TIẾNG GÕ CỬA TRONG MƠ

Tác giả: Trần Văn Lý

 

Cạch, cạch, cạch: Anh ơi, anh!
Tôi vùng dậy vội ra mở cửa, chẳng có ai! Trăng sáng quá in rõ những bóng cây khẽ lay động lên bức tường trước nhà. Lại chạy vội ra ngõ cũng chẳng có ai!
Tôi bừng tỉnh: Em có biết địa chỉ của tôi đâu, tôi có cho em biết đâu, làm sao mà em biết được nơi tôi ở. Nơi cái ngõ nhỏ và sâu hun hút gần như nhất Hà Nội này, cái ngõ mà nếu có một chiếc xe đạp ở đầu này đi ra thì tất cả những người ở đầu kia phải phải chờ. Tiếng gõ cửa trong mơ? Tôi đã mơ…?
Tháng trước tôi và anh bạn thân vào bãi biển Xuân Thành theo lời hẹn của một người bạn lấy vợ ở Thị trấn Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Hẹn rằng: gặp nhau để hôm sau cùng đi Huế. Khoảng bốn giờ chiều hai chúng tôi tới Xuân Thành, nhưng chẳng thấy ai đợi. Bãi biển vắng tanh, chỉ có vài người dân chài đang thu dọn đồ nghề đánh cá, cả mấy con thuyền đã kéo lên bãi cát cách khá xa mép nước lại còn lật úp đi cẩn thận để đề phòng sóng nước ban đêm có thể bất ngờ cuốn trôi. Thôi đã trót đến thì phải ở lại chứ biết làm thế nào, thuê phòng và tắm giặt xong tôi cùng anh bạn đi uống bia và ăn tối.
Bước vào chiếc quán lợp lá khá rộng rãi nép dưới tán rừng phi lao chạy dọc theo chiều dài của bãi biển. Trong quán dưới ánh điện, một cô gái gần như bất động ngồi sau một chiếc bàn đầy bia và những chiếc cốc. Mắt cô như đang nhìn và suy nghĩ cái gì xa lắm tận ngoài biển kia.
Gieo mình xuống ghế anh bạn tôi sẵng giọng gọi:
– Một đĩa mực xào và bia!
– Dạ, mực xào vừa hết chú gọi mực khô đi.
– Chú… – anh bạn tôi gằn giọng – Mà thôi cũng được.
Cô gái mang mực và bia ra đặt lên bàn cẩn thận. Cô vừa định bước đi, anh bạn tôi đã nói:
– Mở bia ra!
– Dạ, vâng ạ! Cô gái bật nút mở hai chai bia Hà Nội một để trước mặt tôi, một để trước mặt anh bạn của tôi rồi xoay lưng bước về chiếc bàn cô ngồi ban nãy.
– Quay lại! Giọng anh bạn tôi nói gần như quát.
– Dạ thưa chú có việc gì ạ? Giọng cô gái hơi hoảng hốt.
– Việc gì? Rót bia ra. Thế bãi biển này có tên là “chú” à? Gọi bà chủ ra đây – Cô gái hoảng hốt thực sự.
– Dạ vâng các anh để em rót ạ?
Tôi cầm lấy chai bia:
– Thôi được để tôi rót, cháu đi lấy thêm hộ một chiếc cốc nữa.
Cô gái vội đi lấy thêm một chiếc cốc nữa rồi để trước mặt tôi, tôi rót đầy ba cốc bia và nói:
– Mời cháu ngồi xuống.
– Cháu ạ! Chúng tôi là hai người vào đây theo lời hẹn trước của một anh bạn gặp nhau để ngày mai đi Huế nhưng không thấy anh ấy tới, nên anh bạn tôi đây không được vui, vì thế có gì mong cháu thông cảm. Mời cháu uống với chúng tôi một cốc bia để những giờ chúng tôi còn ở trên bãi biển này chúng ta hãy coi nhau là những người bạn. Tôi bưng cốc bia lên đặt vào tay cô gái.
– Thưa hai anh em uống bia rượu rất kém nhưng em cũng xin uống.
Cô gái ngụm một ngụm bia khá to rồi nhăn mặt nuốt.
– Có thế chứ, nếu mà ngay từ đầu thì đâu đến nỗi phải bực mình – giọng anh bạn tôi đã có vẻ bình thường trở lại.
