NỖI LÒNG XIN ĐƯỢC GIÃI BÀY
(Hay là thư ngỏ gửi…!)

 

Kính gửi các bậc phụ huynh học sinh, các thày cô giáo, các nhà biên soạn sách giáo khoa, hội đồng lý luận hội nhà văn, hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương.
Như ai cũng biết các nhà văn, nhà thơ sinh ra ở thời đại nào thì được chứng kiến những diễn biến, những biến động của thời đại ấy. Trong lòng vốn thường trực một lòng yêu ghét nóng bỏng, lòng khát khao vươn tới cái đẹp (Chân, Thiện, Mỹ) các nhà văn, nhà thơ họ không thể không cầm bút để phát biểu về thái độ của mình trước những diễn biến, biến động của xã hội và cuộc sống hàng ngày. Bằng ngôn ngữ chữ viết, họ (các nhà văn, nhà thơ) trải lòng mình trên trang giấy thông qua các hình ảnh, hình tượng mà họ xây dựng nên.
Vậy nên chúng ta những người đọc tác phẩm cũng chỉ được căn cứ vào những hình ảnh hình tượng mà ngôn ngữ trong tác phẩm chuyển tải để hiểu tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ chứ không nên Bịa thêm vào, núp dưới cái gọi là “Đọc một cách sáng tạo” để rồi mà suy đoán tán ra… có lúc tới mức xa rời cả nội dung vốn có của tác phẩm.
Thấm nhuần và trung thành với nguyên tắc vừa nêu ở trên tôi đã phát biểu sự hiểu của tôi về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tôi đã chỉ ra và chứng minh một cách rõ ràng rằng “Khuôn mặt chữ điền” trong bài thơ là khuôn mặt của Hàn thi sĩ. Bài viết đã được đăng trên một số tờ báo của trung ương và địa phương từ năm 1997 như: Báo Người Hà Nội, tạp chí Tác phẩm mới (nay là tạp chí Nhà Văn), tạp chí Cửa Việt và đã in thành sách từ năm 1999, cuốn sách ấy đã được dư luận khá chú ý. Kết thúc bài viết “Lối vào bài thơ đây thôn Vĩ Dạ” mà tôi vừa đề cập đến có những dòng: “Viết xong những dòng trên, tôi như người vừa tỉnh ra sau “một cơn say” kéo dài và tự hỏi – Ta vừa vào được “thôn Vĩ Dạ” bằng “lối ấy”, liệu có ai tìm được “lối vào khác” mơ mộng hơn chăng?”. Hơn 13 năm nay đáp lại câu hỏi đó chỉ là sự im lặng… tưởng như vô tận!
Và người ta vẫn mặc nhiên giao giảng cho các em học sinh “khuôn mặt chữ điền” có thể là khuôn mặt của cô Hoàng Thị Kim Cúc, cũng có thể là của những người nông dân ở thôn Vĩ Dạ và thậm chí cũng có thể là của cô gái lái đò trên dòng sông Hương. Đến đây tôi bỗng nhớ tới câu nói của M.Luther King, ông nói: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Có phải chỉ riêng bài “Đây thôn Vĩ Dạ” thôi đâu, còn những bài như bài “Chiều tối” của Bác Hồ chả nhẽ lại vẫn để giảng như cũ ư? Rồi còn bài “Cây chuối” của Nguyễn Trãi, ba bài “Thơ thu” của Nguyễn Khuyến cũng không bổ sung gì sao? Và không thể bỏ qua được bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế đã có từ hơn 1000 năm nay. Trung Quốc ở cái nơi mà sinh ra nó người ta vẫn còn lơ mơ chưa hiểu… được, vậy mà chúng ta hiểu được, hiểu đúng. Vậy tại sao chúng ta không dám lấy tự hào để giảng cho học sinh của chúng ta. Còn nữa cái phức tạp trong bài “Thề non nước” của Tản Đà, “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, cái tinh tế của đoạn văn “Kim Trọng trở lại vườn Thúy” của Nguyễn Du cũng không bổ xung gì? Vẫn giảng như cũ sao? Và còn nhiều bài nữa không thể nêu hết ra đây được, xin mọi người hãy bớt chút thời gian tìm đọc cuốn “Cảm nhận thi ca”, in lần thứ 2 thì sẽ rõ.
