SỨC MẠNH CỦA LỜI NGUYỀN

Tác giả: Trần Văn Lý

 

Tháng năm, buổi trưa nắng thế mà đi làm về từ đằng xa tôi đã nghe thấy tiếng vợ tôi gào thét:
– Tiên sư bố chúng mày, chúng mày phải bảo nhau chứ. Nhà bà còn có gì nữa đâu ngoài mấy buồng chuối. Thế mà mày lại nỡ chặt của bà mất một buồng!
Tôi đạp xe vội về tới nơi:
– Thôi mình, cứ từ từ xem cháu nào nó trót dại, mình nhẹ nhàng sang bảo cho cháu nó và gia đình người ta biết. Chứ chửi bới làm gì cho ầm ĩ hàng xóm mà lại mệt vào người.
Vợ tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
– Nhưng mà tôi không chịu được! Ông lúc nào cũng tử tế, tử tế, nhưng có đứa nào nó tử tế với không? – Tuy nói vậy nhưng vợ tôi cũng dịu giọng dần.
Tối hôm ấy người hàng xóm một nách nuôi ba đứa con, vợ mất sớm, đứa con đầu mới mười bốn tuổi, tay ôm bụng vì ông bị bệnh đau dạ dày hành hạ bước vào nhà tôi, vừa trông thấy tôi ông đã nói:
– Cô chú thông cảm cho tôi mà tha thứ cho cháu, nó trót dại… từ xưa đến nay nó chưa thế bao giờ, ai ngờ bây giờ nó lại đổ đốn.
Tôi vội đỡ lời:
– Có đáng là bao đâu bác. Em cũng thấy các cháu bên nhà từ xưa tới nay rất ngoan, nay thấy thế này em cũng bị bất ngờ. Nhưng mà thôi bác ạ! Bác về nhắc nhở cháu lần sau đừng như thế nữa là được.
Ông hàng xóm của tôi cám ơn và đứng dậy ra về. Tôi bỗng sực nhớ tới lần đi ăn trộm duy nhất của đời tôi. Cũng qua lần ấy mà tôi may mắn biết được bí mật về sức mạnh của một lời nguyền.
Hồi nhỏ lúc bảy, tám tuổi tôi thường theo anh bạn đi bắn chim. Anh bạn hơn tôi dễ đến năm, sáu tuổi, ấy thế mà hai người lại rất thân nhau, thân tới mức đi đâu anh cũng rủ tôi đi cùng. Tôi là xạ thủ loại… bét dĩ. Nói là đi bắn chứ kỳ thực chỉ đi nhặt chim, và cầm súng cho anh mà thôi. Một hôm anh rủ tôi lên đầu làng tới khu vườn nhà cụ Cai Tùy mà anh nói có rất nhiều chim tha hồ mà bắn. Tôi vừa đi vừa hỏi:
– Có phải khu vườn mà người ta vẫn bảo là có ma đấy không? Cứ đêm đêm một người đàn bà từ dưới sông đi lên đầu tóc xõa sượi, khóc lóc thảm thiết: Trả lại con cho tôi, trả lại con cho tôi! Trả lại… cho tôi!
– Ma đâu mà ma – anh bạn tôi quát – Có nhiều ổi to tướng thì có, chốc nữa rồi mày xem.
Đi tới đầu làng, hai chúng tôi men theo bờ rào khu vườn nhà ông Cai Tùy để bắn. Chim ríu rít, nhiều ơi là nhiều: Nào chích chòe, chim sẻ, nào bạc má, giẻ quạt. Đặc biệt là rất nhiều chào mào. Kéo căng chiếc súng chun giơ lên. Khoái trá anh bạn tôi, mồm luôn lẩm bẩm:
– Chết này, chết này!
Có lần con chim bị bắn chết rơi vào bên trong vườn, anh bảo tôi:
– Mày nhỏ dễ chui lọt, mày vào đi – rồi anh rỉ tai tôi – Khi ra nhớ trảy lấy hai, ba quả ổi nhé!
Tôi lè lưỡi:
– Sợ lắm! Nhỡ ông Cai ông ấy bắt được thì chết!
Anh bạn tôi lấy tay dúi nhẹ vào đầu tôi:
– Mày dát bỏ mẹ ý! Ông Cai ông ấy điên rồi có mà biết… vào đi.
