NHỮNG MẢNH ĐỜI CHẮP NỐI

Tác giả: Trần Văn Lý

 

Từ lưng chừng quả đồi người đàn ông dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà rồi khóa cửa được làm bằng ván thùng lại cẩn thận. Xuống đến chân đồi phải dắt xe men theo bờ ruộng khoảng một trăm mét mới ra tới đường. Người đàn ông ấy chừng bốn lăm, bốn sáu tuổi, dáng cao cao, chiếc áo sơ mi trắng còn mới tinh cắt khá vừa vặn, bỏ vào trong quần. Chiếc quần đã cũ nhưng trông vẫn có vẻ tạm được. Chỉ có đôi giày đã sờn, lại lâu ngày không đánh xi nên nhiều chỗ da nhàu bạc phếch.
Người qua đường chắc tưởng người đàn ông là một ông giáo đang dạy học ở miền ngược này về miền xuôi ăn Tết. Bởi đằng sau chiếc xe đạp có buộc một bu gà năm, sáu con, mỗi con dễ được tới hai cân, hơn hai cân chứ chẳng ít.
Trèo lên chiếc xe đạp, trước khi đạp đi, người đàn ông còn ngoái lại nhìn ngôi nhà của mình thấp thoáng sau vạt sắn, sau những cây bưởi, cây cam đã bắt đầu cho trái. Cơ ngơi ấy do một người bạn văn chương vừa chuyển về làm biên tập một tờ báo ở Thủ đô nhượng lại với giá giúp đỡ và trả dần.
Đạp xe được một đoạn ngắn người đàn ông cẩn thận lấy tay nắn nắn cái túi áo xem số tiền gần ba trăm ngàn đồng ở trong ấy có còn không? Rồi mới yên tâm đi tiếp.
Người đàn ông ấy có tên là Hoàng Trinh, mới lên ở cái đất giáp tỉnh Bắc Ninh này được hơn một năm nay, về Hà Nội ăn Tết với vợ và các con. Hoàng Trinh vừa đi vừa nghĩ:
So với mọi năm, năm nay Trinh về ăn tết sớm hơn một ngày. Mọi năm ba mươi, năm nay thì hai chín. Mọi năm từ mảnh đất tận cùng phía Nam Hà Nội, năm nay cũng khác mọi năm trong túi Trinh còn có gần ba trăm ngàn, lại cả mấy con gà, chắc vợ Trinh không nỡ… Chắc con cái Trinh sẽ được ăn một cái tết êm ấm. Sẽ không phải nghe tiếng vợ Trinh chì chiết…
Trời như lạnh hơn, bỗng dưng Trinh lại nhớ về một cái tết đã cách đây vài năm.
Năm ấy không một xu dính túi, đợi đến tối ba mươi Trinh mới dám về nhà. Ngày mồng một Trinh và nhất là mấy đứa con của Trinh đều cố làm ra vẻ tự nhiên, vẻ như không hề có cái không khí nặng nề trong nhà. Sự cố gắng ấy quả là không uổng, ngày mồng một không hề xảy ra chuyện gì. Tới sáng mồng hai đợi mãi tới chín giờ mà bếp nước vẫn lạnh tanh, Trinh đánh bạo hỏi vợ:
– Thế không làm cơm cúng buổi sáng à mình?
Thế là vợ Trinh như một thùng thuốc súng chạm lửa:
– Không cúng cấp gì cả! Xem còn cái gì thừa hôm qua, bố con dọn ra mà ăn. Đòi hỏi! Đòi hỏi! Tôi chưa chạy được… Tai Trinh ù đi, các con Trinh lảng ra ngõ mỗi đứa đi mỗi phương.
– Thôi mà mình! Tôi có nói gì đâu, mình nói nho nhỏ thôi kẻo ngày Tết người ta cười chết!
– Cười! Người ta cười chán ra rồi đấy!!!
Niềm chua xót, tủi nhục bỗng lại dâng lên trong lòng, Trinh tay run run thắp ba nén hương cắm lên bàn thờ, rồi lặng lẽ xách túi quần áo, dắt xe đi ra ngõ. Trong nhà tiếng vợ Trinh vẫn chưa thôi.
Hoàng Trinh sinh ra được một tuổi thì bố đột ngột qua đời. Ba năm sau mẹ Trinh đi bước nữa. Năm mười một tuổi Trinh đã có bốn đứa em. Ông bố dượng Trinh ở với vợ cả, để mặc mẹ Trinh bươn trải ngược xuôi suốt ngày, có hôm tới khuya mới về. Thấy Trinh chưa làm xong mọi việc bà rất bực bội.
Mười một tuổi đầu trông bốn đứa em: Cơm nước, giặt giũ mà có phải lúc nào cũng có sẵn gạo để nấu đâu! Nhiều khi phải giã ngô, giã thóc tới quá trưa. Em này khóc, em kia mếu đòi ăn. Rồi còn lợn, gà, lại cả nửa sào rau phải tưới nước, làm cỏ, không kể đến việc xuống sông gánh nước về ăn. Đến bây giờ Trinh vẫn lấy làm ngạc nhiên: Tại sao hồi ấy Trinh lại làm được nhiều việc đến vậy.
Tuổi thơ ai chả khát khao bàn tay ve vuốt của mẹ, nụ cười trìu mến của cha. Nhưng còn Trinh:
        …Trời ơi! Mười một tuổi đầu
Gánh nước giã gạo không rời chân tay
        Mẹ tha khỏi đánh là may
Còn lời mẹ mắng… có ngày nào không!
Nhưng cũng may mắn là Trinh vẫn được mẹ cho tới trường.
Mặc dù có ngày Trinh phải nghỉ học để trông em, để gánh hàng giúp mẹ, cộng số ngày nghỉ vào có lẽ bằng đến hai tháng. Nhưng bù lại trời lại cho Trinh học rất sáng dạ, hiểu bài ngay tại lớp. Kể cả những bài học thuộc lòng Trinh cũng chỉ đọc đôi ba lần là thuộc làu làu. Và Trinh là người giải toán nhanh nhất lớp. Từ lúc đi học tới những lớp sau, trinh đều là lớp trưởng, rồi liên đội trưởng đội thiếu niên toàn trường. Trinh ham đọc sách một cách bẩm sinh. Mới bập bẹ đánh vần Trinh đã đánh vần đọc hết các truyện tranh: “Rừng dã trư”; “Đội du kích đường sắt”; “Tên gián điệp 412”; v.v.. Trinh tận dụng từng phút từng giây để đọc tất cả những gì mà Trinh vớ được.
Máy bay Mỹ gầm rít trên bầu trời Hà Nội. Đêm đêm đạn cao xạ, đạn súng máy, súng bộ binh đỏ trời. Nhà nhà đi sơ tán, mẹ Trinh chạy chợ không đủ ăn, mười lăm tuổi Trinh phải bỏ học để giúp mẹ kiếm tiền nuôi những đứa em. Nhưng ông bác ruột của Trinh lại ở bên kia vĩ tuyến 17, Trinh không xin được việc trong nhà máy, công trường. Trinh chỉ còn cách làm tất cả những việc mà người ta thuê Trinh: Kéo xe, bốc vác, sàng than, làm thợ mộc. Có lúc muốn thử vận may Trinh đã lên rừng chặt nứa thả bè xuôi về sông Hồng.