Ôi! 13 năm đã trôi qua, nếu lại thêm một lần 13 năm nữa là bao nhiêu nhỉ? Bao nhiêu thế hệ học sinh đã phải học theo cái kiểu suy đoán tán thơ để ra trường?
Vì tương lai các em học sinh trong đó có cả con cháu của tôi, và cũng vì đã liều thì ba bảy cũng liều tôi xin phép được đặt ra ba câu hỏi với:
1. Các bậc phụ huynh học sinh nếu ai đã đọc cuốn sách này (cuốn Cảm nhận thi ca) mà vẫn yên tâm để con cái của mình học “như cũ” thì có thấy trách nhiệm của mình với con của mình là hơi thiếu không?
2. Các thầy cô giáo những người có đủ trình độ để phân biệt được đúng sai mà sau khi đọc cuốn sách này (cuốn Cảm nhận thi ca) vẫn im lặng… vẫn giảng “như cũ…” về các bài thơ đã nêu thì liệu tối về có ngủ ngon giấc được không?
3. Các nhà biên soạn sách giáo khoa mà sau khi đọc cuốn sách này (cuốn Cảm nhận thi ca) vẫn vì một lý do nào đó ví như: Lòng sĩ diện nghề nghiệp, “chả nhẽ” ta học hàm, học vị đã là giáo sư tiến sĩ rồi mà lại không tìm ra… không nghĩ ra… mà lại sai ư? Rồi lờ đi vẫn soạn gần như cũ. Xin hỏi nếu mà như thế thì các vị không sợ là có tội với hàng chục thế hệ học sinh đã học và sẽ học sách của các vị ư? ( Sau khi in cuốn Cảm nhận thi ca lần thứ nhất năm 1999 tác giả đã đến tận phòng bảo vệ của Nhà xuất bản Giáo dục gửi tặng ban giám đốc cuốn sách trên. Khi tái bản lần thứ 2 cuốn sách tác giả cũng đến phòng hành chính lúc đó đặt ở khách sạn đối diện với Nhà xuất bản để chuyển tặng: Ban giám đốc và hội đồng biên soạn sách giáo khoa, thời gian vào năm 2006).
Đã biết rằng ở đâu đó đã có câu nói: “Ai cũng muốn rằng chân lý đứng về phía mình nhưng không phải mọi người lúc nào cũng sẵn sàng tình nguyện đứng về phía chân lý”. ấy vậy mà tôi vẫn tin rằng: Cái hay, cái đẹp trước sau cũng sẽ chinh phục được mọi người!
Về lý luận văn chương xin được thưa rằng vào khoảng năm 2003 đến 2005 đã có một số người cho là “Lý luận văn chương đang khủng hoảng” mất rồi. Nhưng đời sống thực tế của văn chương đã chứng minh không phải như vậy. Nay lại được nghe thấy từ ở các cuộc họp cấp cao nhất của văn chương người ta nhận định là: “Lý luận văn chương đang tụt hậu so với đời sống văn chương”. Vậy có đúng thế không? Muốn biết ta phải xem thế nào là “Lý luận” cái đã, và đâu chỉ đơn thuần là đặc điểm phát triển của văn chương trong từng giai đoạn thời gian cụ thể.
Lý luận là gì?
“Lý luận là những vấn đề được rút ra từ thực tế, được đúc kết từ thực tế. Nó có tác dụng chi phối, có tác dụng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của thực tế ấy”.
Và tất nhiên trong thực tế lý luận có những lý luận cơ bản (thường ôm chứa những quy luật cơ bản) và không cơ bản (quy luật bộ phận).