Trời đã bắt đầu tối khách vào quán ngày một đông. Các cô tiếp viên khác từ một căn nhà gần đấy bước ra, áo hở vai để khoe những cánh tay trần nõn nà, váy ngắn… ngắn tới mức không thể ngắn hơn được nữa, các cô đi hết bàn này đến bàn kia rót bia mời khách với điệu cười rất lả lơi. Thỉnh thoảng có người khách không dằn lòng mình được lấy tay vuốt nhẹ vào đùi của một cô tiếp viên.
– Khiếp! Trắng thế!
Cô tiếp viên tình tứ:
– Anh!
– Thu ơi! Mang bia đến bàn ba nhé, Thu ơi! Mang mực đến bàn một đi, Thu ơi…? Cô gái tên là Thu ấy hoạt bát và nhanh nhẹn hẳn lên chứ không như lúc gặp chúng tôi. Và thỉnh thoảng cũng thấy cô nâng cốc ngụm một ngụm bia to. Mặt cô hồng hẳn lên đôi mắt long lanh, quần bò, áo thun có pha sợi kim tuyến tóc xõa ngang lưng. Trông cô cứ như nàng Bạch Tuyết giữa bầy sói đang gặm xương, nhìn cô với ánh mắt thèm khát.
Ăn uống xong bạn tôi về phòng nghỉ, còn tôi, tôi thả bộ ra chiếc ghế kê ở hàng phi lao ngoài cùng, cách quán chừng mười lăm mét, ở đây ánh điện hắt ra đã yếu ớt. Ngoài kia biển xám xịt chỉ có xa xa le lói những ánh điện của những chiếc thuyền đi câu cá mực về đêm. Xa lắm tận phía chân trời những ánh chớp loằng ngoằng từ những đám mây nối với mặt biển.
Chẳng hiểu tôi đã ngồi bao lâu, bỗng có người đến ngồi sát vào tôi, tôi giật mình quay lại. à thì ra là Thu cô gái có mặt từ lúc chúng tôi bước vào quán.
– Anh ngồi một mình lâu thế mà không thấy buồn à?
Lại gì nữa đây? Tôi thầm nghĩ như vậy và trả lời Thu với giọng không hề có chút cảm tình.
– Tôi quen rồi!
– Thế anh ở phòng nào? Giọng Thu nghe thật là tình cảm xong không hiểu sao tôi lại thấy bực:
– Phòng nào thì hỏi làm gì?
Giọng Thu buồn hẳn:
– Anh đừng hiểu lầm. Thấy anh là người có vẻ như chưa bao giờ… ở cái bãi biển hết sức phức tạp này em sợ… nhỡ ra… và chính em cũng chẳng hiểu tại sao từ lúc anh bước vào quán, em lại có cái cảm giác thấy anh rất là thân thiết với em… Rồi mắt Thu nhìn vào bóng tối xa xăm.
– Cảm ơn! Tôi sợ, rất sợ sự quan tâm hay sự giúp đỡ của những cô gái ở đây cô ạ – Thu gục mặt vào hai bàn tay và nói: Xin anh… anh đừng…!
– Đừng gì? Đây xin cảm ơn công lao quan tâm của cô đối với tôi – Tôi vứt tờ giấy bạc năm mươi nghìn xuống mặt chiếc ghế đá mà tôi và Thu đang ngồi.
Thu há mồm ra, rồi bỗng Thu đanh mặt vào nói:
– Anh khinh em là đúng vì em đã sống ở cái nơi dơ bẩn này. Nhưng em không phải là người như anh nghĩ! Em vì tiền mà phải vào đây, song có những lúc nhất là những lúc như tối nay được gặp anh lòng em lại khát khao có được một cuộc sống bình thường như bao người khác. Vì thế em mới đến bên anh. Xin anh hãy cất tiền đi đừng xỉ nhục em, em đã nhục lắm rồi. Tiếng Thu nức nở qua những kẽ tay.
Tôi run run cầm tờ năm mươi nghìn cất vào túi một lúc sau Thu cũng đã nín khóc, hai người im lặng không ai nói với ai. Quán hàng đã hết khách các cô tiếp viên khác đã về nghỉ và trăng, trăng cũng đã hiện ra từ lúc nào trên biển mà tôi bây giờ mới biết.
– Thu à!
– Dạ
– Anh không phải là người độc ác, người xấu đâu em ạ!
