NGHỀ VÀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG NGHỀ*
(HAY ĐÔI LỜI GỬI BCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM)
Tác giả: Trần Văn Lý
Thông thường các nghề thợ mộc, thợ xây, thợ cơ khí, thợ kim hoàn, thậm chí cả thợ vẽ nữa v.v.. Chỉ được công nhận chuyên nghiệp khi người thợ ấy thường xuyên làm một nghề trong những nghề vừa nêu… Hoặc người thợ ấy có một thời gian khá dài làm một nghề. Còn nữa “Sản phẩm” mà những người thợ làm ra phải đạt tới “Cỡ nào” đây thì mới được gọi là “Chuyên nghiệp”.
Ngược lại khi gọi người này hoặc người kia là thợ nghiệp dư, ý nói người đó mới làm nghề được rất ít thời gian, chưa thạo nghề và đặc biệt “sản phẩm” mà họ làm ra chỉ đạt được ở mức độ “Tàm tạm” mà thôi.
Trong văn chương cũng vậy họ cũng nói nhà văn “nghiệp dư”, với ý:
1. Không thường xuyên viết văn
2. Không sống được bằng nghề văn
3. Mới bước vào nghề văn
4. Thường xuyên làm thơ hoặc viết văn xuôi, nay lại viết sang mảng khác vậy “Cái mảng khác ấy” là không chuyên nghiệp.
5. Đã là “nghiệp dư” nghĩa là sản phẩm (tác phẩm) cũng nghiệp dư không bằng chuyên nghiệp được
Còn một điều nữa gần như là hệ quả của 5 điều vừa nêu ở trên:
Nếu ông này, bà kia, đã có bằng tiến sĩ văn chương (có trình độ thực tế thế nào thì không kể) và nhất là đã là hội viên Hội nhà văn Việt Nam rồi thì nghiễm nhiên là “nhà văn chuyên nghiệp” hay ít nhất cũng đạt tới trình độ “chuyên nghiệp” rồi chứ còn phải bàn cãi gì nữa? và cũng từ đó có thể nói họ những người được công nhận là nhà văn chuyên nghiệp tác phẩm của họ rất khoát phải hay hơn những nhà văn nghiệp dư rồi. Nhưng thực tế đời sống văn chương có đúng thế không? Ta hãy cùng nhau tìm hiểu:
ở đời có những người thường tự hào khi nói về mình: Mình là hội viên lâu năm của Hội nhà văn Việt Nam, mình đã viết được vài ba chục đầu sách… Mình sống được bằng tiền nhuận bút! Nhưng khổ một nỗi ít, rất ít người nhớ nổi một cuốn sách trong vài ba chục đầu sách vừa kể trên. Tới lúc người ấy qua đời những người đọc báo mới biết:
à thì ra đã có một người như vậy! Rồi tất cả lại chìm vào quên lãng…!
Đã cầm bút viết văn chắc ai cũng biết trường hợp của nữ văn sĩ người Anh, tác giả cuốn đồi gió hú nổi tiếng. Rồi còn một nữ văn sĩ nữa của phương tây, tác giả cuốn ruồi châu đã từng làm bao người trên thế giới trong đó có Việt Nam say mê. Hai nữ nhà văn ấy mỗi người chỉ viết được đúng một cuốn trong đời. Vậy đối chiếu với quan điểm, đặc điểm thế nào là một nhà văn “nghiệp dư” thì họ đúng là nhà văn nghiệp dư rồi. Này nhé: Họ chỉ viết có một cuốn, cuốn sách ấy hẳn là cuốn đầu tiên nghĩa là cuốn “mới bước vào nghề văn”. Và họ có viết tới cuốn thứ hai đâu mà có thể “Gắng” nói là thường xuyên viết văn, hay sống bằng nghề văn được? Nhưng có một điều đánh đổ hết các điều vừa nói là tác phẩm của hai nữ nhà văn ấy lại là hai tác phẩm hay, hay tới mức được liệt vào những tác phẩm hàng đầu của nhân loại. Thế là tác phẩm hay, rất hay ở đây lại không phải do những nhà văn được gọi là “chuyên nghiệp” viết ra. Nói vậy thôi chứ bây giờ có cho ăn kẹo cũng chẳng ai dám nói tác giả của cuốn ruồi châu, cùng tác giả của cuốn đồi gió hú là nhà văn nghiệp dư cả. à thì ra chính giá trị của tác phẩm do nhà văn viết ra quyết định họ là nhà văn (chuyên nghiệp) hay chỉ là người viết văn thôi. Chứ không phải là lần đầu cầm bút, hay lần thứ 10, hoặc lần thứ 100 cầm bút. Là tiến sĩ hay người bình dân, sống được bằng nghề văn hay không sống được bằng nghề văn, là hội viên hội nhà văn hay không phải. Hai nữ văn sĩ vừa dẫn ở trên có ai là hội viên đâu, nước họ thời ấy làm gì ra có.