Tôi chui qua bờ rào vào tìm mãi mới thấy chú chim bị rơi ở cạnh gốc cây ổi. Nhặt con chim lên, vừa định đi ra thì thấy anh bạn tôi đứng ở ngoài hàng rào lấy tay chỉ chỉ vào những quả ổi to, đã ngả sang màu phơn phớt vàng, rất thấp chỉ kiễng chân lên một ít là với được:
– Trảy đi, trảy đi – Tôi nín thở giơ tay ra, tay tôi vừa chạm vào quả ổi thì nghe thấy tiếng ông Cai:
– Ơ… hờ – Tôi giật bắn mình chạy vội qua lỗ hổng ở hàng rào để ra. Trong lúc chui, bị một vết gai cào vào cổ mà tôi vẫn không hay biết. Anh bạn tôi vừa cười vừa nói:
– Đồ dát! Đến quả ổi cầm rồi mà còn không dám trảy. Tao đã bảo ông Cai ông ấy điên rồi không biết đâu, đấy mày nghe xem – Và quả nhiên tôi lại thấy tiếng ông Cai ở ngoài phía sông, dòng sông lở chỉ còn khoảng hai, ba chục mét nữa là tới vườn nhà ông:
– Ơ… hờ… đi mãi mà sao không về? Ơ… hờ… để con nó khóc… ơ… hờ… về đi… về đi… ơ… hờ… nghe xong cả câu tôi đỏ mặt tự cười mình…
Ông Cai Tùy khoảng gần năm mươi tuổi, cao gầy, mặt lúc nào cũng đỏ. Ông thường đến mua rượu ở hàng mẹ tôi. Lần nào tới trong túi ông cũng có quả na hoặc quả ổi cho tôi, thỉnh thoảng còn có cả quả cam giấy chín vàng, mọng nước thơm phức. Chẳng hiểu do quý tôi thật hay chỉ là xã giao lấy lòng mẹ tôi thôi, mà có lần ông nói:
– Cô chủ quán, cô cho tôi thằng bé này nhé!
Mẹ tôi nhanh nhẩu đỏ mặt:
– Dạ vâng! Bác mang về mà nuôi.
– Không! Bây giờ sợ nó khóc vì nó nhớ mẹ nó. Cô nuôi hộ tôi vài năm nữa, tôi sẽ xin cô đem về cho nó trông nom nhà cửa.
Nấp sau lưng mẹ tôi, đợi ông Cai Tùy ra về rồi, tôi mới hỏi mẹ tôi:
– Mẹ ơi! Ông Cai Tùy ông ấy không có con à mẹ? Mà sao nhà ông ấy to và rộng thế? Nhất là ngoài vườn bao nhiêu thứ quả, nhiều chim ơi là nhiều! Còn hoa nữa chứ, đằng trước sân con thấy bao nhiêu hoa là hoa. Nhiều hoa hồng đến thế mẹ ạ? – Mẹ tôi sắc mặt có vẻ buồn, bà kể:
– Ông Tùy ngày xưa khỏe mạnh, đẹp trai nhất làng, chỉ khổ một nỗi bố mẹ mất sớm cả nên mới bảy, tám tuổi đã phải đến ở chăn trâu, cắt cỏ cho nhà cụ Chánh tổng trong làng. Tuy phải làm quần quật suốt ngày song sức trẻ làm anh càng lớn càng đẹp, càng khỏe. Hàng ngày mặc quần đùi đội nón mê dắt trâu ra đồng cày một mạch từ sáng sớm tới trưa không nghỉ. Đến mức cụ Chánh phải dặn rằng:
– Mày phải cho trâu nghỉ một lúc giữa giờ kẻo vừa nắng, vừa mệt, nó lăn đùng ra thì khốn đấy, của một đống tiền chứ chẳng chơi đâu!
Nhìn khuôn mặt phúc hậu, nước da rám nắng, bắp thịt cuồn cuộn của anh ta, khối cô con gái trong làng ước mơ. Trong những cô gái ấy thì cô Thơm con cụ Chánh mê Tùy hơn cả.
Vợ chồng cụ Chánh và cô con gái ba người ở trong tòa nhà gỗ lim vuông hình thước thợ gồm năm gian nhà trên, ba gian nhà dưới, rồi còn bếp, bể nước mưa ăn quanh năm không hết. Tất cả ôm lấy cái sân gạch rộng mênh mông được lát bằng gạch Bát Tràng. Và tất cả tọa lạc trong bốn, năm mẫu vườn. Vườn rộng tới mức có góc cả năm chỉ một hai lần là có chân người bước tới. Có hôm cô Thơm đứng ở trong sân tự nhiên thấy ở góc vườn ngoài xa, sao chim chóc cứ ríu rít lên xuống nhiều thế? Cô chạy ra, buồng chuối một nửa đã chín vàng rực, lũ chim rỉa ăn mất dễ đến gần chục quả. Cô réo lên:
– Tùy ơi! Cầm con dao ra đây tôi nhờ một tý.