Bom đạn ngày một ác liệt hơn mà nhà lại ở quá gần nhà máy, bố dượng Trinh mang mẹ Trinh về quê ông sơ tán, rồi nhà Trinh trúng bom, Trinh thành người không chốn nương thân. Nhớ ra mình vẫn còn một người anh cùng cha khác mẹ ở vùng ven ngoại thành, Trinh về xin ở nhờ nhà anh chị. Tuy không thích thú gì với sự có mặt của Trinh, song người anh cũng không nỡ đuổi Trinh ra khỏi cửa. Một thời gian sau, người anh cố xin cho Trinh được vào đội thủy lợi của xã, năm ấy Trinh cũng vừa bước vào tuổi hai mươi. Trinh cũng không ngờ rằng một việc trọng đại trong đời Trinh, nó ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời của Trinh cho đến tận giờ, đang tới gần.
Già một nửa đội thủy lợi là nữ thanh niên, bởi nam thanh niên phần nhiều đã nhập ngũ.
Với khuôn mặt trái xoan, sống mũi thẳng, đôi mắt chân thành, dáng người cao; chỉ tội hơi gầy một tý, song bù lại Trinh là người gánh đất dẻo dai vào loại có hạng của đội. Bởi Trinh quen chịu gian khổ. Đặc biệt, Trinh đứng thủ mai, nhất là cắt kéo hố đất đáu thì không ai bằng: Đã nhanh lại mười viên như nhau cả mười. Cộng với tính tình điềm đạm, hiểu biết rộng nên Trinh được nhiều người trong đội có cảm tình. Lúc giải lao chơi tú lơ khơ Trinh thường thắng, nhiều người phải reo lên thích thú!
Sinh ra và lớn lên thiếu sự che chở của cha, còn mẹ thì đi bước nữa, Hoàng Trinh chưa bao giờ được ai yêu quý thực sự, chưa bao giờ được hưởng sự ngọt ngào, chỉ có công việc và công việc với tiếng rầy la bên tai. Tuổi hai mươi Trinh khát khao có được một người cảm thông, chia sẻ, an ủi Trinh. Trinh chú ý tới một người… da trắng hồng, dáng người cân đối, nhất là lúc cười cứ hay đỏ mặt. Trinh đã đôi ba lần gợi chuyện, thậm chí châm chọc thế mà người con gái ấy vẫn chỉ đỏ mặt nấp sau lưng cô bạn của mình, lúc ngượng quá cũng chỉ vừa đỏ mặt vừa nói được một câu:
– Cái chú này!
Lúc ấy cô bị  cô bạn có tên Thoa mà sau này là vợ của Trinh mắng rằng:
– Cái con này! Chú là chú thế nào? Chú cháu thì không được rồi! Mà còn chú em thì mày hỗn quá…
Trinh bỗng dưng quay sang có cảm tình với bạn của cô gái, người có tên Thoa ấy.
Cũng từ lúc ấy Trinh mới nhận ra chỉ có Thoa là thương Trinh. Đúng rồi! Thoa hay ngồi cạnh Trinh lúc đánh bài, nếu Trinh thắng Thoa sung sướng, nét mặt rạng rỡ. Nếu Trinh đứng thủ mai bao giờ Thoa cũng chỉ đến chỗ Trinh để lấy đất. Mà ánh mắt của Thoa mới lạ làm sao chứ! Nó nói lên tất cả.
Năm ấy Thoa mười bảy tuổi, tóc dài, thường mặc áo bà ba màu đen bó sát người. Một hôm, Thoa nói với Trinh:
– Anh Trinh ơi! Nhà anh có nhiều bưởi anh hái cho em một nắm lá để em gội đầu anh nhé.
Trinh liều nói;
– Đang mùa hoa bưởi, anh sẽ hái cả hoa, song anh chỉ hái cho ai yêu anh thôi…
Mắt Thoa long lanh:
– ừ thì anh cứ hái đi!
Tối hôm ấy trên con đê đầu làng trao gói hoa bưởi cho Thoa, Trinh và Thoa ngồi tâm sự với nhau tới khuya.
Từ hôm sau người ta thấy Trinh và Thoa đi đâu cũng có nhau.
Một năm sau Trinh và Thoa thành vợ thành chồng. Vốn trước đã làm thợ mộc nên Trinh tự tay mình cất lên một căn nhà tre lợp rạ:
        Nhào rơm lấy đất trát nhà
Đơn sơ mái rạ nhưng mà thương nhau
        Đêm đêm ngực ấm mái đầu
Hình em tim đó dãi dầu không phai
Ngôi nhà ấy là lâu đài của tình yêu. Sau này Trinh mới nhận ra rằng: Đó là thời gian Trinh sống bên vợ hạnh phúc nhất:
        … Chúng mình riêng một góc trời
Đêm đêm ân ái, ngày lời yêu thương
        Đi đâu chậm một phút đường
Mắt buồn em dõi cái phương anh về…
Máy bay Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc vô điều kiện và vĩnh viễn. Người ta tuyển công nhân xây dựng để xây dựng lại Thủ đô. Vì có tay nghề sẵn nên Hoàng Trinh cũng xin được vào làm công nhân ở một công ty xây dựng.
Rồi miền Nam được giải phóng. Những chiếc xe honđa xuất hiện trên đường phố Hà Nội. ở vùng ven đô chỗ Trinh ở cả làng náo nức đợi đến tối để kéo nhau đi xem ti vi nhờ của những người vừa từ Sài Gòn mang ra.
Cuộc sống đang biến đổi, đang mới lạ. Người ta không còn bằng lòng với những gì đã có. Đêm đêm Trinh thấy Thoa hay trở mình rồi thở dài nhiều hơn.
– Anh ơi sắp Tết rồi, mẹ con em đi lễ tết bằng gì? Đi bộ ư anh?
Có những đêm đang ngủ thì trời mưa, nhà dột, Thoa cáu bẳn:
– Nhà với cửa! Người ta cũng là người, mình cũng là người. Người ta nhà cao cửa rộng, còn nhà mình như cái chuồng lợn ý!
Nghe Thoa nói, đêm nằm Trinh thấy mình có lỗi. Nửa tháng sau Trinh dồn tiền và vay mượn thêm mua vật liệu, rồi nghỉ phép tự mình đóng gạch, đốt lò, sau đó thuê thợ xây nhà. Tết xong vợ chồng Trinh và các con Trinh đã được ở trong ngôi nhà gạch ba gian mái bằng. Ai đi qua cũng phải tấm tắc khen…
Trong xóm những người cùng lứa tuổi với Thoa đa số đi làm công nhân hết. Còn Thoa nhiều lần xin đi nhưng vì đã có con, nên không cơ quan nào nhận. Những hôm trời nắng tháng năm, tháng sáu gánh gánh rau muống gần sáu mươi cân từ ruộng đến cửa hàng mậu dịch xếp hàng để cân, mãi tới quá trưa mới tới lượt, Thoa về mồ hôi nhễ nhại vứt bịch cái nón vào một góc nhà, rồi lăn ra giường. Trinh phải dỗ mãi Thoa mới chịu dậy ăn cơm, vừa dậy vừa nói:
– Chả nhẽ đời tôi cứ khổ mãi thế này?