Tới đây xin lấy một số dẫn chứng ở Việt Nam để mọi người dễ thống nhất với nhau hơn:
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ở cái thời 8, 9, 10 tuổi vừa mới đọc thông viết thạo song hẳn lúc bấy giờ không ai dám nói Trần Đăng Khoa đã là nhà thơ “chuyên nghiệp” ấy nhưng những bài thơ của anh làm ra ở thời ấy lại rất chuyên nghiệp, rất hay. Trong mảng thơ viết về thiếu nhi thì anh là người giỏi nhất. Sau này khi anh sống được bằng nghề văn, chuyên viết văn, có thâm niên tới vài chục năm. Theo cái lý giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư văn thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa sau này ắt phải hay hơn hồi bé, song hình như không phải vậy.
Ngoài trường hợp của nhà thơ Trần Đăng Khoa ra còn nhiều trường hợp khác nữa mà rặt là trường hợp của những người ai cũng biết tên và là nhà văn chính hiệu chứ không phải là người “viết văn” rồi được mọi người tôn bừa lên là nhà văn. Ví như Nguyên Hồng với tác phẩm đầu tay là Bỉ vỏ. Tô Hoài ở giai đoạn đầu với dế mèn phiêu lưu ký. Hai tác phẩm này thành công nhất của hai nhà văn trên ra đời gần như ở lúc (lần đầu) cầm bút.
Còn chuyện kể cả đã được công nhận là nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp rồi mà lại rẽ ngang sang viết phê bình văn học ắt sẽ bị chê là viết phê bình văn học không chuyên nghiệp. Mà đã là “không chuyên” rồi, ắt phải thua những người chuyên nghiệp chứ? Sản phẩm của những người gọi là không chuyên ấy, được những người chuyên viết phê bình văn học có lúc gán cho là “phê bình báo chí…”. Vậy trong đời sống văn chương ở Việt Nam có đúng thế không?
Xuân Diệu nghề nghiệp: nhà thơ không có ai có thể chối cãi được. Nghề thứ hai ông rẽ sang viết là phê bình, nhất là phê và bình thơ. Bình thơ để rồi hiểu thơ có chỗ nào hay và chỗ nào chưa hay. Ông làm cái công việc thứ hai này cũng rất “chuyên nghiệp”, chuyên nghiệp tới mức “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”. Thử hỏi ở thế kỷ 20 có nhà phê bình chuyên nghiệp nào có thể so sánh được với Xuân Diệu không? kể cả Hoài Thanh cũng không bằng (điều này tôi đã viết ở cuốn cảm nhận thi ca trang 242 in lần thứ hai). Thế kỷ 20 người ta đã từng nói với ý “một mình Xuân Diệu làm việc bằng cả một viện văn học”. Tôi nghĩ phải nói rằng bằng mấy lần cái viện văn học lúc ấy, ấy chứ! chúng ta cứ tưởng tượng xem ở thế kỷ 20 mà không có các bài phê bình và tiểu luận của Xuân Diệu thì sẽ ra sao? Sẽ có cả một khoảng trời văn chương trống vắng rất rộng không một người nào, không một viện văn học nào lấp đầy được cái khoảng trời trống vắng mà một nhà thơ lớn để lại.
