SỰ NHẦM LẪN TRONG ĐÁNH GIÁ VĂN CHƯƠNG*

Tác giả: Trần Văn Lý

Thông thường người ta vẫn cho rằng: “Văn chương hay” phải được quảng đại quần chúng yêu thích (thuộc) và công nhận. Đặc biệt là thơ càng cần như vậy. Cách đánh giá này có một nửa đúng, một nửa sai.
Được quần chúng yêu thích, thuộc và đánh giá cao những tác phẩm của mình là ước mơ của tất cả những người cầm bút. Ai cũng muốn tác phẩm của mình được yêu thích rộng rãi như “Kiều” của Nguyễn Du, như thơ văn Nguyễn Bính, Xuân Diệu. Và thời gian đã kiểm nghiệm những tác phẩm được quần chúng yêu thích đó thực sự là những tác phẩm hay. Điều đó chứng minh cho nửa đúng của quan niệm văn chương vừa nêu ở trên.
Lại có một thực tế, có những tác phẩm thơ một thời đã được quần chúng yêu thích và thuộc nhưng sau đó lại chán như “Nhị Độ Mai”, “Thạch Sanh”, “Lục Vân Tiên”,… Nếu đánh giá những tác phẩm đó vào lúc quần chúng đang thích nó, và lấy nó làm thước đo thì sẽ lầm to.
Quần chúng, đôi khi cả một số ít nhà văn hiện nay mấy ai đã biết đến bài Phong Kiều Dạ Bạc, Hoàng Hạc Lâu, mấy ai đã hiểu bài: Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Lời kỹ nữ của Xuân Diệu, thậm chí đa số những nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình hiện nay, còn chưa hiểu được nữa là quần chúng. Phải chăng những tác phẩm đó không hay? Không! Những tác phẩm ấy, những bài thơ ấy, đã và mãi mãi là những bài thơ “bất tử”. Vậy nửa sai của quan niệm đánh giá văn chương bằng thước đo là quần chúng đã quá rõ rồi.
Lại có một số người đáng kể nữa cho rằng: “Trình độ thơ” của quảng đại quần chúng nói chung thấp. Nên quần chúng chỉ cảm được những tác phẩm “tầm tầm”, chứ những tác phẩm có “trình độ cao” quần chúng làm sao hiểu nổi. Cách đánh giá này không phải là không có lý. Nhưng nhìn kỹ nó chỉ là cách đánh giá ngược chiều với cách đánh giá vừa nêu ở trên mà thôi, nên nó cũng có kết quả là: một nửa đúng, một nửa sai. Đúng, sai ở trên đã chứng minh rồi, chỉ xin lưu ý thêm rằng: Tuy quần chúng có đánh giá “đúng” được giá trị của một số tác phẩm ở góc độ: hay – không hay, thích – không thích, nhưng đa số là ở phần nội dung. Ví dụ:
Truyện Kiều quần chúng thích là ở phần cốt truyện, những tình tiết (mang tính nội dung) diễn biến trong truyện. Chứ còn phần nghệ thuật như: Sự tinh túy và sắc sảo của từ ngữ, sự thống nhất giữa tình và cảnh, một số nhà văn, nhà thơ còn lơ mơ nữa là quần chúng.
Điều này cũng dễ hiểu thôi, cũng như âm nhạc, người ta phải vươn tới một trình độ nhất định nào đó về nhạc, mới cảm thụ được nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển, những loại nhạc vẫn được gọi là “dòng nhạc bác học”.
Nửa đúng của cách đánh giá văn chương vừa nói tới, rất dễ bị các nhà thơ làm thứ thơ dở, thơ tắc tị vồ lấy rồi gào lên rằng: thơ của tôi là thơ cao siêu, thơ “bác học” vì thế nên không ai hiểu nổi thơ tôi. Vâng! Đúng như vậy, vì làm sao mà hiểu được những câu thơ rối rắm, lung tung, toàn những câu, chữ vô hồn ấy!
Nhớ xưa, lịch sử còn ghi lại rằng: Tự Đức một ông Vua mang nhiều máu thi sĩ trong người, thế mà khi đọc Truyện Kiều tới câu nói về Từ Hải: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai đã phán rằng:
Nếu Nguyễn Du còn sống, sẽ nọc ra đánh cho trăm roi. Phải chăng Tự Đức lúc đó xuất phát từ góc độ một ông vua, vì lợi ích và quyền lực từ chiếc ngai Vàng của mình. Chứ không phải xuất phát từ góc độ nhà thơ, thi sĩ trong Tự Đức. Cách đánh giá văn chương xuất phát từ góc độ có ích hay không có ích cho mình, hiển nhiên ngày nay ai cũng biết là sai rồi. Còn nhớ “thơ mới” cũng đã từng bị đánh giá là ít giá trị, thậm chí bị lên án không có lợi cho… quần chúng, cho cuộc sống, v.v.. nhưng thời gian đã và đang “lọc lựa” xếp mọi thứ vào đúng chỗ của nó. Truyện Kiều của Nguyễn Du và những bài thơ hay trong thơ mới vẫn đang tồn tại cùng văn chương nước nhà.

 

* Đã đăng trên Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 5 ngày 10-3-2005.