Trinh thương vợ lắm, song cũng chỉ biết an ủi:
– Em ạ! Cứ thư thư một chút rồi thế nào anh cũng xin được cho em đi làm em ạ!
Bỗng cơ may bất ngờ đến: Chú ruột của Thoa chuyển ngành về làm Giám đốc Sở lương thực. Một Sở mà cuối những năm bảy mươi ai nghe thấy cũng phải ao ước muốn làm quen.
Trinh cố xoay sở vay mượn mua cho Thoa một chiếc xe đạp loại khá, rồi cả quần áo và đồng hồ nữa. Phải để Thoa xứng đáng là cháu ruột của Giám đốc Sở ngày đầu tiên đi làm. Trông Thoa hớn hở, ăn mặc… cứ như con gái. Trinh ngất ngây…
Thoa đi làm cả ngày, trưa không về nên Trinh thường xin làm khoán tới quá trưa, để chiều về ở nhà dọn nhà cửa, tắm giặt cho các con, nấu cơm và gánh nước cho chiều vợ về có nước mà tắm. Cả xóm mới có vài nhà có giếng khơi, không gánh nhanh là lại hết.
Ngày đầu đi làm về đến ngõ Thoa đã ríu rít kể:
– Vui lắm anh ạ! Ai cũng quý, cũng muốn nói chuyện với em. Mọi người nói chuyện hay ghê chứ chả như anh đâu.
Trinh gãi gãi đầu:
– Không hay sao lại có kẻ phải lòng người ta?
– Ai? ai?
Thoa đấm vào lưng Trinh thùm thụp rồi cười rúc rích. Đêm ấy Thoa ngủ ngon giấc. Không biết Thoa mơ gì? Mà trong lúc ngủ Trinh lại thấy Thoa cười?
Cứ mỗi ngày đi làm về Thoa lại kể cho Trinh nghe một chuyện lạ.
Khoảng hai tháng sau kể từ ngày Thoa đi làm, một hôm Thoa đưa cho Trinh một tờ giấy trong đó có chép một bài thơ và hỏi:
– Anh hay làm thơ, anh hãy nói cho em nghe bài thơ này nói gì?
Xem xong Trinh nói:
– Bài thơ này là một bài thơ tỏ tình. Chủ ý của bài thơ ấy nói với người mà mình tặng thơ rằng: Thời gian qua được gặp một người con gái, khiến cho lòng tác giả tưởng đã chết cùng mối tình đầu rồi, nay bỗng sống lại, lại rạo rực… Mong người con gái đó hãy hiểu cho lòng mình!
Không hiểu do tò mò hay linh tính mà Trinh lại hỏi Thoa:
– Ai tặng em đấy?
Thoa vùng dậy đỏ mặt trợn mắt quát vào mặt Trinh:
– Anh đừng có nhố nhăng vu vạ cho tôi là không xong đâu!
Thấy Thoa nổi cáu, Trinh vội dàn hòa:
– Anh đùa một câu thôi mà!
Và hình như từ hôm ấy Thoa cứ về nhà là không vui, thậm chí rất hay cáu vô cớ với Trinh. Điều đó từ trước tới nay chưa hề xảy ra. Và hình như Thoa cũng ít quan tâm đến con cái. Thoa thích nằm một mình trên giường yên tĩnh, đôi mắt như suy nghĩ điều gì ở tận đâu đâu!
Một buổi chiều Trinh trợn mắt nhìn Thoa khi Thoa đi làm về: Mái tóc! Mái tóc trên đầu Thoa ngắn cũn cỡn. Trinh không kìm nổi:
– Em! Em thật quá đáng! Mới đi làm được vài tháng trời đã học đòi, có con rồi mà ăn mặc thì lố lăng, tóc tai thì cũn cỡn chả ra làm sao!
Thoa đỏ mặt:
– Quá đáng! Quá đáng nhưng tôi chưa đi đánh đĩ theo trai là được rồi!
Đêm ấy Trinh không ngủ. Trinh nhận thấy vợ mình không còn như xưa, đã thay đổi quá nhiều, giữa hai người đang hình thành một cái hố ngăn cách quá lớn. Từ hôm ấy vợ chồng không ai nói với ai. Thoa thường đi làm về khuya, có khi đi qua đêm. Trinh có hỏi thì Thoa lại gắt gỏng:
– Phải trực đêm! Muốn kiểm tra thì lên đấy mà kiểm tra chứ đừng có: “Lấy bụng ta, suy ra bụng người!”. Người gì mà nhỏ nhen…
Đứa con thứ ba của Trinh mới suýt soát một tuổi. Những đêm Thoa không về, Trinh phải thức cả đêm để trông các con. Rồi cũng một đêm Thoa không về nhà, sáng hôm sau ở bến xe đầu làng người ta kháo nhau:
Đêm qua Thoa bị công an tới hỏi giấy tờ khi đang ở trên xe ô tô với một người lái xe. Thoa khai với công an rằng:
– Hai người đi công tác về tới đây cách làng hai cây số thì xe bị hỏng lúc 4h30’ chiều.
Công an hỏi Thoa:
– Sao gần nhà thế mà chị không về nhà?
Thoa ấp úng:
– Em cứ tưởng rồi xe sẽ sửa được, không ngờ lại không được nên bây giờ quá khuya rồi em sợ không dám về.
Chiều gần tối đi làm về, Trinh không giữ được bình tĩnh nữa, Trinh gầm lên:
– Cô hãy giải thích cho tôi, con tôi còn đang bú mà cô nỡ ở đấy cả đêm… Vậy cô là người gì? Tôi sẽ ra nói chuyện với ông bà ngoại và lên Sở nói với chú xem thằng lái xe đó là thằng nào.
Thoa ngồi rũ rượi ở góc giường vừa khóc vừa nói:
– Anh tha thứ cho em, em là cô gái nông thôn mới đi làm nên dễ bị lừa. Mà xin anh hãy tin em đi. Thằng ấy mới chỉ hôn em thôi! Chứ chưa kịp làm gì đâu thì công an đã tới.
Trông vợ nước mắt chan hòa, Trinh vừa giận vừa thương, Trinh thấy một cái gì đó đổ vỡ trong lòng.
Trinh làm bạn với trang giấy. Còn Thoa, vợ Trinh nàng có cuộc sống riêng của nàng, khoảng cách giữa hai người ngày một lớn. Một năm sau người ta ngạc nhiên thấy Hoàng Trinh nộp đơn xin đi lao động nước ngoài.