Đến đây tôi lại nhớ đến một nhận định đúng đắn của một nhà văn phương tây nói ý rằng: “Những nhà văn, những cây bút chuyên viết văn đôi lúc nhận ra rằng: Quần chúng đã xa rời văn chương, thậm chí còn hiểu sai về văn chương, lúc ấy họ tạm thời buông cây bút sáng tác xuống, để cầm lấy ngọn cờ phê bình. Và chính họ những người chuyên sáng tác ấy là người phất cao được ngọn cờ phê bình chứ không phải là ai khác”. Trường hợp của nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhiều người khác nữa vừa sáng tác vừa viết phê bình thành công, đã minh chứng cho tính đúng đắn của nhận định vừa nêu.
Viết văn là một nghề, nhưng là một nghề đặc biệt nên không thể đem những điều bình thường của các nghề khác áp đặt cho nó được. Từ xưa các cụ đã nói: “văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình” chỉ cần biết văn của người chứ không cần biết người là ai.
Như trên đã chứng minh trong nghề văn này chỉ những ai viết được những tác phẩm có giá trị và tồn tại được với thời gian mới đúng là… Mới xứng đáng là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Những người còn lại phải gọi họ với cái tên chính xác là những người viết văn cho đúng với công việc mà họ đang làm. Vì thế Hội nhà văn Việt Nam theo tôi cũng chỉ nên gọi là: Hội những người viết văn Việt Nam cho nó chính xác với công việc của hội. Chứ không người ta lại “lầm tưởng” nước Việt Nam đang có tới gần 1000 người là nhà thơ, nhà văn và nhà lý luận phê bình đang sống. Cái danh hiệu nhà thơ, nhà văn vốn cao quý vô cùng, chứ đâu rẻ rúng như bây giờ:
Viết được vài ba tập thơ tắc tị, không thì cũng nhạt như nước ao bèo, thậm chí viết cả cái chuyện “giường chiếu” đọc thầm một câu thôi cũng thấy ngượng đỏ cả tai. Thế mà cũng được gọi “nhà thơ” có xứng không?
Về văn: thì đành rằng ở đời cái gì mà chẳng có. Nhưng nhà văn phải viết để phản ánh những cái điển hình nhưng lại có tính chất phổ biến, mang hơi thở của thời đại. Đằng này lại viết: Bố đẻ ngủ với con gái của mình, thật là ghê tởm thế mà cũng được “thưởng”, thưởng ở mức độ “giải nhất” nhưng ngay sau đó trước sự lên án của dư luận chính bản thân tác giả đã phải cầm bút sửa ở một góc 180o những người ngồi xét và ký quyết định nghĩ sao về việc này. Nếu hay thật rồi thì tại sao lại còn phải sửa. Có người còn miêu tả chi tiết những trường hợp, những cảm giác “nhục dục” của những hồn ma bên nhà chồng đêm về “giao hợp” với mình ngay trước bàn thờ nhà chồng để được là nhà văn nổi tiếng, rồi để mà kiêu căng. Người ấy có biết đâu có nhiều người tìm đọc chỉ là do tò mò. Anh bạn tôi cũng đọc, đọc xong anh nói “viết khiếp đến thế này thì ai còn dám lấy…! Những người như thế mà cũng đáng gọi là nhà văn ư? Cũng tôn họ là nhà văn ư?
Còn phê bình thì sao? Có những ông tiến sĩ, những bà thạc sĩ mài mòn đũng quần trên ghế để làm mỗi một việc là: Truy tìm tài liệu sau đó để công bố công trình cấp… Về tác giả A ngày, tháng, năm sinh có những tác phẩm 1-2-3-4. Tên là… ra đời vào năm… Còn nội dung thì đại văn khái mấy điều trung trung. Những vị này cả đời họ chưa bao giờ bình nổi một câu thơ “vào loại nghi ám” (câu thơ khó). Chứ đừng nói rút ra được một điều gì đó có tính chất lý luận trong văn chương thật buồn thay! Thế mà lúc nào họ cũng vỗ ngực: “Tôi là nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp”!.
Ôi! chưa bao giờ cái danh từ vốn là cao quý xưa nay là nhà văn, nhà thơ lại rẻ rúng như bây giờ. Buồn thay! thật buồn thay!!!
Cuối đông năm 2007
* Đã in trên tạp chí Sông Lam, số 88 năm 2008.
Phản hồi gần đây