thế nên những bài thơ của các nhà thơ vừa kể trên đại đa số
là đều hay và xúc động.
Nói như thế không có nghĩa là họ (các nhà thơ vừa kể ở trên) không có những sơ xuất thậm chí có những chỗ chưa tới ở trong một hai câu thơ, một hai bài thơ. Những sơ xuất ấy tác giả bài viết này phần nào đã đề cập đến trong cuốn cảm nhận thi ca do nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1999 và được nhà xuất bản Thanh niên tái bản năm 2006.
Qua những điều vừa nói tới ở trên ta có thể rút ra nhiều điều trong đó có một điều là: Dù có đạt tới cỡ thi hào, hay đại thi hào đi chăng nữa. Dù có được ca ngợi tới mức: “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” đi nữa thì vẫn còn 0,0…1 điều là chưa hay. Và chúng ta những người đọc để thưởng thức văn chương phải nhận ra cái phần 0,0…1 cái chưa hay ấy, để tránh mắc phải cái điều mà không ai muốn là: Ngợi ca hết thảy, ngợi ca cả cái chưa hay, có nghĩa là ca ngợi… tuốt tuồn tuột…!
Xuất phát từ quan điểm ấy mà tôi cầm bút viết bài này để nói đôi điều về bài thơ Mẹ và quả của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nguyên ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (bài này đã được gửi tới một số tờ báo trong đó có báo Văn nghệ và Tạp chí Thơ nhưng họ im lặng… không những thế sau đó nhiều bài ca ngợi bài thơ Mẹ và quả còn được in tiếp trên các tờ báo trên). Bài thơ đã được tác giả Nguyễn Hoàn ca ngợi trên tạp chí Thơ số 9-2008. Tác giả Nguyễn Hoàn viết: “Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên những câu thơ chứa chất suy ngẫm. Và chỉ nhà thơ có thể viết được sau rất nhiều trăn trở, tìm tòi về nghệ thuật? chất trí tuệ hòa quyện với cảm xúc, sự phong phú của tư duy liên tưởng, sự bất ngờ trong cấu tứ… tất cả khiến người đọc đọc đến đoạn kết vừa nhận được những khoái cảm thẩm mỹ vừa được như thức tỉnh về nhận thức những quan hệ tình nghĩa sâu nặng trong đời. Ta không khỏi giật mình tự hỏi mình đã đền đáp được gì cho mẹ, cho đời?…”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ Mẹ và quả của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm xem nó có đúng như lời tác giả Nguyễn Hoàn ca ngợi không?
Mẹ và quả
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trăng khi như mặt trời.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Đã đành rằng từ Mẹ trong văn chương đôi lúc là để chỉ “Mẹ Tổ quốc” và trong bài thơ có cụm từ “chúng tôi” chỉ số nhiều song cũng không đủ điều kiện để hiểu từ mẹ trong bài thơ là “Mẹ Tổ quốc” được. Mà chỉ đủ điều kiện hiểu với nghĩa thuần túy là người mẹ như bao bà mẹ Việt Nam khác. Người mẹ không bao giờ ỷ lại trông chờ vào ai mà tất cả trông chờ vào đôi bàn tay lao động của chính mình: “Những mùa quả mẹ tôi hái được/ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng”. Hai câu thơ tiếp theo của khổ thơ thứ nhất:
Mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trăng khi như mặt trời
Mặt trời, mặt trăng là những thứ vốn có của tự nhiên với quy luật muôn đời lặn rồi lại mọc. Mùa quả này đi, mùa quả sau sẽ tới. Hai câu thơ với ý trên khiến người ta nghĩ: Mùa màng (mùa quả) sao đến dễ dãi thế, đâu là cái vất vả “một nắng hai sương” của mẹ. Đâu là những năm mùa màng (mùa quả) thất bát. Đâu là những năm mưa rét trái mùa, mùa màng (mùa quả) mất trắng mẹ gục mặt vào lòng hai bàn tay khóc nức nở… dù có là kiểu thơ “Tây Nguyên” đi chăng nữa thì những “mùa quả” ở Tây Nguyên cũng không đến dễ dàng thế bao giờ? Hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai:
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Người thì lớn lên hẳn thế rồi, còn bí bầu thì lớn xuống cũng không sai. Điều đó dù không nói thì mọi người cũng đã biết từ lâu, nay mang ra “so sánh” hẳn phải có mục đích gì chứ hay là nhằm chứng minh: Chúng tôi “lớn lên” là chính đáng là oai, còn bầu bí “lớn xuống” là thấp kém, là hèn. Còn cái ý mà tác giả Nguyễn Hoàn nói “Tạo vật dưới tay mẹ sống rạo rực: lặn, mọc, lớn lên, lớn xuống…” tôi cứ thấy nó áp đặt thế nào ấy, sự so sánh sát sàn sạt các hình ảnh với nhau tới mức độ như đối lập nhau như vậy mà lại chỉ có diễn đạt được mỗi một nghĩa thế thôi sao? “Lớn xuống” nhưng chúng (bầu bí) “… mang dáng giọt mồ hôi mặn/ rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi? thế thì “lớn lên” chắc đã hơn gì?