Chẳng hiểu có phải do số Trinh “trời bắt phong trần, phải phong trần” không? Mà Trinh sang Bungari đúng vào lúc các nước Đông Âu chuẩn bị tan vỡ. ở được hai năm, sang năm thứ ba thì hai chính phủ Việt Nam và Bungari quyết định đưa hết người Việt Nam ở Bungari về nước. Gần ba năm đi tây bước xuống sân bay, trong túi Trinh có năm mươi đôla và một bản thảo thơ về:
Những bông hoa tuyết long lanh thật tuyệt
Hoa lê đào chiu chít trên cây
Những ngôi nhà cao chọc trời mây
Hay:
Cả cánh rừng vàng rực
Suối cũng vàng
Tiếng như thực như mơ
Từ sân bay về nhà nỗi lòng Trinh nặng trĩu lo sợ:
Chắc em lại nói như roi quất lòng:
Tôi sinh cái số long đong
Chồng con mà chẳng chờ mong được gì
Cũng tây tàu, cũng ra đi
Người ta một đống, mình thì tay không…!
Trinh về tới nhà lúc quá trưa, buổi chiều gần tối, Thoa đi làm về, theo sau là một người con trai dễ trẻ hơn Thoa tới bốn, năm tuổi. Người con trai ngượng ngùng chào Trinh. Thoa quay lại bảo với người con trai:
– Đi tắm rồi vào ăn cơm.
Nói xong Thoa vào nhà mở chiếc tủ lấy quần áo đưa cho người ấy ra giếng tắm. Người con trai tắm xong, Trinh cố làm ra vẻ tự nhiên nói:
– Tôi vừa về nhà ngày đầu tiên, mời chú đi ăn lưng cơm với gia đình cho vui.
Người con trai ngồi vào mâm, Thoa giới thiệu với Trinh.
– Đây là chú Hải vừa đi bộ đội về năm kia. Tôi xin cho chú ấy vào làm ở cơ quan tôi. Nhà chú ấy ở đầu làng.
Con gái nhỏ của Trinh bảy tuổi ngồi cạnh Trinh vừa bưng bát cơm lên vừa nói.
– Chú Hải hôm nào cũng ăn cơm ở nhà mình, tắm ở nhà mình…
Thoa trừng mắt với con gái:
– Hạnh ăn đi!
Trinh im lặng không nói gì, bữa cơm rất gượng gạo, hình như tất cả mọi người đều không được tự nhiên. Cơm xong, Hải ở lại chơi mãi tới khuya mới ra về.
Đêm ấy sau bao ngày không được nằm bên người đàn bà, lòng dục vọng như một con thú gào thét trong Trinh. Với lại Trinh cũng muốn quên đi tất cả… Trinh lao vào Thoa với tất cả bản năng ham muốn thú tính, với tất cả sức lực. Thoa nằm im để mặc Trinh muốn làm gì thì làm không hưởng ứng, song cũng không phản đối.
Sáng hôm sau Hải xuống rất sớm ngồi chờ Thoa để hai người cùng đi làm. Hai người đều có vẻ buồn, không ai nói với ai. Cũng từ tối hôm ấy cứ cơm nước xong là Thoa lại rủ con gái:
– Hạnh ơi! Đi với mẹ lên nhà chú Hải xem băng đi.
Có những hôm Thoa cố rủ cả đứa con trai lớn cùng đi. Thường thường cứ mười hai giờ đêm Thoa mới về.
Trinh biết ý mấy tối sau Trinh sang ngủ với thằng con trai.
Những ngày chủ nhật hay những tối Thoa không đi xem băng, Hải thường đến nhà Trinh ngồi chơi tới khuya mới về, hình như hai người không thể xa nhau được tới một ngày. Những lúc Hải đến, thấy Trinh buồn, con gái nhỏ của Trinh thường nắm lấy tay Trinh:
– Bố ơi! Bố đi chơi với con đi.
Hai bố con lại đi lang thang với nhau.
Chả hiểu do không kìm được lòng dục vọng thú tính, hay do cả lòng hận thù mà có đêm Trinh lại mò sang giường Thoa. Thoa từ chối thẳng thừng:
– Tôi già rồi! Sức khỏe yếu, tôi không chịu được, mong ông thông cảm. Nếu có thì vài tháng một lần, hay vài năm thì càng tốt.
Trinh xấu hổ bò về giường mình: nhục nhã, đau đớn, căm hận…
Không công ăn việc làm vì cơ quan không giải quyết việc làm cho những người đi tây về. Mà tiền chỉ có năm mươi đô la chứ có nhiều nhặn gì đâu, Trinh đã tiêu hết vào việc mẹ Trinh ốm nằm viện hàng tháng nay. Bát cơm Trinh bưng lên ăn hàng ngày là do Thoa kiếm. Trinh cắn răng chứng kiến: Thoa và Hải hàng ngày… Còn biết nói gì được nữa?
Mẹ Trinh bệnh đã bớt, bác sĩ cho bà về nhà để chữa bệnh ngoại trú. Đưa mẹ về tới ngôi nhà của mẹ, rồi chia tay mẹ ra về, Trinh cố giấu những giọt nước mắt:
Mẹ ơi! Mẹ hãy tha lỗi cho con nếu lần sau mẹ vào viện con không hầu hạ mẹ được… Vì lúc ấy con đâu có còn trên cõi đời này nữa. – Trinh thầm nói như vậy!
Vét tất cả tiền còn lại Trinh mua được bốn mươi viên thuốc ngủ… Trinh muốn vui chơi với các con vài ngày trước khi đi xa mãi mãi.
Chẳng hiểu có phải do trời chưa muốn cho Trinh được hết kiếp này không? Mà ra viện được một ngày, bước sang ngày thứ hai mẹ Trinh bệnh cũ lại tái phát, đưa vào viện được ba tiếng thì bà qua đời. Trước khi qua đời bà nhắn với những người xung quanh rằng: Bà cho Trinh căn nhà mà bà đang dưỡng bệnh ấy, Trinh hãy dọn xuống mở cửa hàng bán cái gì đấy mà sống…!
*
*   *
Vừa đạp xe đạp vừa nghĩ miên man, tới đầu cầu Long Biên, Hoàng Trinh mới bừng tỉnh:
Đã hai giờ chiều, những xe bắp cải, xu hào, cà rốt, xúp lơ, cả những chú gà mổ nhau chí chóe ở trong lồng chắc vì lồng chật quá, tất cả hối hả qua cầu để vào thành phố. Những cành đào, cành quất, những người vừa bán hết hàng trong thành phố ra về đi ngược trở lại kháo nhau về loại hàng này bán được, loại hàng kia bán chậm. Tiếng ai đó xuýt xoa… mình đã trót bán rẻ, bán hớ mất rồi.
Hoàng Trinh đạp xe tới giữa cầu, gió lành lạnh, mưa bay lất phất, sông Hồng ẩn hiện sau làn mưa bụi như chiếc khăn khổng lồ mềm mại vắt trên vai thành phố. Xuống cầu, Trinh rẽ vào phố Hàng Đậu tới vườn hoa Hàng Đậu, Trinh muốn vào chợ mua một cành đào về cắm ba ngày tết, tiện thể ngắm chợ hoa. Tuy là người ven đô, nhưng cuộc sống xô đẩy có mấy khi Trinh có thời gian đi ngắm chợ hoa đâu.
