TRƯỞNG HỌ
Tác giả: Trần Văn Lý
– Em chào ông bác, ông bác đi đâu về ạ!
Tôi vội dừng xe lại!
– Dạ! Không dám, xin chào cụ ạ!
– ấy chết, ấy chết em là bề dưới sao ông trưởng họ lại chào em như vậy? Cụ Phúc một tay run run chống chiếc gậy trúc, miệng lắp bắp… một tay lóng ngóng thò vào túi lấy chiếc khăn ra thấm thấm những giọt mồ hôi lấm tấm ở trán. Cụ Phúc người cao tuổi nhất dòng họ Nguyễn Văn nhà tôi. Năm nay cụ đã tám sáu, tám bảy tuổi, hơn tôi dễ đến ba ba, ba tư tuổi chứ không ít. Nhưng cụ lại ở chi dưới, về bài vai chỉ ngang hàng với tôi thôi. Những ngày việc họ, với tôi cụ vẫn một điều: Thưa ông, hai điều thưa ông. Tôi đã nói và giải thích rằng… xin cụ không cần phải như vậy. Xong cụ trước sau vẫn nói một câu:
– Thưa ông! Ông cứ cho phép em như vậy, để các cháu nhà em nó còn biết đường noi theo ông ạ – Thế mới khó xử cho tôi chứ!
Đi ra khỏi làng thì thôi chứ về đến cây đa đầu làng là tôi đã phải sửa lại… chấn chỉnh lại mình cho nó đúng với phong thái: Ông trưởng họ của dòng họ Nguyễn Văn, cái dòng họ chiếm hầu hết thôn thượng và chiếm hai phần ba số nhân khẩu của cả làng. Khiến dòng họ Nguyễn Đình ở thôn hạ nhiều cụ cao tuổi cứ nhìn dòng họ Nguyễn Văn mà ao ước.
Còn các dòng họ khác nói mà làm gì, vì họ chỉ chiếm thiểu số ở làng tôi.
Cái nhà tôi đang ở bây giờ chính do cụ nội tôi để lại. Bố tôi kể rằng: Cụ nội tôi mua hẳn cả một bè gỗ lim to tướng rồi vào tận Hà Nam kén thợ về làm năm, sáu tháng mới xong. Kẻ bẩy, chạm vẽ, chồng giường đấu sen thôi thì nhất làng. Căn nhà gồm ba gian ngoài, hai gian trong gọi là nhà trên, vuông hình thước thợ với ba gian nhà ngang vẫn thường được gọi là nhà dưới. Lối ngõ ăn thẳng vào đầu hồi nhà ngang, bên cạnh lối ngõ xưa vốn là chỗ làm chuồng trâu, chuồng lợn. Bố tôi bảo: Làm xong cụ nội tôi rất hài lòng về tất cả, xong chỉ hơi buồn cái khoảng đất để làm sân hẹp, không được rộng như ý muốn. Chả là làng tôi tuy ở trong đồng nhưng ruộng nương nằm hết ở ngoài bãi. Lòng người trong họ muốn đa đinh xong đất vẫn chỉ có vậy, nên tuy ở nông thôn mà đất để ở của làng tôi chật chội như trên phố. Cả làng tịnh bói không ra một nhà còn có mảnh vườn.
Nói vụng, cũng may cho tôi, vợ chồng tôi chỉ có một trai, một gái. Cháu gái đã lấy chồng ở xa, tưởng đã yên tâm về đất cát nhà cửa cứ thế mà ở. Ai ngờ ông con trai tôi lấy vợ xong cứ làu bàu:
– Nhà với cửa, bí xì xì – Chả là ngày xưa nhà lối cổ các cụ không để cửa sổ. Rồi có lúc nó rít lên:
– Đập hết đi xây lại, nhà với cửa ra vướng, vào vướng, chỉ tổ mạng nhện thôi, chứ tổ với tiên gì – Ngày xưa riêng gian giữa của nhà trên cụ tôi để làm gian thờ: Nào ngai thờ, sập thờ, án thư. Bốn chiếc cột quanh bục thờ treo hai câu đối sơn son thếp vàng. Trên đôi xà dọc ở gian giữa là bức hoành phi chữ lớn. Những lúc con trai tôi rít lên tôi thường đấu dịu:
– Thì anh cứ nói vừa phải đủ nghe thôi, việc gì mà phải ầm ầm lên như vậy, mai tôi còn làm sao mà dám vác mặt ra đường được nữa.