– Em biết! Em còn biết hình như anh là nhà văn thì phải?
– Cũng không hẳn thế! Anh cũng chỉ mới viết được vài ba cuốn vừa vừa thôi! Mà Thu à!
– Dạ!
– Ban nãy anh tức… em đừng để bụng… cho qua nhé!
– Sao lại để bụng hở anh…? Mà phải nói là anh đáng quí vì anh còn biết tức, chứ chả như những kẻ khác đến đây…!
Tôi và Thu đã ngồi sát vào nhau. Tôi hỏi và Thu kể:
“Năm nay em mới hai hai tuổi (có nghĩa là chỉ hơn con gái tôi đúng một tuổi) là người xinh có tiếng ở trường, mới học hết lớp chín mà đã có bao nhiêu người săn đuổi. Rồi việc gì đến sẽ đến em phải bỏ học vào giữa năm học lớp mười hai vì em có thai. Kẻ làm ra “tác phẩm” ấy hơn em tới mười một, mười hai tuổi, khi biết em mang thai, với giọng tỉnh bơ hắn nói: Đã chắc gì là của tôi! Nghe hắn nói em nức nở chạy về gục vào lòng mẹ em, mẹ em cũng khóc, vừa khóc bà vừa lấy tay vuốt nhẹ lên mái tóc của em và nói:
– Không sao, không sao đâu con ạ! Đời nó hay xảy ra những chuyện như vậy đấy. Nhưng mà còn có mẹ mà con! Nói xong bà ôm chặt lấy em” – Nghe Thu lòng tôi như nghẹn lại nhìn vào mắt Thu tôi nói:
– Thế bố em đâu? Sao không đến tận nhà thằng đốn mạt ấy mà nói cho cả bố mẹ nó nghe.
– Bố em mất lâu lắm rồi từ lúc em vẫn còn ẵm ngửa. Giọng Thu nghẹn ngào – Thu nghẹn ngào kể tiếp: Lúc em sinh con cũng là lúc người ấy cưới vợ. Nghe nói bây giờ hắn làm gì gì đó, đi về có xe đưa, xe đón, chả là bố vợ hắn làm gì đó to lắm ở tận Hà Nội. Giọng Thu nhỏ dần chua xót:
– Con em là con trai xong lại rất hay ốm, tiền thuốc cần rất nhiều. Để kiếm tiền em đã từng làm rất nhiều nghề. Đầu tiên là công nhân may xuất khẩu. Nhưng vì con ốm nghỉ nhiều nên bị đuổi việc. Em đã từng ra chợ buôn rau xong thường bị lỗ vốn. Không còn cách nào em đành xin vào làm tạm một quán ăn ở Vinh, xong họ chỉ trả được có hai trăm nghìn một tháng. Anh bảo làm sao em và con em sống nổi chứ, lại còn cả mẹ em nữa. Bạn em khuyên em đi là tiếp viên nhà hàng lương sẽ cao hơn. Em làm ở đây đã hai năm rồi chứ đâu có ít mà sao vẫn không quen anh ạ!
Không hiểu sao tôi lại nhắc lại câu Thu vừa nói và kéo dài nó ra:
– Chưa quen…
– Anh, anh đừng như thế mà em cũng không chối đâu có lúc cần tiền quá em cũng nhận lời đi với khách để họ muốn làm gì thì làm. Xong đấy em về tắm thật lâu và tự khinh bỉ mình, những đêm như thế em thường không ngủ. Giọng Thu trở nên quằn quại đau đớn.
Nhìn Thu như vậy tôi thấy mình có lỗi. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại cầm lấy tay Thu:
– Tay em đẹp quá…
– Đẹp gì anh, gái đã có con còn đẹp cái nỗi gì!
Chả hiểu tôi giở giọng nịnh bợ ra từ lúc nào, tôi nói:
– Thu ơi! Em đẹp thật mà nếu gặp em ở Hà Nội và không không biết những chuyện về em; thế nào anh cũng lại mắc cái bệnh “mơ..tưởng” nặng thôi?
Thu lấy ngón tay dứ vào trán tôi.
– Lại mở khoa tán nịnh ra đây, ai mà tin nổi.
– Thu à.
– Dạ.
– Cuộc sống ở đây như vậy, vậy có lúc nào em nhớ tới con em ở nhà không?
