PHẢI CHĂNG ĐANG CÓ CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG*
Tác giả: Trần Văn Lý
Lênin lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã từng nói về lý luận và thực tiễn như sau:
“Thực tế mà không có lý luận dẫn đường là thực tế mù quáng. Lý luận mà không có thực tế là lý luận suông”.
Có lẽ vì thế mà người ta đang đi tìm một lý luận mới cho văn chương sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ chăng? Nhất là khi nhận thấy rằng: “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ còn được nhắc đến một cách dè dặt”.
Tại Hội nghị lý luận và phê bình do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ở Tam Đảo có một, hai nhà văn đã đặt ra câu hỏi:
– Phải chăng đang có cuộc khủng hoảng về lý luận văn chương?
Vì thế tôi đã mạnh dạn viết bài: lý luận văn chương chưa bao giờ khủng hoảng bài đó được báo người Hà Nội đăng cách đây năm sáu tháng gì đấy với tiêu đề (có sửa tiêu đề và cắt đi chút ít) phê bình văn chương chưa bao giờ khủng hoảng.
Nhân “Hội đồng lý luận Trung ương” đang chuẩn bị cho Hội nghị phê bình sắp tới và hội nghị lý luận văn chương vào cuối năm, ông Phan Trọng Thưởng Viện trưởng Viện văn học Việt Nam. Cơ quan mà cả nước chỉ có một, nghĩa là nó rất quan trọng. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Văn nghệ số 17 ra ngày 24-04-2004 đã khẳng định:
“… Tình trạng khủng hoảng về lý luận văn học thì đã có những dấu hiệu rõ ràng”.
Vì thế nên tôi cũng lại xin mạnh dạn phát biểu sâu thêm, rõ thêm về vấn đề: Phải chăng đang có cuộc khủng hoảng về lý luận văn chương? trước khi giải đáp câu hỏi trên đầu tiên ta phải làm sáng tỏ hai vấn đề:
a. Thế nào là lý luận?
b. Vị trí, mục đích của văn chương trong xã hội loài người?
Trước tiên xin nói về vị trí của văn chương trong xã hội loài người và mục đích của nó:
Như ta đã biết con người sinh ra không sống một mình, không thể tồn tại một mình được. Mà phải quan hệ với một nhóm người, với một cộng đồng con người. Lúc sơ khai mông muội thì cùng nhau hái lượm, săn bắn, sau này cao hơn là cùng nhau làm ra sản phẩm, cùng nhau chia những sản phẩm làm ra ấy. Cộng đồng phát triển tới mức độ nào đó thì tổ chức thành một Nhà nước. Cách sống và những quy chế của nước đó gọi là xã hội của một nước, một quốc gia. Rồi cao hơn, rộng hơn gọi là xã hội loài người gồm toàn bộ các quốc gia gộp lại.
Mặt khác, từ lúc sinh ra loài người, loài người luôn khao khát, luôn phấn đấu để mình sống đầy đủ hơn, văn minh hơn, tốt đẹp hơn.
Quá trình sinh ra và phát triển ấy của loài người, của xã hội loài người được một số người có một tố chất (năng khiếu) khác người và có một trình độ nhất định nào đấy quan sát, phát hiện rồi thể hiện bằng ngôn ngữ chữ viết trên trang giấy (đôi khi truyền miệng) thông qua tình cảm yêu ghét của chính bản thân. Sự thể hiện ấy, hình thức thể hiện ấy chính là văn chương.
Tới đây ta có thể rút ra một điều là: Văn chương sinh ra từ xã hội, nó là một bộ phận của xã hội, song nó lại có một nhiệm vụ quan sát, phát hiện để phản ánh toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người trong tự nhiên vũ trụ trên con đường hướng tới chân, thiện, mỹ.
Xin trình bày nốt phần: Thế nào là lý luận?
Xin được dẫn hai cuộc cách mạng xã hội ra làm ví dụ: Một là cuộc cách mạng tư sản ở Pháp (Công xã Pari). Hai là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga (Cách mạng tháng Mười Nga). Nhìn chung hai cuộc cách mạng ấy nhất là cuộc cách mạng tháng Mười ở Nga, phải giải quyết những vấn đề lý luận mang tính sống còn là:
1. Tìm ra, nhận ra quy luật tất yếu mà cách mạng phải nổ ra (điều kiện chín mùi để cách mạng nổ ra).
2. Mục đích của cuộc cách mạng ấy để làm gì? Mang lại quyền lợi cho ai?
3. Cách tiến hành cách mạng để giành thắng lợi.
Đó là những lý luận cơ bản của hai cuộc cách mạng kể trên, những lý luận bộ phận không cơ bản không được đi ngược lại với nó.