Ví như: “Chân, thiện, mỹ vừa là cái đích vừa là bộ luật tối cao của loài người”. Điều đó đã chi phối loài người từ khi được sinh ra cho tới ngày nay và mãi mãi về sau mặc cho loài người có nhận ra hay không nhận ra. Điều vừa nêu đó là “Lý luận rút ra từ…” nó vừa có tính chất điển hình lại vừa có tính phổ cập (phổ biến).
Văn chương cũng khát khao vươn tới chân, thiện, mỹ nên nó cũng bị điều lý luận ở trên chi phối tác động. Vậy thì văn chương và lý luận đều vẫn vậy đấy chứ, có “tụt hậu” gì đâu? Ngoài ra lý luận văn chương Việt Nam còn làm rõ ràng được những điều mà “Trước đây người ta hay mang ra hù dọa lẫn nhau” (bởi vì họ chưa hiểu) như: Thơ xuất phát từ ý thức hay từ vô thức; nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh; văn chương và hiện thực; chính trị và văn chương; hướng tới một nền thi ca chung của nhân loại; chân thiện mỹ vừa là cái đích vừa là bộ luật tối cao của loài người (xin đọc cảm nhận thi ca).
Còn về đặc điểm phát triển của văn chương trong từng giai đoạn thời gian. Đã gọi là đặc điểm của từng giai đoạn… có nghĩa là giai đoạn này có, còn giai đoạn khác thì không, nghĩa là không có tính “phổ biến” như lý luận mặc dù cả hai đều được “rút ra từ thực tế”, ví dụ:
Giai đoạn thời gian từ hòa bình lập lại ở miền Bắc tới năm 1986 cả nước chống giặc ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn chương cũng vậy cũng không thể đứng ngoài được. Dòng chảy chính của văn chương ở giai đoạn này là: Xây dựng và ca ngợi những tấm gương hy sinh vì tổ quốc, hết lòng vì tập thể, sống nghèo và lành mạnh vì thế nó thiên về “ngợi ca”. Nhược điểm của văn chương giai đoạn này là đôi khi bị sa vào sáo rỗng và khuôn mẫu.
Giai đoạn từ năm 1986 đến nay cả xã hội hướng vào “hãy làm giầu cho mình và cho đất nước” vật chất đang là thước đo cho giá trị con người. Anh có năng nổ trong kinh tế không? Anh, nhà máy của anh đã đóng góp cho nhà nước được bao nhiêu tỷ đồng? Có tiền người ta có quyền hưởng thụ, đồng tiền đã và đang làm băng hoại đạo đức của từng con người, của từng gia đình đó là vấn đề nhức nhối và nổi cộm của cả xã hội ta hiện nay và các nhà văn, nhà thơ vốn lòng yêu ghét rất rõ ràng lại cầm bút để phê phán, để lên án cái sự băng hoại đạo đức đang diễn ra ấy. Vì thế trong giai đoạn hiện tại ít, rất ít có những tác phẩm “ngợi ca”.
ở trên là những đặc điểm phát triển của hai giai đoạn văn chương ở nước ta, nó chỉ là “đặc điểm” thôi chứ không phải là lý luận. Không nên nhầm lẫn rồi vội vàng cho là “Lý luận văn chương tụt hậu…”.
Lý luận là một vấn đề “hóc búa”, không thể dễ dàng mà rút ra… đã rút ra được rồi cũng không dễ dàng gì mà thống nhất được với nhau. Từ xưa tới nay, không những chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới cũng vậy, rất nhiều sách “Lý luận” được in song cũng chỉ để “lý luận” mà thôi, rất ít, rất ít những tác phẩm có ích cho văn chương. Vì biết vậy nên tôi cũng không dám nói nhiều, xin được dừng tại đây!
Còn phần dạy lý luận văn chương cho các em học sinh thì thật khó nên tôi không dám đề cập tới.

 

Mùa hè năm 2010
Tác giả kính bút
Trần Văn Lý