Chợ hoa năm nay không như mấy năm trước chỉ họp ở phố Hàng Lược và mấy phố kề bên. Năm nay chợ họp tràn ra cả vườn hoa Hàng Đậu. Đào quất năm nay được mùa. Những cây quất hình tháp cao dễ bằng đầu người, quả sai lúc lỉu mới có bốn, năm chục nghìn mà người ta vẫn dè bỉu chê đắt. Những cây đào thế uốn công phu dáng đẹp, rồi những cành đào tròn tán, nhiều tua sai nụ. Những hạt mưa bụi li ti đậu trên các cành đào thắm, đào phai làm cho Trinh sực nhớ tới hai câu thơ:
Trăm hoa được người ngã giá
Mưa thầm khóc giọt đào phai
Người mua trả, người bán nhận tiền, còn những cành đào, tác phẩm vô giá của trời đất kia nếu được hỏi rằng: Chúng có bằng lòng khi người ta đánh giá chúng đáng một chục ngàn, hai chục ngàn, năm mươi ngàn, một trăm ngàn không? Chắc chúng sẽ chỉ biết tủi thân… chúng sẽ chỉ biết khóc!
Nỗi buồn ở đâu tự nhiên dâng lên trong Trinh, Trinh rời chợ hoa rẽ sang Hàng Đào rồi đi về phía Bờ Hồ.
Từ bãi gửi xe ô tô trước kia vốn là ga xe điện Bờ Hồ, một người đàn ông giương ô che cho người đàn bà bế đứa con chừng hơn một tuổi trên tay, tà áo dài thướt tha dáng sao mà quen đến thế. Người đàn bà nép mình dưới ô như tựa hẳn vào vai người đàn ông. Còn người đàn ông trìu mến nhìn người đàn bà rồi thỉnh thoảng lại lấy tay cù ki đứa bé khiến nó cười rúc rích. Những lúc như thế người đàn bà ngước nhìn người đàn ông với ánh mắt say đắm. Hai người và đứa bé đi lướt qua mặt Trinh. Gần như cùng một lúc Trinh và người đàn bà ấy nhìn nhau. Trinh sững sờ thầm gọi:
-… Quỳnh!
Người đàn bà vội vã cúi xuống quay đi chỗ khác. Đi độ năm, sáu mét nàng lại quay lại nhìn Trinh ánh mắt như trách móc, như thương hại, như cảm thông! Người đàn ông vẫn không hề hay biết gì. Chỉ có đứa bé không hiểu sao lại quay lại cười với Trinh rồi giơ tay vẫy vẫy!
Kỷ niệm của bảy năm trước lại hiện về đầy đủ trong Trinh.
Ngày ấy chôn cất cho mẹ xong, Hoàng Trinh một mình dọn xuống căn nhà mà mẹ Trinh để lại ở nơi giáp ranh giữa Hà Nội và Thường Tín. Căn nhà tuy đơn sơ nhưng được cái ở ngay mặt đường quốc lộ 1A. Mẹ Trinh có nghề bán hoa sinh nhật, hoa cưới, hoa tang, Trinh liền kế tục cái nghề ấy của bà để kiếm bát cơm ăn hàng ngày, để đêm đêm có thể ngồi viết. Năm đầu sống cũng tàm tạm. Thậm chí Trinh còn lo được tiền học hành, tiền quần áo cho các con của Trinh. Bước sang năm sau thiên hạ mọc ra nhiều hàng hoa quá, những người mở hàng hoa ấy họ quyết tâm làm giàu. Còn Trinh chỉ làm để sống, vậy thì họ phải mạnh là cái chắc rồi. Mạnh phải thắng yếu, cá lớn nuốt cá bé đó là quy luật muôn đời của cái nền kinh tế thị trường mà. Với lại đang ngồi nói chuyện văn chương say sưa ai mà dứt ra được, khách đến hỏi mua hoa, Trinh nhiều lần đã trả lời:
– Các bác thông cảm! Em đang bận quá, xin các bác đi hàng khác mua hộ, lần sau mời các bác đến mua giúp em.
Vài lần như thế khách chán, về sau làm ra không bán được lỗ vốn, Trinh đành phải giải nghề. Nhưng còn cuộc sống? Ăn bằng gì? Trinh suy tính nếu ngăn từ đầu giường của trinh trở ra làm một phòng nho nhỏ thì có thể cho thuê được. Trinh bắt tay vào ngăn nhà rồi treo bảng cho thuê cửa hàng.
Mấy ngày sau có một người con gái độ tuổi hai hai, hai ba đến thuê mở cửa hàng uốn tóc nam nữ. Hai bên thỏa thuận giá cả với nhau rất nhanh chóng, đôi ba câu là đã thống nhất xong.
Một tuần sau người con gái có tên Quỳnh ấy dọn đến. Trinh ở phòng trong đọc sách, viết bài chỉ ló ra ngoài khi phải mua chiếc bánh mỳ ăn trưa, gói mì tôm ăn tối. Nói chung việc ai người ấy làm… không quan tâm!
Của đáng tội nói thì nói thế thôi, Quỳnh thế nào thì không biết, chứ còn Trinh những buổi viết bài xong được ông bạn đọc OTK cho, rồi có đôi ba lời khen tâm đắc… gãi đúng chỗ ngứa ngây ngất, Trinh và bạn, hai người sang hàng bên nhâm nhi chén rượu với lạc. Men rượu kích thích lòng người, có lúc từ hàng bên Trinh nhìn về nhà kín đáo quan sát Quỳnh. Trinh nhận ra Quỳnh đẹp thật: Dáng người mềm mại, Quỳnh hay cặp tóc cao lên tận đỉnh đầu cho gọn, những lúc ấy Quỳnh hơi cúi xuống để lộ ra chiếc cổ trắng ngần. Mười ngón tay thanh tú nhẹ nhàng khéo kéo luồn vào mái tóc đen nhánh với chiếc nơ màu hồng kẹp ở kẽ hai ngón tay, tất cả tương phản tô điểm cho khuôn mặt trái xoan với đôi mắt hơi buồn của Quỳnh. Gặp những buổi tối không có khách, Quỳnh ngồi một mình dưới ánh điện, tóc để xõa xuống đôi bờ vai căng tròn, đôi mắt như nhìn đi đâu xa lắm. Một lần, hai lần, ba lần, có lần kín đáo ngắm Quỳnh, hơi men ngây ngất trong lòng Trinh bỗng dâng lên một niềm khao khát mãnh liệt.
Trinh xúc động viết bài thơ:
thần vệ nữ
Dưới ánh điện lung linh
Tỏa sáng căn phòng
Thần vệ nữ
        mắt buồn…
                 mênh mông
Hàng mi dài im phăng phắc
Mái tóc huyền ôm lấy bờ vai
ở ngoài:
Một tên ăn trộm
Bối rối
Thèm khát
                 ước mơ
Hàng giờ đứng lặng…
Hôm sau Trinh đọc bài thơ cho bạn nghe, không ngờ ở phòng ngoài Quỳnh cũng chú ý. Rồi tiếng Quỳnh vọng vào:
– Chú Trinh tặng cô gái nào bài thơ ấy thì cô ấy chết luôn…!
