MỘT BÀI THƠ LÀM NÊN MỘT GƯƠNG MẶT THƠ

 

Người thứ nhất tôi muốn nói tới là: Thi sĩ Hàn Mặc Tử – Người mà một thời đã được mệnh danh là nhà thơ điên:
        Bây giờ tôi dại, tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian
Dại điên mà biết: Chắp tay – lạy – cả miền không gian, thì đâu có điên. Chắc phải có nỗi niềm gì đau đớn lắm. Ôi cái chắp tay của một tài năng bị:
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Những kẻ mũ mão cân đai, những người bước vào đời thuận chèo mát mái, đâu có hiểu được câu thơ trên của một tài thơ bị “trói” bởi một căn bệnh quái ác “bệnh hủi” mà hồn người ấy lại không hủi cho, không điên cho. Cứ đẹp, cứ yêu đời, yêu đến điên cuồng, thế mới khổ chứ. Thật là khổ này chồng lên khổ kia.
Tôi điên tôi nói như người dại
Vạn lạy không gian xóa những ngày
Mà nào có xóa được đâu! Năm 1939 lúc căn bệnh quái ác kia đã bắt thi sĩ Hàn Mặc Tử phải sống cách ly với cuộc đời bên ngoài, giam mình trong giường bệnh. Một người bạn gái đã viết mấy dòng hỏi thăm. Thế là kỷ niệm xưa, vụt sống lại tuyệt đẹp, tươi roi rói. Với tài thơ trời phú và được: “Nỗi buồn vĩ đại nâng cánh… bay lên”. Hàn thi sĩ đã viết bài “Đây thôn Vĩ Dạ”, bài thơ đã làm cho cái “Thôn Vĩ Dạ” bình dị bên sông Hương phút chốc trở thành một thôn làng đẹp nhất trong các thôn làng của Việt Nam, nơi có:
… Nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Mãi mãi là niềm say mê của những người sinh ra duyên nợ với thơ. Kỷ niệm rực cháy, hồn thơ thăng hoa cao độ. Hàn thi sĩ như nhìn thấy chính mình ngày ấy… Đã từng… Thập thò nhìn ngắm “vườn ai”. Nhìn ngắm “chủ nhân vườn ai” và mấy cái lá trúc đang “… Che ngang mặt chữ điền” của mình. Đây là câu thơ vào loại đặc biệt nhất trong văn học Việt Nam từ trước tới nay, rồi còn những câu:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Nó đẹp, nó có sức quyến rũ ngay cả những khi người ta còn chưa hiểu nó.
Với lâu đài thơ tuyệt mỹ, Đây thôn Vĩ Dạ và một số bài khác như Bẽn lẽn, Mùa xuân chín… Đủ để khẳng định Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ sáng giá nhất trên bầu trời thi ca Việt Nam thế kỷ 20 này. Ngày xưa thi sĩ đã từng viết:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa mối thương tâm”.
Không phải thế đâu! Ngày nay không những có nhiều “nàng tiên” đến thăm anh. Mà còn có hàng triệu người yêu thơ đến với anh bằng cả trái tim và nước mắt. Họ hy vọng góp phần làm dịu bớt nỗi đau của anh ở thế giới bên kia.
Với thi sĩ Hàn Mặc Tử tôi xin nói thêm một chút. Giả sử Hàn thi sĩ không có bài Đây thôn Vĩ Dạ thì sẽ ra sao nhỉ? Nếu không có bài thơ đỉnh cao ấy chắc ông cũng chỉ là một nhà thơ trung bình như nhiều nhà thơ khác. Thế hóa ra đôi khi quyết định “tầm cỡ” một nhà thơ lại là ở một, hai bài thơ đỉnh cao chứ không phải là số lượng viết nhiều hay ít. Trong nền thi ca Việt Nam ở thế kỷ này có một nhà thơ cũng tương tự như vậy, đó là Lưu Trọng Lư với Tiếng thu có: “Con nai vàng ngơ ngác”. Hình như ai cũng nhớ con nai vàng chứ không nhớ lắm những điều khác trong bài thơ như: “… trăng mờ thổn thức…, rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu”. Hai khổ thơ đầu cứ như hai củ khoai tây riêng rẽ không dính được vào nhau, không dính liền vào bài thơ. Điều ấy chứng tỏ Lưu Trọng Lư còn kém Hàn thi sĩ một bậc. Đây thôn Vĩ Dạ Tiếng thu đều rất quý, đều là vàng, song vàng chín và vàng mười phải khác nhau chứ ạ!