Tùy tay cầm con dao chạy ra. Cô Thơm ý tứ nói.
– Người gì mà đần thế không biết? Chuối chín đến mồm rồi mà không chặt vào mà ăn… lại để cho chim nó ăn mất. Vừa nói cô vừa nguýt Tùy một cái rõ dài. Tùy đỏ mặt, Tùy biết cô Thơm định nói gì… Vì nhiều lần mượn cớ mang cơm thợ cày buổi trưa cho Tùy, lúc Tùy ăn cô cứ ngồi sát vào hỏi… có no không? Hơi thở gấp gáp của cô phả cả vào má Tùy. Tùy vội vàng ngồi dịch ra:
– Cô ơi, ai trông thấy thì chết!
Thơm trợn mắt lấy tay véo vào người Tùy một cái thật đau:
– Làm sao mà chết – Rồi ra vẻ giận dỗi ngồi ra xa, mặt buồn rười rười.
Một đêm Tùy đang ngủ say trong góc bếp sau một ngày làm lụng vất vả, bỗng mơ màng thấy một người ôm lấy mình. Tùy định ngóc đầu vùng dậy thì người ấy lấy tay ấn đầu Tùy xuống hơi thở hổn hển:
– Em đây, Thơm đây anh Tùy ơi!
Mùi tóc, mùi da thịt của người con gái quyến rũ làm cho Tùy đê mê. Đêm ấy lần đầu tiên trong đời Tùy biết thế nào là mùi… con gái.
Cô Thơm ngày càng tỏ ra quấn quýt Tùy đến nỗi cụ Chánh cũng biết. Cụ Chánh người được tiếng là nhân từ độ lượng mà Thơm là đứa con gái duy nhất của vợ chồng cụ, vẫn được vợ chồng cụ cưng chiều từ tấm bé, rất ít khi hai cụ dám trái ý Thơm. Vả lại cụ cũng biết cá đã cắn câu rồi còn biết gỡ ra làm sao được nữa đây.
Một hôm Tùy vừa vác cày trên vai định dắt trâu ra đồng cày nốt mấy sào ruộng, cụ Chánh đứng ở trước hiên nhà bảo:
– Anh Tùy – Lần đầu tiên Tùy thấy cụ Chánh gọi mình bằng anh – anh cất cày đi rồi lên trên nhà, ta có chuyện này muốn nói với anh.
Tùy toát mồ hôi lo sợ: Phen này thì chắc chết, chắc mình sẽ bị đuổi rồi… hay là cụ còn bắt mình giải lên quan ý chứ…
Đợi mãi không thấy Tùy lên, cụ Chánh từ trong nhà gọi vọng ra:
– Anh Tùy đâu – Tùy mặt tái mét, từ trong bếp đi lên:
– Dạ! – Tùy rụt rè bước vào trong nhà.
Cụ Chánh chỉ tay vào chiếc trường kỷ ở bên bảo Tùy:
– Anh ngồi xuống đi!
Tùy chắp tay cúi đầu:
– Lạy cụ, cụ tha cho con, con không dám…
Cụ Chánh tỏ vẻ hơi bực mình, quát:
– Tôi bảo anh ngồi, thì anh cứ ngồi.
Tùy đến bên chiếc trường kỷ ngồi xuống chỗ mà cụ Chánh vừa chỉ. Cụ Chánh nói vọng vào trong buồng:
– Bà bảo con Thơm ra đây cho tôi!
Tùy sợ quá sụp xuống, miệng lắp bắp:
– Con lạy cụ… con trót dại… xin cụ tha cho con, con xin đi ngay, đi ngay bây giờ đây ạ! – Nói xong Tùy định vùng dậy đi ra. Cụ Chánh quát:
– Cái anh này, anh đã cùng với con gái tôi… rồi, nay anh lại định bỏ chạy đấy hả? Anh sợ tôi không bắt nổi anh chắc!