Người đời vẫn thường nhắc nhau là đoạn kết trong một tác phẩm bao giờ cũng là rất quan trọng và đúng như vậy khổ cuối của bài thơ Mẹ và quả lại càng quan trọng. Bởi thế từ lâu tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần khổ cuối của bài thơ này, và lần nào đọc cũng thấy “sợ”. Đã hơn một lần tôi tâm sự với một nhà thơ là hội viên lâu năm của hội Nhà văn Việt Nam về các cảm giác sợ đó của tôi. Nghe xong anh gạt phắt đi:
– Cái ông này, trong văn chương đến cỡ như Nguyễn Du mà vẫn còn có chỗ chưa hay nữa là… mà ông có thấy ai đã ca ngợi bài thơ Mẹ và quả là hay đâu, mà đã phải lo. Lo vớ lo vẩn không khéo rồi lại mắc vạ có ngày.
Thế mà nay cái lo của ngày ấy đã thành sự thực, đã có người ca ngợi bài thơ là: “Chất trí tuệ hòa quyền với cảm xúc sự phong phú của tư duy liên tưởng… thức tỉnh về nhận thức những quan hệ tình nghĩa sâu nặng trong đời…”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau “thưởng thức” khổ thứ ba của bài thơ để qua đó có thể hiểu được ý nghĩa tổng thể của bài thơ là ở “cỡ nào”?
Khổ ba của bài thơ cũng có bốn câu chúng ta hãy xét hai câu:
Và chúng tôi; một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Thông thường thơ có hai phần nghĩa: phần nghĩa đen (nghĩa trực diện), phần nghĩa bóng (nghĩa ẩn). Điều kiện tiên quyết và trước tiên người ta phải hiểu được nghĩa trực diện (nghĩa đen). Có hiểu được đúng và đủ nghĩa trực diện thì mới căn cứ vào đấy để rồi suy ra nghĩa bóng (nghĩa ẩn) của câu thơ một cách chính xác (thế nên người ta mới nói: Trong thơ có tính chính xác của toán học). Nếu không hiểu được nghĩa trực diện thì cũng chẳng căn cứ vào đâu để rồi mà hiểu được nghĩa bóng (nghĩa ẩn) nghĩa là hiểu được bài thơ, hoặc câu thơ: “Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái”. Hái, chảy, bứt quả xuống, quả mà đã hái xuống… thì ôi thôi sự sống của quả… còn không? Mà quả lúc ấy chính là hiện thân của chúng con! Mẹ ơi! Sao mẹ lại nỡ hái chúng con (cái sợ của tôi là ở chỗ này đây)? nhưng khổ một nỗi lúc ấy:
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Mẹ bảy mươi tuổi thì con cũng phải bốn mươi, thậm chí năm mươi tuổi rồi còn non xanh gì nữa mà lại sợ mình vô tích sự không báo hiếu được phần nào cho mẹ thế ra mình là đứa con bất tài… ư? dù có bất tài đi nữa? thậm chí phải đi đâu…? những đứa con có hiếu cũng tự dặn lòng mình, tự hỏi lòng mình: Cuộc sống của mẹ… ra sao? Thiết nghĩ đừng nên “xanh non” một cách khó chịu và gò ép đến như thế.
Còn muốn để diễn đạt, hay định đạt tới ý: “mẹ sinh ra chúng con, rồi vất vả nuôi chúng con khôn lớn thành người chúng con luôn tự hỏi đã làm gì để đền đáp lại công ơn mẹ” thì còn xa mới đạt tới. Bởi vì từ ý muốn… tới làm được là cả một khoảng cách, có rất nhiều người không vượt qua nổi cái khoảng cách ấy. Trên đời thiếu gì người đầu muốn vẽ con công tay lại vẽ ra con gà.
Đã cầm bút ai chả có lúc muốn vẽ con đại bàng nhưng lực bất tòng tâm lại vẽ thành ra con quạ. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ có người dám vất con quạ đó đi. Còn có người thì khư khư giữ lấy rồi coi nó là con đại bàng thậm chí muốn mọi người cũng tin như vậy. Và quả thật cũng có những người do trình độ thấp kém hay vì một động cơ nào đó đã tung hô…!!!
Cuối thu 2008 – đầu hè 2010
Phản hồi gần đây