Qua ví dụ vừa nêu ở trên ta có thể đi tới kết luận là:
Lý luận là những vấn đề được rút ra từ thực tế, được đúc kết từ thực tế. Nó có tác dụng chi phối, có tác dụng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của thực tế ấy.
Những lý luận đúng đắn thường ôm chứa những quy luật cơ bản về sự tồn tại và phát triển của thực tế trên.
Khi đã thống nhất được thế nào là lý luận (cơ bản) quay lại ta sẽ cùng nhau đi tìm: Thế nào là lý luận cơ bản của văn chương.
Như phần trên đã chứng minh: Văn chương là một bộ phận của xã hội, do con người sinh ra để phục vụ con người, với cách phản ánh cả phần tốt và phần xấu của xã hội con người. Cộng với những suy nghĩ, những ước mơ của họ về một cuộc sống xã hội tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn tồn tại trong một thiên nhiên vũ trụ tươi đẹp và bớt khắc nghiệt (hướng tới chân, thiện, mỹ).
Vấn đề vừa nêu chính là những lý luận cơ bản của văn chương mà những lý luận bộ phận khác trong văn chương quyết không bao giờ được mâu thuẫn hay đi ngược lại.
Văn chương đã từng có những thể hiện bằng những hình thức (dòng văn học) thần thoại, ấn tượng, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại, v.v… và v.v…
Các hình thức văn chương (các dòng văn chương) như trăm con sông chảy về biển chân thiện mỹ, có con sông lớn rất lớn, có con sông nhỏ. Thậm chí còn có những con sông nhỏ tới mức chưa kịp quay đầu về phía biển, hoặc vừa mới chảy đã khô cạn. Trong các con sông ấy dòng sông lớn nhất, chảy mạnh nhất là dòng sông (dòng văn học) hiện thực. Nó có ngay từ lúc văn chương mới ra đời dưới vỏ bọc “thần thoại” rồi nó tách dần vỏ bọc ra thành dòng hiện thực chảy cho tới ngày nay và mãi mãi về sau.
Vì có một số người, thậm chí một số nước trong một thời gian nhất định đã coi một dòng văn học nào đấy là tuyệt đối. Khi dòng văn học đó teo lại hoặc không còn thích hợp nữa thì họ hoảng hốt kêu lên: Ôi! Khủng hoảng lý luận mất rồi, chứ thực ra văn chương vẫn sinh ra, vẫn hướng tới chân thiện mỹ chứ có khủng hoảng gì đâu.
Cái đích của văn chương chân chính là hướng tới chân, thiện, mỹ một cách gần như tự thân nên rất nhiều nhà văn, nhà thơ không hề biết rạch ròi về lý luận mà vẫn viết được những tác phẩm có giá trị là vì nhẽ đó. Có phải ai cũng đọc cũng biết tác phẩm của Aritxtôp hay “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp đâu, mà có đọc thì các tác phẩm ấy cũng quá sơ lược, chả giúp gì được nhiều. Nói thế không có nghĩa là hạ thấp phần lý luận. Hoặc nó là thừa mà nó rất cần thiết khi dùng để nghiên cứu thẩm định một tác phẩm, một tác giả, một giai đoạn văn học thậm chí cả một nền văn học.
Chưa thấy rõ được đâu là những lý luận cơ bản của văn chương, đâu chỉ là một bộ phận nhỏ của nó. Khi thấy ông Ôp, ông ép nào đó ở bên Tây, bên Tàu nói: “Nói đến thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cần phải hết sức thận trọng” đã vội cho rằng lý luận văn chương đang có những dấu hiệu khủng hoảng là hơi vội vàng. Nhất là câu đó lại từ miệng một người thủ trưởng một cơ quan nghiên cứu văn học thì thật là đáng lo.
Ngày 30 tháng 04 năm 2004
* Đã đăng trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 13 ngày 01-07-2004.
Phản hồi gần đây