Tùy lại sụp xuống:
– Con lạy cụ, con xin cụ… con trót dại…
Từ trong nhà, bà Chánh dìu Thơm nước mắt như mưa bước ra, vừa đi vừa nói:
– Con xin thày, thày tha cho anh ấy. Tại con, vì con yêu anh ấy…
Cụ Chánh quát:
– Có im đi không? – Rồi cụ quay sang nói với Tùy:
– Anh Tùy, vợ chồng tôi chỉ có một mụn con gái, nay không may nó lại đem lòng yêu anh, thương anh. Tôi rất bực vì như thế tôi sẽ bị hàng tổng, hàng huyện chê cười. Song tôi lại không nỡ nhìn thấy nó buồn, nên tôi đồng ý gả nó cho anh. Ngặt vì một nỗi anh là người không bố, không mẹ, một chữ bẻ làm đôi không biết. Vì thế làm lễ cưới cho anh với con Thơm xong một thời gian tôi sẽ nói với ngài tỉnh trưởng là con chú con bác với tôi để cho anh đi lính. Độ vài ba năm lo cho anh cái lon cai, lon đội để anh có một chút tiếng tăm có thế mới xứng với con gái tôi. Và từ hôm nay anh không phải ra đồng làm nữa, phải ở nhà học, may ra được dăm ba chữ trước khi nhập lính.
Nghe thế Tùy lại sụp lạy cụ Chánh một lần nữa, rồi lắp bắp:
– Cháu xin vâng ạ!
Cụ Chánh xẵng giọng:
– Không được xưng cháu. Từ nay anh đã là con cái trong nhà rồi, với tôi anh phải xưng là con nghe chưa!
Không hiểu có phải vì sợ hay là vì sung sướng quá mà cô Thơm cứ ôm chặt lấy bà Chánh khóc như mưa.
Mấy ngày nay trong làng, ngoài chợ đâu đâu cũng thấy người ta kháo nhau: Cái anh Tùy hiền lành tẩm ngẩm tầm ngầm thế nào mà… cưa đổ cô Thơm con cụ Chánh mới ghê chứ… Đầy tớ mà lấy được cô chủ thật là chuột sa chĩnh gạo… Cụ Chánh thật là nhân đức. Chỉ có một vài cô gái trong làng chả biết có phải vì yêu Tùy quá không mà lại lẩm bẩm một mình: Đồ con đĩ… hơn người ta đến bốn, năm tuổi lại xấu nữa chứ, chả ai thèm để ý đến nay lại bắt…  người ta phải cưới mình, cậy mình là cô chủ mà… thật khổ thân cho anh Tùy hiền lành quá!
Cụ Chánh tổ chức đám cưới cho con gái, ăn uống ròng rã suốt năm ngày, có đủ các vị chức sắc ở hàng tổng, hàng huyện về dự. Xe, người ra vào như làng có hội. Nhất là có cả ngài tỉnh trưởng đi cái ô tô về dự.
Cưới được ba tháng, Thơm khóc sướt mướt tiễn chồng đi lính. Nhìn Thơm khóc, cụ Chánh ông quát cụ Chánh bà:
– Bà có dỗ nó đi không? Làm sao mà khóc, tuy đi lính, nhưng có phải ra trận đâu…
Tùy đi lính được ba năm thì hai cụ Chánh lần lượt qua đời. Biết mình không qua khỏi, sợ Thơm con gái cụ ở một mình trong cảnh nhà cửa mênh mông giữa đám người làm không lấy gì làm tin cậy lắm, trước khi về nơi chín suối cụ Chánh đã sai người về quê bà Chánh đón một người em họ của con gái cụ mới mười tám, mười chín tuổi ra ở với cô Thơm cho vui và kỳ thực cũng là để cô Thơm sai phái cho tiện. Cô con gái ở quê ra có tên là Vân ấy ăn, ở dưới nhà ngang chỉ được lên nhà trên khi cô Thơm gọi.
Ông bà Chánh qua đời, Thơm viết thư liên tục giục Tùy xin ra khỏi lính để về trông nom nhà cửa. Tùy cứ khất lần nghe chừng không muốn về. Tới mức Thơm phải lên dinh tỉnh trưởng khóc với ông bác và đến tận chỗ Tùy, Tùy mới chịu theo Thơm về.
