NHÀ THƠ – CHIẾN SĨ

Tác giả: Trần Văn Lý

Người thứ tư mà tôi muốn nói tới là: nhà thơ Tố Hữu: Khi đất nước rên xiết dưới gót giày xâm lược, nhân dân lao động lầm than, đói rách tả tơi. Cái mà họ cần ngay là: Cơm ăn, áo mặc, là quyền được sống, muốn có được những thứ ấy phải vùng lên mà giành lấy. Nhận ra được chân lý đó, một nhà thơ đã từng viết những câu thơ, đầy chất thi sĩ:
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Biết chọn một dòng hay để nước trôi.
Đã tự nguyện dùng ngòi bút của mình như một thứ vũ khí, còn mình là người chiến sĩ. Đó là nhà thơ Tố Hữu. Bằng lối thơ giản dị, trong sáng, dễ hiểu và đầy hình tượng, nhà thơ đã viết:
Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa
……
Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vả bê tha…
Đã đành rằng: “cái đẹp” là muôn thuở là bất tử xong cũng không nên trốn vào đấy rồi để mong quên đi được những nghịch cảnh của cuộc đời. Nên Tố Hữu đã đi vào hiện thực. Hình ảnh hai đứa bé trong những câu thơ thực khó quên:
ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mũm mĩm
Cười trong chăn và nũng nịu nhìn mẹ
Đứa ngoài sân, trong cát bẩn bò lê
Ghen nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím
Đứa chồm chập vồ ôm ly sữa trắng
Rồi cau mày nhạt lắm em không ăn,
Đứa ôm đầu, trước cổng đứng chéo chân
Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn…
Tố Hữu là người viết nhiều về những số phận khác nhau. Và những nỗi cơ cực của nhân dân lao động mà nhiều nhà thơ cùng thời né tránh. Hay đi trốn vào các cảnh “gió, trăng”. Lấy lại ý của một lãnh tụ trong cách mạng tư sản Pháp là Ma-rat, Tố Hữu đã nói với nhân dân rằng:
Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống
Người thanh niên 17 tuổi đem trái tim tràn đầy sức sống dâng cho Đảng, cho cách mạng và “Từ ấy” thơ anh vươn theo từng chặng đường của cách mạng. Nhìn vào thơ anh những thế hệ sau này dù chưa một lần “ra trận” nhưng vẫn đủ sức hình tượng ra những năm tháng đầy bão táp!
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đầy
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Có nhiều nhà thơ đi theo cách mạng, tận tụy viết về cách mạng, cố gắng lớn song thành công thì lại nhỏ, đứng cạnh Tố Hữu họ thành mờ nhạt trong ánh sáng rực rỡ của thơ anh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, ai cũng biết, song cũng chỉ một mình Tố Hữu khắc họa thành công mà thôi:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sỹ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm,
                 khoét núi ngủ hầm,
                           mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn
Những đồng chí, thân trôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
ào ào vũ bão…
Đã mấy chục năm rồi mà cái không khí náo nức khi hòa bình được lập lại trong bài Ta đi tới vẫn còn nguyên.
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà rào rạt bến nước bình ca…
Nhân dân, người làm nên lịch sử, điều đó được phản ánh rất phong phú trong thơ Tố Hữu: Từ lão đầy tớ “Lão ngồi mơ nước Nga” đến “Lượm” hình ảnh một thiếu niên anh hùng. Rồi “Bà má Hậu Giang”, “Mẹ Tơm” hay “Mẹ Suốt”… Những vần thơ về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử…
Đã từng làm xúc động hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng có lẽ thành công hơn cả, xúc động hơn cả là những vần thơ về Bác Hồ:
Vui sao một sáng tháng năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn.
 
Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng
Bác ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non
 
… Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc đỏ Bác Hồ
 
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Chiến tranh là một quãng thời gian đặc biệt của lịch sử. Viết về chiến tranh thường là rất khó, vì nó hay bị khô khan. Nếu ai đó đã viết lâu “thành nếp” trong thơ rồi, khi viết về chủ đề khác, về đời sống thường nhật rất khó thành công. Tố Hữu là một trong số ngoại lệ khi nhà thơ vẫn viết được những câu thơ trữ tình đẹp về nông thôn mới:
… quýt nhà ai đỏ chín cây
Hỡi em đi học hây hây má tròn
Trường em mấy tổ trong thôn
Ríu ra ríu rít chim non đầu mùa…
Có lẽ vì thế mà người ta mới gọi thơ Tố Hữu là thơ lãng mạn cách mạng.
Sự kiện quan trọng nhất của nước ta ở thế kỷ 20 này là sự kiện: Kháng chiến thắng lợi, nước nhà thống nhất. Khi nào người ta còn nhớ đến sự kiện đó, chắc người ta sẽ còn nhớ tới thơ Tố Hữu. Vì thơ Tố Hữu là tiếng vọng của quá trình tiến tới sự kiện ấy. Cũng vì thế mà có thể nói rằng: Thơ Tố Hữu trong từng bài đều tiềm ẩn chất sử thi, nó ôm trùm và tỏa sáng suốt giai đoạn thơ ca cách mạng.
Lạ lắm, Xuân Diệu, Nguyễn Bính là những nhà thơ có tài mà tôi đã nêu ở trên. Hai người cũng đã một lòng đi theo cách mạng, nhưng viết thơ cách mạng chỉ đạt được ở mức độ trung bình. Cứ như là người hát trữ tình giỏi song không sao hát được anh hùng ca. Tôi tin rằng cả Hàn Mặc Tử nếu còn sống cũng vậy thôi. Điều ấy càng khẳng định một cách vững chắc vị trí chim đầu đàn trong thơ ca cách mạng của nhà thơ Tố Hữu.