Một buổi tối ăn cơm xong đông đủ cả nhà đang ngồi uống nước ông con trai tôi đằng hắng giọng xong rồi nói:
– Thưa bố, thưa mẹ vợ chồng con mấy năm qua ơn nhờ tổ tiên phù hộ đã ăn nên làm ra dành dụm được ít tiền, nay chúng con xin phép bố, mẹ cho chúng con được dỡ nhà cũ ra để xây nhà mới – rồi ông con tôi cứ thao thao:
Vợ chồng con sẽ xây một ngôi nhà ba tầng. Tầng một gồm có: Phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, nhà tắm nóng lạnh để bố mẹ tắm về mùa đông cho ấm: Tầng hai gồm… tầng ba gồm… còn sân thượng có cây cảnh, bàn ghế để hai cụ hóng mát ngắm trăng… rồi khu vệ sinh cũ và nhà ngang dỡ đi sẽ thành vườn để các cụ trồng hoa, trồng rau cho khỏi buồn chân tay. Vợ tôi vui ra mặt, ríu rít nói:
– Thế bao giờ các con khởi công?
– Dạ! Nếu được bố mẹ cho phép chúng con sẽ làm vào tháng sau ạ – Quả thực lúc ấy tôi cũng thấy lòng mình vui vui. Tôi hỏi con trai tôi:
– Thế những đồ thờ kia anh làm thế nào? Ông con trai tôi im lặng một lúc rồi ấp úng:
– Thưa bố! Con sẽ mua một chiếc tủ bích-phê thật to để làm bàn thờ, còn những thứ lỉnh kỉnh kia bỏ bố ạ.
– Bỏ? Tôi quát:
Cụ tôi, ông tôi sắm để thờ tổ tiên cả dòng họ nhà tôi mà bây giờ anh lại bảo bỏ! Tôi không kìm nổi cơn giận mặt đỏ tía tai chỉ tay ra ngoài ngõ:
– Anh chị giầu rồi, nhiều tiền rồi, anh chị đi chỗ khác mà xây cho nó rộng rãi. Còn nhà tôi cứ kệ xác tôi. Anh chị đi ngay… đi ngay hộ cho. Chẳng hiểu diện mạo tôi lúc ấy dữ tợn đến đâu mà đứa cháu gái con của con trai tôi cứ nép vào lòng vợ tôi khóc thút thít. Còn cô con dâu tôi mặt tái xanh tái xám, miệng lắp bắp:
– Con xin bố, con xin bố đấy là ý kiến của riêng nhà con đấy ạ! Con xin bố bớt giận – Tôi bỏ nhà đi ra ngõ, tới đầu làng chả biết đi đâu, thôi thì rẽ vào nhà cụ Phúc ngồi chơi vậy. Vừa thấy bóng tôi con cụ Phúc đã chạy ra tận ngõ vồn vã:
– Ông vào nhà con xơi nước ạ – Cụ Phúc đon đả ra sân:
– Ông bác đến chơi ạ! Các cháu đâu pha nước…
Đã gần một năm nay bố con tôi không ai nói với ai một câu, ngoài câu chào miễn cưỡng của con trai tôi mỗi khi về thăm nhà. Con trai tôi bây giờ đã là ông giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Quang có cả ngôi nhà năm tầng ở ngoài phố.
Nhà tôi hôm nay khói hương nghi ngút kẻ ra người vào tấp nập chỗ ngồi không đủ, nhiều người phải đứng. Cụ Phúc trong bộ áo, khăn đại lễ màu đỏ đứng trước bàn thờ giọng run run:
– Kính thưa ông trưởng họ! Kính thưa cả dòng họ Nguyễn Văn nhà ta. Hôm nay là ngày giỗ tổ, ngày trọng đại nhất trong năm của cả dòng họ, tôi xin thay mặt cho cả họ có đôi lời phát biểu.
Nhờ hồng phúc của tổ tiên, nhờ sự hết lòng của ông trưởng họ nên dòng họ ta vẫn giữ gìn được nơi hương khói trang nghiêm của tổ tiên… chứ không như những dòng họ khác. (Chắc ý cụ ám chỉ dòng họ Nguyễn Đình) giọng cụ nghẹn lại: Cả họ xin có lời cảm tạ ông trưởng họ! Tiếng vỗ tay rào rào, cụ Phúc vội lấy chiếc khăn trong túi ra chấm chấm nước mắt.
Bỗng tiếng còi ô tô inh ỏi ở ngoài ngõ rồi tiếng người chào hỏi ồn ào:
– Chào ông bà đã về thăm hai cụ tôi ạ!
– Chào ông bà giám đốc đã về thăm nhà ạ!
Ngoài sân ông con trai tôi comlê – cà vạt, tay xách chiếc cặp da bóng lộn, bên cạnh cô vợ son phấn lòe loẹt, váy ngắn cũn cỡn, đang cười toe toét chào lại mọi người.
Có tiếng ai ấy nói: Hai cụ nhà ta ở đây thật có phúc – Tiếng cháu nội tôi vừa khóc vừa gọi:
– Ông ơi! Bà ơi cháu về đây này… ông ơi, bà ơi.
Tôi đứng dậy thấy mắt mình cay cay, cũng chẳng hiểu là do mình vui hay buồn mà lại như vậy.
Mùa thu năm 1999
Phản hồi gần đây