Từ cái ngày bước chân vào đời lính, Tùy không còn là một thanh niên quê mùa nhút nhát nữa. Những trận càn, những đêm hát cô đầu thâu đêm suốt sáng, những tiệc nhậu trời đất ngả nghiêng với cái lon cai sắp được lên ông đội ngấp nghé chức trưởng đồn… Tùy muốn gì cũng được. Mỗi lần Tùy về thăm hai cụ Chánh, trông thấy Thơm mà phát chán: già, xấu, tính cau có, hay bắt bẻ, chả như những cô gái trong những đêm hát cô đầu: Tiếng thỏ thẻ, người… người mới hấp dẫn làm sao… chả như Thơm xấp xỉ bốn mươi người khô đét…
Theo Thơm về đến nhà, Tùy bỗng sững người ra khi một người con gái ra đón: Đôi mắt cô có vẻ hơi ngơ ngác làm cho khuôn mặt càng dễ thương, cô có vẻ đẹp thuần khiết của một người con gái chưa một lần bước chân ra thành phố. Thấy Tùy đứng ngây ra, Thơm đỏ mặt quát:
– Vân! Mày cứ giương mắt mày ra, mày không chào ông chủ đi?
Vân lúng túng đỏ mặt:
– Em chào anh ạ!
– Sao lại chào anh? – Thơm lồng lộn – Con ở lại chào ông chủ bằng anh, tao mà nghe thấy một lần nữa thì mày chết với tao!
Sáng hôm sau Thơm sai người làm phá hết luống hoa hồng mà hồi Vân mới từ quê ra trồng, bởi chiều hôm qua thấy Tùy cứ đứng ở sân tấm tắc khen hoa đẹp quá. Cũng từ hôm ấy Vân không bao giờ được bước chân lên nhà trên nữa. Hàng ngày Vân phải làm tất cả những công việc mà bà chị họ cũng là cô chủ của mình sai, quần quật từ sáng tới khuya mới được ngơi tay. Thấy thế có lúc tức quá, Tùy quát Thơm:
– Không phải sai, cứ để đấy thằng này làm hết.
Thơm càng lồng lộn:
– Xót hả…?
Không biết làm thế nào, Tùy lấy rượu ra uống… càng uống, càng thấy ghét Thơm hơn.
Tùy về nhà thấm thoát thế mà đã được bốn, năm năm. Một hôm Tùy uống rượu vào, rồi nói với Thơm:
– Bốn mươi rồi! Tôi thì tôi cóc cần, là tôi sợ có lỗi với bố mẹ và lo cho cô, không có con thế này thì tôi chết, cô chết, cái gia tài này vất xuống sông à? Vì thế tôi phải lấy vợ.
Thơm túm lấy áo Tùy mà cấu, mà xé, vừa khóc vừa nói:
– Anh thử nhìn lại anh xem, anh đến nhà tôi, anh có những gì? Tôi đem cả cuộc đời tôi cho anh, cả nhà cửa gia tài cho anh hết. Anh còn không thỏa sao mà lại còn đòi đi lấy vợ nữa?
Tùy hất tay Thơm ra, Thơm giậm chân bành bạch:
– Hay là chắc đã trót tằng tịu với con đĩ nào rồi chứ gì?
Tùy ngửa cổ tu nốt chai rượu rồi ném vỏ chai ra ngoài sân – Choang, cái chai vỡ tan làm nhiều mảnh:
– Thì cũng như với cô ngày xưa chứ ai… ngày ấy là tôi buộc phải lấy cô… còn bây giờ thì… – mặt đỏ gay, Tùy lảo đảo đứng dậy.
Thơm há hốc mồm ra rồi bỗng bừng tỉnh: Thảo nào, thảo nào, chống tay vào nách, Thơm quát:
– Con Vân, mày lên đây bà bảo.
Vân đầu tóc xõa xượi từ dưới nhà ngang đi lên vừa đi vừa khóc:
– Em xin chị… em xin chị!
Thơm hoảng hốt: Dáng Vân đi đã cứng. Dáng người đã có thai được tới ba, bốn tháng. Thơm túm lấy tóc Vân quật xuống đất rồi dẫm chân lên người Vân, mồm gào thét:
– Đồ voi giày này… đồ ngựa xé… mày cướp chồng bà, bà xé xác mày ra.
Tùy lao tới gạt Thơm ngã bắn ra, đỡ lấy Vân đứng dậy. Thơm lăn ra đất:
– Đây chúng mày giết bà đi… giết bà đi rồi mà ở với nhau!
