PHẢI CHĂNG GIÁO SƯ PHƯƠNG LỰU ĐÃ NHỚ NHẦM?
Tác giả: Trần Văn Lý
Thường tôi vẫn tâm sự với bạn tôi rằng: giáo sư Phương Lựu nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Hội nhà văn Việt Nam là một người trong số ít người tôi hằng ngưỡng mộ. Khi ông viết về văn chương hoặc những vấn đề xung quanh văn chương. Nhưng khi đọc bài: “Hai chiều của mỹ học vận động” đăng trên báo Văn nghệ số 31 ra ngày 31-07-2004 tôi không dám tin vào mắt mình nữa khi ông viết: “Lênin đã từng nói cái chung nào cũng rộng hơn cái riêng. Nhưng trái lại, Lênin còn đặc biệt lưu ý bất kỳ cái riêng nào cũng rộng hơn cái chung…” dẫn chứng Lênin nói như vậy để giáo sư đi tới kết luận: “Cho nên ở đây còn có thể diễn ra một chiều ngược lại là phản tác động của phê bình đối với lý luận văn học…”.
Thưa Giáo sư, Giáo sư trích dẫn lời Lênin nói xong cũng chẳng thấy giáo sư đóng ngoặc hoặc mở ngoặc gì cả khiến tôi cứ lúng túng mãi đành phải trích dẫn cả một đoạn dài như trên vậy. Thưa giáo sư, trước tiên xin được trao đổi với giáo sư về câu nói mà giáo sư cho là của Lênin về cái chung và cái riêng.
Thiết nghĩ bất kỳ ai đã học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin một cách nghiêm chỉnh đều biết về sự quan hệ giữa cái chung và cái riêng là: “Cái chung là bộ phận, cái riêng là toàn bộ”. Ví dụ: Nói về loại đèn điện thắp sáng hiện nay “cái chung” là phải có điện, phải cấp điện cho nó, nó mới sáng được. Nhưng đèn điện lại có nhiều loại, nào đèn Wphơran, đèn cao áp, đèn khí nêông. Trong từng loại lại có sự to nhỏ dài ngắn, công suất lớn bé khác nhau, đó là “cái riêng”. Biết cái chung rồi chưa đủ, chưa nói hết được về một chiếc bóng đèn điện mà còn phải biết nó thuộc loại nào, công suất bao nhiêu… thì mới dám mua. Như vậy đúng là: “Cái chung chỉ là bộ phận còn cái riêng mới là toàn bộ” tuy “cái chung” chỉ là bộ phận nhưng là bộ phận cơ bản, quyết định. Ví dụ văn chương cái đích tối thượng của nó là “thức tỉnh lòng người hướng họ tới chân thiện mỹ” đấy là cái “chung nhất” song lại được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: Thơ, phú, văn. Trong thơ cũng có nhiều hình thức khác nhau mà trong văn cũng vậy, đó là “cái riêng” trong văn chương.
Viết tới đây tôi tin rằng giáo sư Phương Lựu đã nhớ nhầm lời nói của Lênin chứ một vị tổ sư của chủ nghĩa Mác – Lênin có bao giờ lại nói: “Cái chung bao giờ cũng rộng hơn cái riêng… (rồi) cái riêng bất kỳ nào cũng rộng hơn cái chung” cuối cùng chả biết cái nào rộng hơn cái nào cả!
Như trên đã dẫn vì nhớ nhầm câu nói của Lênin nên giáo sư đã có kết luận sai lầm về quan hệ giữa lý luận văn học và phê bình văn học. Sự sai lầm này đã được giáo sư củng cố ở cuối bài như sau: “Từ hiện tượng phê bình trong văn học trung đại nước nhà, đến phê bình văn học của các tác gia kinh điển Mác – Lênin vô hình trung cũng đủ sắc thái cổ kim, đông tây, cả trong lẫn ngoài nước, nhưng cốt là muốn nói tính chất phổ biến của quy luật phản tác động của phê bình đối với mỹ học và lý luận nghệ thuật. Đứng trước thực trạng phê bình còn nhiều nhức nhối trước mắt, còn nêu thêm thiên chức phê bình là góp phần làm giàu có cho lý luận, nếu không phải hơi xa xỉ thì cũng là ảo tưởng…”.
Xin phép được bỏ qua điều: Có phải rằng: “… phê bình văn học của các tác gia kinh điển Mác – Lênin… là muốn nói tính chất phổ biến của quy luật phản tác động của phê bình đối với mỹ học và lý luận nghệ thuật…” không? Nếu đi vào tranh luận sẽ phải dẫn tới điều: ai (các tác gia) nói thế và nói ở đâu? Thì phiền quá nên xin phép Giáo sư được đi thẳng vào vấn đề quan hệ giữa phê bình văn học và lý luận văn học cho tiện!
Ai cũng biết từ thực tế đúc kết lên thành lý luận rồi lý luận lại phải quay về thực tế để kiểm nghiệm chính bản thân nó!
Lý luận văn chương phải được rút ra từ thực tế đời sống văn chương rồi cái lý luận đó lại phải quay về với đời sống văn chương để kiểm nghiệm lại nó xem nó có đúng không? Mà muốn “rút ra…” thì phải hiểu được đời sống văn chương, thì phải nghiên cứu văn chương, phải phê bình (thưởng thức) văn chương rồi từ đó dần dần đúc kết thành lý luận. Trong lịch sử văn học tôi chưa từng thấy bao giờ là: nghiên cứu phê bình (đúng nghĩa và chân chính) văn học lại phản tác động đối với lý luận văn học cả!
Vậy phê bình và nghiên cứu văn học là việc làm thường xuyên và luôn có ích để góp phần vào nâng cao lý luận của chính văn chương chứ không bao giờ là thứ xa xỉ cả.
Mấy lời trao đổi mạnh bạo với Giáo sư mong Giáo sư lượng thứ!
Cuối hè năm 2004
Phản hồi gần đây