Bạn Trinh nhanh nhảu:
– Thế tặng Quỳnh, Quỳnh có chết… không?
Tiếng Quỳnh cười khúc khích:
– Không! Cháu thì không, vì cháu sợ cái tài cưa gái của giới văn nghệ sĩ lắm!
Trinh chán nản nói vọng ra:
– Đúng, sợ là phải! ở bên những người như chú, Quỳnh phải đề phòng!
ở ngoài hình như có tiếng Quỳnh thở dài khe khẽ.
Trinh hơn Quỳnh đến mười sáu, mười bảy tuổi. Tối, Quỳnh về nghỉ ở nhà một người họ xa trên thị trấn Văn Điển. Quỳnh đẹp kiêu sa, hơi lạnh lùng, khiến nhiều người khách nam giới sau khi buông lời chòng ghẹo bị Quỳnh dừng tay kéo, tay lược lại rồi nhìn thẳng vào mặt:
– Nói gì? Em cho nói lại!
Là lại phải ngoan ngoãn ngồi nói những lời lịch sự.
Hương, con gái lớn của Trinh xuống thăm Trinh ngồi ở phòng ngoài, chả hiểu Quỳnh nói chuyện gì với Hương mà lâu thế, gần hết buổi sáng. ở phòng trong Trinh chỉ nghe thấy loáng thoáng đôi lần tiếng Quỳnh thở dài, rồi nói khẽ:
– Thật khổ!
Đợi lâu quá, nóng ruột, Trinh từ phòng trong bước ra ngạc nhiên thấy Quỳnh và Hương, con gái của Trinh hai mắt đỏ hoe. Hình như họ vừa khóc!
Ăn cơm trưa xong con gái Trinh chào Trinh rồi ra về. Cũng từ hôm ấy, Quỳnh hay lân la gợi chuyện văn thơ với Trinh, hay mượn sách để đọc, nhất là những bài viết của Trinh in trên các báo. Thậm chí đòi mượn cả những bản thảo của Trinh cả cũ lẫn mới để đọc. Rồi cũng từ hôm ấy, Quỳnh hay cứ gần trưa là đi mua bánh mỳ cho Trinh và nói:
– Chú ạ! Cháu ra cửa hàng tiện mua hộ chú bánh mỳ luôn để chú khỏi mất công đi.
Trinh trả tiền, Quỳnh chỉ cười không lấy, hai ba lần đều như vậy. Đến lần thứ tư Trinh nghiêm nét mặt:
– Nếu thế mong Quỳnh từ lần sau đừng mua hộ chú nữa.
Quỳnh cúi mặt, mắt chớp chớp:
– Chú! Cháu mua hộ chú rồi cuối tháng cháu trừ vào tiền cháu thuê cửa hàng mà.
ít hôm sau, Quỳnh bắt Trinh phải ăn cơm, mấy hôm đầu Quỳnh đi mua ở hàng về, sau Quỳnh bảo Trinh cứ bỏ xoong nồi ra, lúc nào ít khách Quỳnh nấu hai người cùng ăn cho vui. Của đáng tội dù Trinh có muốn không đồng ý cũng không được. Vì trên đường đến cửa hàng, Quỳnh đã mua đầy đủ mọi thứ. Những hôm Quỳnh đông khách Trinh cũng biết ý buông bút đứng dậy đi nấu cơm. Tới bữa vừa ăn Quỳnh vừa mủm mỉm cười, nói:
– Nấu cơm! Tay nghề cũng được đấy, thế mà lại có người không ăn nổi… kể cũng lạ.
Hơi đỏ mặt, im lặng, Trinh thầm hiểu Quỳnh định nói tới ai…
Trinh tập trung vào viết và tuyển chọn cho xong bản thảo đọc và chữa lỗi chính tả, tới bữa, Quỳnh lặng lẽ đứng lên đi nấu cơm. Bữa cơm hình như nhiều thịt, nhiều trứng hơn ngày thường một ít.
Nhiều tờ báo đã đăng những bài bàn bạc về những tác phẩm đã xuất bản của Trinh. Rồi những tờ báo lớn của Hội Nhà văn Việt Nam như “Tạp chí Tác phẩm mới”, “Báo Văn nghệ” cũng nhận được rất nhiều thư từ các nơi, đọc những bức thư ấy có lúc Quỳnh xúc động đến nghẹn ngào.
Hoàn thành tuyển chọn xong bản thảo và bài viết quan trọng sau cùng bổ sung cho cuốn phê bình và tiểu luận, Trinh kiệt sức lăn ra ốm, tới mức mắt chỉ nhìn thấy lờ mờ. Có những lúc do thần kinh hoảng loạn, Trinh không nhận ra nổi người thường đến trò chuyện văn chương với mình. Anh bạn hoảng quá, vội phóng xe máy về quê báo tin cho vợ con Trinh biết. Nhưng chỉ có đứa con gái và con trai xuống, vừa khóc vừa đưa bố đi bênh viện. Sau này, Trinh mới biết lúc Trinh vào viện cũng là lúc vợ Trinh, Thoa đang đau khổ vì người con trai có tên là Hải kia đã bỏ nàng đi lấy vợ. Trinh còn được biết ít lâu sau Thoa bắt bồ với người trưởng phòng cũ của nàng.
Nằm viện được gần một tháng, Trinh xin ra viện về nhà mang theo bài thơ:
nếu tôi được nghỉ
Ôi cuộc sống!
        tôi đã đi
                 đi nhiều
                           đã mệt!
Nếu ngày mai mà tôi được nghỉ
Xin cho tôi được nghỉ… ở quê hương
Để lại được sống trong tình thương của mẹ
Luôn rầy la…
                 nhưng lòng có thế đâu
Lại tìm được những câu thuở ấy
Em ngây thơ
                 tôi nói bâng quơ…
Rồi những lúc khổ đau buồn ly biệt
Đỏ sân trường
        phượng đỏ
                 phút chia tay
Nhưng lại sợ… lại sợ
                           có những khi
Trước mộ tôi không cầm lòng em khóc
Chồng em tay bối rối… một bó hoa.
Đọc xong bài thơ, Quỳnh cầm lấy tay Trinh còn mệt đang nằm ở trên giường, đôi mắt Quỳnh ngấn lệ:
– Đừng nghĩ thế! Đừng viết thế! Những người như anh phải sống, không được chết! Nhất định sẽ có một ngày anh hết khổ. Rồi Quỳnh chạy ra phòng ngoài, Trinh nghe tiếng Quỳnh khóc khe khẽ. Lần đầu tiên Trinh thấy Quỳnh gọi mình bằng anh.
Rồi tất cả sẽ không có gì xảy ra nếu sau đó hai hôm Trinh không lên cơn sốt và trời không đổ mưa.
Hôm ấy đang nắng cháy da cháy thịt tới năm giờ chiều, trời bỗng nổi gió rồi đổ mưa.
Mưa! Mưa mãi không tạnh. Lâu lắm mới có một buổi tối trời mưa mát mẻ thế, nên các hàng bên đóng cửa đi nghỉ sớm. Đã mười giờ rồi, ngoài đường không người qua lại, chỉ thỉnh thoảng mới thấy tiếng ô tô chạy vội trong mưa.
