ĐÓN MÙA XUÂN NĂM 2000
Mùa xuân! Cứ mỗi độ xuân về, lòng người không ai bảo ai hình như đều thầm reo lên như vậy, bởi vì đó là lúc bắt đầu một năm mới với bao dự định… bao hy vọng… Có một mùa xuân mà cả loài người đang chuẩn bị đón nó ngay từ bây giờ, hay nói đúng hơn là từ mấy năm trước, đó là mùa xuân của năm 2000. Năm kết thúc thế kỷ này, thế kỷ 20 với biết bao biến động. Và sau đó bắt đầu một thiên niên kỷ mới. Người ta đã tổng kết… đánh giá và đánh giá… nhiều mặt của đời sống diễn ra trong vòng một trăm năm ấy. Để rồi cũng từ đấy xây dựng, dự báo tương lai một cách… háo hức, bất chấp những lời tiên đoán ảm đạm, nỗi lo “tận thế” của số người nào đấy.
Văn chương cũng vậy, ở Việt Nam đã có “Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân “Thơ Việt Nam hiện đại” của Nhà xuất bản Hội nhà văn… chi tiết hơn, Hội nhà văn Việt Nam đã in kỷ yếu các nhà văn nhà thơ, nhà lý luận phê bình của thế kỷ này, có ảnh và đôi lời… kèm theo, tất cả là theo chiều rộng… còn chiều cao? Ai là người…? thì người ta im lặng! Vẫn biết rằng việc ấy… là rất khó khăn. Vàng, thau đâu dễ gì nhận ra, mà có nhận ra được đi chăng nữa, cũng đã dễ gì được người khác thừa nhận, với cái máu say văn chương, cầm bút ai chả hy vọng mình sẽ viết được… thậm chí đã viết được “những câu thơ làm kinh động người khác”. Thế mà nay lại bảo với họ rằng: không phải thế! Lại chứng minh rằng chỉ bốn hay năm nhà thơ của thế kỷ này là làm được điều đó thôi. Nếu thế hàng nghìn nhà thơ, hàng vạn người viết thơ của thế kỷ này sẽ thất vọng biết bao, thậm chí sẽ giận dữ biết bao. Có lẽ vì thế, vì biết thế nên Xuân Diệu, nhà phê bình thơ số một thế kỷ này của Việt Nam cũng chỉ dám… sắp xếp ngôi thứ các nhà thơ ở 19 thế kỷ trước, những nhà thơ đã “đậy nắp cái quan” mà thôi. 19 thế kỷ gộp lại mà theo ông, thơ bàn nhất cũng chỉ có Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương. Có lẽ cũng tương đối đúng (theo tôi nên để Nguyễn Khuyến vào danh sách này). Từ khi ông sắp xếp tới nay không thấy ai lên tiếng phản đối.
Tôi bỗng hình dung nếu những nhà thơ thời Lý, Trần mà còn sống, chắc họ sẽ chất vấn Xuân Diệu rằng thời chúng tôi thơ văn sẽ để ở đâu? Rồi còn thời Lê Thánh Tông với tao đàn: “Nhị thập bát tú” nếu còn sống chắc gì họ sẽ vui vẻ với sự sắp xếp của Xuân Diệu. 19 thế kỷ chỉ chọn có 5, 6 người, bỏ qua những nhà thơ có tên tuổi lẫy lừng như: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu, v.v.. Ngoài trình độ uyên bác để thẩm định thơ ra còn cần tới một lòng dũng cảm to lớn.
Nhưng chả lẽ chúng ta cứ phải mãi mãi tuân theo cái tiền lệ “cái quan định luận” đợi chết rồi mới dám nói sao? “Truyện Kiều” nếu hay là phải hay ngay từ khi Nguyễn Du sinh ra nó chứ, đâu có phải đợi tới lúc Nguyễn Du chết rồi nó mới “tỏa hương”, nó mới hay. Giá người ta đánh giá đúng ngay được cái hay của Truyện Kiều, tức là hiểu được, thông cảm được với Nguyễn Du thì chắc gì ông đã phải “buồn rầu” mà chết như vậy.
Xuân Diệu đã từng nói: “Làm việc gì cũng có phần hy sinh. Có người hy sinh, nếu có phần nào chưa đúng, thì tính nó vào hao phí, hư phí của sản xuất: Miễn là người tìm tòi sai lầm mà thiện chí và không phạm vào những nguyên tắc và chính những người ngã xuống đó lót đường thắng lợi cho những người đi tiếp tục”; Với tinh thần ấy tôi muốn làm cái phần việc mà Xuân Diệu còn bỏ ngỏ… là mạnh dạn chọn những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế kỷ này. Tôi biết sẽ có người hỏi tôi: anh là ai? Và chính tôi cũng tự hỏi: Mình là ai…? Mà dám làm cái việc ấy, rồi lại tự trả lời: Thế trước khi viết Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh là ai mà ông dám tự tin để viết? Vì thế với vài chục năm đọc sách và nhất là những năm gần đây tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều người nên tôi xin mạnh dạn nêu tên những nhà thơ mà theo tôi là đáng nhớ nhất của thế kỷ 20 để mọi người cùng tham khảo.
Trần Văn Lý
Phản hồi gần đây