Thu trợn mắt lên nhìn tôi, rồi lại cúi xuống nói thật nhanh:
– Lúc nào mà em chả nhớ hả anh – rồi Thu cắn môi. Tôi im lặng, Thu cũng im lặng. Bỗng Thu gục đầu vào vai tôi òa khóc: – Chắc lúc này con em đang ngủ say. Nó có biết rằng mẹ nó đang ở, ở một cái nơi bẩn thỉu này không? Mai lớn lên nếu nó biết mẹ nó đã từng… nó sẽ nghĩ thế nào về em hả anh? Tôi bối rối:
– Thôi mà đừng khóc em? Có lẽ nó…
Tay tôi vuốt nhẹ lên mái tóc của Thu, một mùi hương ngây ngất thoảng vào mặt tôi – Thu đã thôi khóc, rồi bỗng Thu vùng lên: Thôi chết, sắp hết đêm rồi mai anh còn phải đi xa, về đi anh. Thu nắm lấy tay tôi kéo tôi đứng dậy. Tôi bối rối:
– Thu à! Còn việc này nữa.
– Việc gì? Thu nhìn vào mắt tôi dò xét nghi ngờ.
– Ban đầu anh có lỗi với em!
– Lỗi gì? Sao em không nhớ – giọng Thu khiêu khích.
– Lúc đưa tiền…
– à ra là như vậy. Em đáng bị như vậy mà.
– Thôi mà, Thu cho anh xin lỗi – Vừa nói tôi vừa giúi vào tay Thu hai tờ năm mươi nghìn – cho anh gửi quà về cho cháu, tội thằng bé cứ phải xa mẹ suốt – Thu gạt đi:
– Thôi mà, anh đừng làm như vậy em không dám nhận đâu.
– Thế có nghĩa là Thu vẫn chưa tha thứ cho tôi!
Thu giơ tay run run cầm lấy hai tờ giấy bạc năm mươi nghìn mặt tái đi rồi hai hàng nước mắt ứa ra.
– Vâng, vâng em xin cho cháu!
Với giọng buồn buồn Thu nói với tôi: Chúc anh mai lên đường may mắn anh nhé!!!
Về phòng ngủ một lúc thì trời sáng, tôi gọi anh bạn rồi cùng vùng dậy đánh răng, rửa mặt để lên đường.
Mặt trời đã tỏa những chùm tia nắng lấp loáng xuống mặt biển, cả khu nhà núp dưới rừng phi lao vẫn còn say trong giấc ngủ chắc Thu cũng vậy cũng đang say… Tay xách cặp, mắt tôi sục sạo khắp nơi như tìm một cái gì đó. Đi được tới vài trăm mét chả hiểu vì sao tôi bỗng thở dài…?
Bỗng có tiếng người con gái:
– Sao các anh đi sớm thế?
– Ôi Thu? Sao em cũng dậy sớm đến vậy?
Thu hơi mỉm cười: – Dậy sớm thế để được vinh dự tiễn các vị khách “đặc biệt” của bãi biển Xuân Thành.
Tôi nói nhỏ vào tai Thu: Em mặc bộ quần áo này trông dịu dàng quá – Thu tinh quái nhìn tôi thế hôm qua thì đanh đá à? Tôi đỏ mặt không biết trả lời thế nào. Chỉ biết nói mỗi một câu.
– Thôi bọn anh đi nhé, chúc cuộc sống của em từ đây trở đi sẽ gặp nhiều may mắn…
Xe đã chạy được một đoạn xa mà tôi vẫn thấy bóng Thu đứng nhìn theo.
Từ Huế về qua điện thoại tôi nói chuyện với anh bạn tôi nếu có điều kiện tới Xuân Thành hãy chuyển lời hỏi thăm của tôi tới Thu.
Chiều qua anh bạn ra Hà Nội tới thăm tôi và cho biết: Sáng hôm mà tôi đi Huế thì chiều hôm ấy Thu cũng dọn quần áo rời khỏi bãi tắm Xuân Thành. Người bảo Thu đã về quê, người bảo Thu đã đi đâu không rõ. Ngước lên nhìn vầng trăng trên trời, lòng tôi thầm cầu mong cho Thu tìm được một mái ấm ở đời và được hạnh phúc trong mái ấm ấy. Vì em xứng đáng được như vậy!

 

Hà Nội – Bãi biển Xuân Thành
tháng 8-2005