Tùy dìu Vân xuống nhà ngang, xong lên nói với Thơm giọng hình như đã hả bớt rượu:
– Thì việc đã nhỡ rồi cũng như bà với tôi ngày xưa ấy, làm ầm ĩ lên phỏng có ích gì, thà rằng cứ như thế… còn hơn. – Thơm vùng dậy lăn xả vào Tùy:
– Thế là thế nào? Để con đĩ ấy nó cướp chồng tôi à?
– Ai cướp, tôi vẫn nguyên đây, mà bà lại tự dưng được đứa con không phải đi nằn nỉ xin ai về mà nuôi nữa còn gì?
Thơm đã tỉnh ra phần nào… đã thôi khóc… trong lòng thoáng qua một ý nghĩ… Thơm nghiến răng lẩm bẩm một mình điều gì không ai nghe rõ.
Từ đấy người ta thấy Thơm mặt lạnh như băng, ít nói ít cười, sai bảo người làm, tiếng nói cứ rít qua hai hàm răng.
Thế rồi cũng đến ngày… Vân sinh được đứa con trai rất kháu… Tùy suốt ngày cười đùa với con quên cả xung quanh. Thơm cũng nói nói, cười cười… Nhưng ai tinh ý thì thấy có những lúc Thơm quay đi chỗ khác mặt đanh lại, rồi nghiến chặt hai hàm răng…
Mẹ con Vân vẫn ngủ ở dưới nhà ngang, thằng bé đã được một năm. Vào một đêm đông mưa gió rét buốt, sáng ra người ta chỉ thấy có mình thằng bé đang ngủ say trong chiếc chăn bọc cẩn thận. Còn không thấy Vân đâu, quần áo của Vân cũng không thấy. Tùy như người phát điên…
Sau lần ấy có người làng bảo nhìn thấy Vân trên chiếc thuyền xuôi vào Nghệ An. Lại có người nói gặp Vân ở trong quán một người Tàu ở Hải Phòng, Vân ăn mặc rất đẹp. Lại có người nói Vân đã nhảy xuống sông tự tử. Chỉ có vài người ở gần bờ sông nói vụng với nhau rằng:
Hôm mưa rét ấy khoảng nửa đêm về sáng họ mơ màng nghe thấy có tiếng người cãi nhau ở tận ngoài mép nước. Một người vừa nói vừa như cố níu lấy một cái gì đó cho khỏi ngã:
– Mày ác thế, mày giết tao, tao truyền đời cho nhà mày tiệt mầm tiệt mống chết không nhà, không cửa… không có đất chôn…! Rồi tất cả chìm vào im lặng, chỉ có tiếng gió thổi, tiếng cây cối vật vã. Trời đêm ấy về sáng rất lạnh…
Một năm sau kể từ ngày Vân mất tích, tự nhiên con Vân – thằng bé cũng mắc bạo bệnh rồi chết. Cả làng đều thì thầm với nhau về lời nguyền… Ông cai Tùy bắt đầu… nói những câu ngây ngô…
Tôi đã lớn và thấy dòng sông năm nào cũng chảy mạnh xối thẳng vào khu vườn nhà cụ Chánh nay là nhà của ông bà Cai Tùy. Rồi một năm nước to quá bốn, năm mẫu vườn, cả nhà cửa cộng với luống hoa hồng ở trước nhà mà ông Cai Tùy hàng ngày chăm bón cấm không cho ai ngắt dù chỉ một bông… lở hết xuống sông. Nước rút bà Cai đi đâu cả làng không ai rõ. Chỉ thấy ông Cai Tùy dựng một túp lều trên bờ sông ở khoảng chỗ xưa là vườn nhà ông nay chỉ còn sót lại cái bờ rào.
Cũng từ đấy, trừ lúc ngủ và đi mua rượu ra còn ông Cai Tùy luôn đứng gần mép nước ở bờ sông nói những câu ngây ngô:
– Ơ hờ… ai đi đâu… ơ hờ… sao không về?
Trông thấy một chiếc thuyền đi tới, ông lại cuống lên:
– Về đấy à! Sao đi lâu thế?
Thấy chiếc thuyền chỉ ngang qua rồi đi mất hút, ông lại rối rít chạy theo vẫy vẫy:
– Về nhà đi… đừng đi… con nó khóc – Ai đi ngang qua nghe thấy cũng phải bùi ngùi…
Thế rồi một hôm ông đang đứng ở sát mép nước:
Ơ hờ… sao không về? Tảng đất dưới chân ông bỗng nứt ra rồi lở xuống sông mang theo cả ông. Từ đấy không ai còn thấy ông nữa!

 

Mùa đông, 1999