Cặp nhiệt độ cho Trinh, nhìn vào chiếc cặp nhiệt độ xong, Quỳnh tỏ ra rất lo lắng, im lặng ngồi bên giường nhìn vào khuôn mặt hốc hác thâm quầng đang thiêm thiếp của Trinh, Quỳnh suy nghĩ điều gì như có vẻ quyết liệt lắm. Bỗng mắt Quỳnh sáng lên, Quỳnh đứng phắt dậy đắp chăn cho Trinh rồi ra phòng ngoài khóa cửa lại. Khóa cửa xong Quỳnh nhẹ nhàng vào nằm bên cạnh Trinh.
Đêm ấy khi dứt cơn sốt, tỉnh lại Trinh thấy mình đang nằm trong lòng một người con gái. Ngây ngất vì mùi thơm của những sợi tóc vương trên mặt, đê mê say đắm vì hương vị của thịt da, tay Trinh run run bật từng chiếc cúc áo của người con gái. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ, bộ ngực căng tròn, trắng ngần hiện ra trước mắt Trinh. Trinh mê đi, úp mặt vào ngực người con gái ấy, nàng dịu dàng vuốt tóc Trinh rồi hôn lên đó.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Trinh ngơ ngơ ngác ngác thấy mình nằm một mình, nhớ lại những gì đêm qua Trinh bồi hồi xúc động, cầm bút viết bài thơ:
hoa quỳnh
Ngại ong, trốn bướm nở về khuya
Hương sắc trắng ngần chẳng muốn chia
Một phút nghĩ thương người thi sĩ
Nên cho, cho hết một đời hoa
Một lát sau, Quỳnh xách một túi thức ăn về bước vào, bốn cặp mắt gặp nhau, hơi đỏ mặt, vẻ bẽn lẽn, Quỳnh hỏi Trinh:
– Anh đã dậy rồi đấy à?
Trinh giơ tay kéo Quỳnh ngã vào lòng mình rồi hôn tới tấp lên mặt Quỳnh. Hôn xong Trinh đưa Quỳnh xem bài thơ mà Trinh vừa viết. Quỳnh đọc rồi òa khóc, gục vào ngực Trinh nói qua làn nước mắt:
– Em mãn nguyện lắm rồi! Em không còn phải ân hận gì nữa, vì anh đã biết cho em, đã hiểu cho việc làm của em.
Trinh lau nước mắt cho Quỳnh rồi hôn say đắm lên đôi môi của nàng.
– Quỳnh ơi! Bây giờ anh mới biết thế nào là tình yêu đích thực, thế nào là trinh tiết của một người con gái mà mình yêu! Em có tin thế không?
Nép đầu vào ngực Trinh rồi ngước mắt lên, Quỳnh nhìn vào mắt Trinh:
– Em tin anh ạ!
Cứ thế một năm, rồi hai năm, thời gian sống bên Quỳnh, Trinh cứ tưởng là mình đang mơ, những giấc mơ say đắm, những tình cảm nồng nàn đầy ắp cả một tập bản thảo thơ khá dày dặn của Trinh.
Tới một hôm được tin bà bác ruột của Trinh qua đời, Trinh phải về chịu tang. Quỳnh chuẩn bị mọi thứ cho Trinh. Lên xe, Trinh còn quay lại dặn với:
– Xong ba ngày anh sẽ về ngay Quỳnh ạ!
– Vâng ạ! Anh đi đi.
Trinh ngạc nhiên thấy hình như Quỳnh khóc…
Xong việc đám tang Trinh vội đạp xe về nhà. Trên đường về, vừa đạp xe Trinh vừa nghĩ:
Gặp Quỳnh chắc sẽ vui lắm. Trinh sẽ hỏi Quỳnh vì sao hôm Trinh đi Quỳnh lại khóc.
Về tới nhà, thấy nhà khóa cửa Trinh nghĩ trong lòng:
Ơ hay, Quỳnh đi đâu mà hôm nay lại đóng cửa hàng?
Thấy Trinh đứng tần ngần ở cửa, người hàng xóm chạy sang đưa chìa khóa cho rồi nói:
– Cô Quỳnh, cô ấy dọn đi rồi! Cô ấy dặn tôi đưa chìa khóa cho chú.
Mở cửa, Trinh chạy bổ vào trong nhà. Phòng ngoài trước là cửa hàng uốn tóc của Quỳnh nay đồ đạc trống trơn. Phòng vẫn y nguyên, chỉ có khác là trên bàn có một bông hồng màu đỏ đè lên một bì thư. Trinh vồ lấy thư mở ra đọc:
Anh yêu thương!
Em biết anh sẽ bị bất ngờ khi em ra đi. Anh sẽ hỏi:
Tại sao yêu nhau đến thế, hạnh phúc đến thế mà lại chia tay?
Anh ơi, ở trên đời hạnh phúc và danh dự cái gì quý hơn, cần thiết hơn? Hơn ai hết anh là người biết rất rõ điều ấy:
Có hạnh phúc phải có cả danh dự nữa thì hạnh phúc mới trọn vẹn.
Em biết anh là người rất coi trọng danh dự của mình. Hơn nữa, anh rất khổ tâm khi làm tổn thương đến danh dự của người khác. Em biết vì cứ mỗi khi em đề nghị:
– Chúng ta hãy có con với nhau đi anh!
Thì anh lại nói:
– Em ơi! Nhỡ sau này chúng mình không chính thức thành vợ, thành chồng, nếu có con anh sẽ làm tổn hại đến danh dự của con và cả em nữa. Em thì đã đành rồi, nhưng còn con? Biết nó sẽ nghĩ thế nào? Nó có thông cảm với chúng mình không? Những đêm ấy tưởng em ngủ rồi anh thường lặng lẽ dậy hút thuốc.
Em biết anh yêu em thật lòng, không một phút giây giả dối! Song còn những đứa con của anh, anh cũng muốn các con anh phải có cả bố lẫn mẹ để đảm bảo danh dự cho chúng bước vào đời khỏi thua chị, kém em. Giữa em và các con của anh, anh yêu tất cả, anh muốn bảo vệ cho tất cả. Nhưng anh ơi! ở trên đời đâu có cái gì được trọn vẹn tất cả hở anh?
Anh ơi! Em yêu anh cũng là muốn làm cho anh hết khổ. Nay em ra đi cũng vì lẽ ấy. Anh có hiểu cho em không? Anh khổ vì không lựa chọn nổi, vì thế em sẽ giúp anh lựa chọn bằng cách ra đi. Để anh không còn phải những đêm dậy giấu em ngồi hút thuốc. Sáng ra trông anh phờ phạc, mắt anh thâm quầng. Nhìn anh, em thương lắm, nhưng em không biết nói thế nào anh ạ!
Anh yêu thương của em!
Em đã nhiều lần muốn ra đi, nhất là thời gian gần đây, song chia tay với anh khó quá. Em biết nếu có anh ở nhà em cũng không có đủ can đảm để ra đi, mà anh cũng chẳng đời nào để em đi. Vì thế em phải chọn thời điểm mà anh vắng nhà. Hôm anh đi đưa đám tang, nhìn anh lần cuối cùng em đã cố giấu đi những giọt nước mắt.
Anh vô vàn thương yêu của em ơi!
Sau này dù cho em có lấy ai đi chăng nữa, thì trái tim em, em đã để lại ở trong lồng ngực của anh rồi, nó sẽ mãi mãi ở đấy anh ạ!
Vĩnh biệt anh!
TB: Đêm anh hay sốt, anh đừng có ra ngoài kẻo lạnh thì khốn. Thuốc bệnh em mua để ở chỗ mọi khi. Tiền ăn em cũng đã chuẩn bị cho anh. Mong anh giữ gìn sức khỏe, ấy là anh thương em.
Đừng tốn công đi tìm em, anh nhé! Hãy nghe lời em!
Trinh bàng hoàng:
Không! Không thể như thế được! Không thể mất Quỳnh. Trinh bổ đi tìm hết ngày này qua ngày khác, lân la… dò hỏi… khắp nơi. Lúc về, nhìn vào chỗ nào cũng thấy đầy những kỷ niệm về Quỳnh. Quỳnh thường ngồi ở đây… đây chiếc gối này đêm đêm Quỳnh đã… trong giấc ngủ Trinh cũng thấy Quỳnh:
Có phải đêm qua em lại về
Hay là nhớ quá nên nằm mơ
Hương vẫn ấm, sao gối lạnh
Ai biết lòng ai phút ấy không?
Một tháng, hai tháng rồi ba tháng vẫn không có tin tức gì của Quỳnh, Trinh như người phát điên. Nhiều lúc Trinh tự làm khổ mình bằng những ý nghĩ:
Rồi Quỳnh sẽ đi lấy chồng, đôi môi của Quỳnh, đôi môi ấy là của Trinh. Ai sẽ… hôn lên đó? Bàn tay nào sẽ vuốt lên tóc… Tuyệt vọng, Trinh uống rượu, càng uống càng tưởng tượng, càng tưởng tượng càng đau khổ, càng tuyệt vọng. Trinh ôm mặt khóc. Một hôm anh bạn bắt gặp, anh không trách. Anh với tay lấy chén tự rót cho anh một chén rồi hai chén… uống trong im lặng, chả biết tới chén thứ bao nhiêu thì anh lảo đảo đứng dậy, cầm lấy cái mũ đội lên đầu rồi liêu xiêu đi ra cửa. Ra tới cửa, anh bỗng quay lại rồi ngồi xuống vỗ vào vai Trinh, anh nói:
– Ông thật hạnh phúc vì ông được đau khổ. Ông viết đi, ở đâu đó Quỳnh sẽ đọc, Quỳnh sẽ hiểu ông hơn. Quỳnh đã làm tất cả vì yêu ông, ông cũng hãy vì yêu nàng mà làm cho nàng một việc. Một việc thôi, đó là cố mà quên… nàng đi. Nếu nàng biết ông luôn luôn thế này, nàng sẽ đau khổ biết bao. Liệu những ngày còn lại của đời nàng, nàng có hạnh phúc được không? Hãy cắn răng mà chịu!!!
Rồi anh lảo đảo đứng dậy ra về để mặc cho Trinh ngồi như chết ở giữa nhà.
Quỳnh ra đi đã được bốn tháng, bỗng một hôm Trinh nhận được thư Quỳnh:
Anh thương yêu!
Thời gian qua em biết anh đã đi tìm em. Anh đã đau khổ… Anh ơi! Em cũng vậy, có những lúc nhớ anh quá, em muốn chạy ù về với anh. Để lại được nằm trong vòng tay của anh, song em đã kìm được.
Anh thương yêu của em!
Lúc ra đi em đau khổ quá, nên quên không nhớ rằng mình chưa để lại tấm ảnh nào cho anh. Nay em gửi tấm hình này của em cho anh, để lúc nào buồn quá, anh hãy trò chuyện với nó, như trò chuyện với em khi xưa. ở xa em sẽ biết anh ạ.
Vĩnh biệt anh yêu!
Trinh ôm bức ảnh vào lòng. Đêm ấy Trinh ngồi ngắm bức ảnh cho tới gần sáng rồi cầm bút viết:
trước tấm hình em
Vũ trụ đã đi ngủ rồi
Cả những vì sao
Đêm nay cũng không còn thức nữa
Chỉ còn lại hai chúng mình
Sao em vẫn không nói… lặng im
Đôi mắt buồn
Em nhìn đi ở tận đâu?
Hỡi em yêu dấu
Nói đi nào sao cứ­lặng im
Nói đi mà
Sao em cứ
                 lặng im!!!
Quỳnh ơi!
Bốn năm rồi hôm nay mới được gặp Quỳnh. Gặp nhau trong im lặng…
Hoàng Trinh nhìn mãi theo bóng người đàn ông che ô cho người đàn bà bế đứa con trên tay đi về phía chợ hoa, khuất dần vào mưa bụi.
Không còn lòng dạ nào mà ngắm phố phường, Trinh thất thểu đạp xe về nhà. Qua chợ Mơ, Trinh chỉ dừng lại ít phút mua một cành đào nho nhỏ.
Trời đã quá chiều, nghe tiếng chó sủa, Thoa ra ngõ mở cổng thấy Trinh cầm cành đào trên tay, Thoa nhìn Trinh bằng đôi mắt vô cảm!
Đêm ấy Trinh không ngủ được, vùng dậy ngồi vào bàn, Trinh viết bài thơ:
con sóng bạc đầu
Chắc! Nước mắt của con người
Triệu triệu năm tích thành biển cả
Thành…
       những con sóng bạc đầu
Mang nỗi đau, thét gào lao vào vách đá.
Cho tan mình
                 tan cả nỗi đau
Những con sóng bạc đầu
Những nỗi khổ đau…
                          muôn đời
                                    vẫn thế!
vĩ thanh:
Quỳnh ơi!
Mùa xuân một thoáng gặp nhau để rồi thức dậy những kỷ niệm về cả một phần đời đã sống!
Quỳnh ở đâu? Nếu có đọc những dòng này xin hãy tha thứ cho Trinh. Không phải Trinh viết nhằm gợi lại nỗi đau cho Quỳnh và cho Trinh. Mà vì chính những nỗi đau ấy là muối đắng của cả cuộc đời để trái tim người nghệ sĩ chưng cất thành những tác phẩm văn học dâng cho đời như ngày xưa Quỳnh đã nói với Trinh.
Quỳnh ơi!
Trinh đã bán căn nhà mà ngày xưa chúng mình đã từng sống bên nhau rồi Quỳnh ạ. Phần để lấy tiền in những tác phẩm mà Trinh đã viết, phần để khỏi phải hàng ngày trông thấy những kỷ niệm… xưa. Quỳnh ơi! Trinh thành tâm mong Quỳnh được hạnh phúc ở nơi người đàn ông đã thương Quỳnh.

 

Đón mùa xuân đầu tiên
của thế kỷ 21