NHÀ THƠ CỦA TÌNH YÊU
Tác giả: Trần Văn Lý
Người thứ hai mà tôi muốn nói tới là: Thi sĩ Xuân Diệu. Trước khi nói về thi sĩ tôi xin được nói rằng: Xưa, cách đây hơn 200 năm có một nhà thơ, một thi sĩ tâm hồn trẻ lắm, phơi phới lắm. Trẻ mãi tới muôn năm. ấy thế mà thi sĩ bị gọi bằng “Cụ” nghe cứ tức anh ách. Cụ Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Khuyến còn được. Chứ gọi là “Cụ Nguyễn Du” thật chẳng hợp lòng. Nếu tôn kính gọi bằng nhà thơ là đủ. Hãy đặt vào bối cảnh 200 năm trước đây vậy mà đã để cho Kiều:
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Đi tự tình, tới mức: Xem trong âu yếm có chiều lả lơi thì đâu có thể già bằng cụ được, thân thiết có thể gọi bằng thi sĩ, bằng “anh” ấy chứ. Đâu có phải vì thế là mạo phạm đâu? 200 năm trước thi sĩ Nguyễn Du, anh yêu như thế là liều lắm. Nếu ở thế kỷ 20 này người ta sẽ bảo anh “Tây lắm”, à thì ra khát vọng tự do yêu đương là khát vọng của tất cả các dân tộc sống trên trái đất này. Chứ đâu chỉ có riêng “Người tây” mới có! Khát vọng tự do yêu đương của thi sĩ Nguyễn Du, được nhân lên, được khẳng định một cách đàng hoàng giữa thanh thiên bạch nhật sau này qua thơ Xuân Diệu, người từ lâu đã được gọi là “Nhà thơ của Tình yêu”.
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh sáng pha lê…
…
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi…
Để rồi dẫn đến phút giây… mãnh liệt:
Có những khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em…
Còn tình yêu, còn biển biếc, người ta còn nhớ những câu thơ trong bài: Biển của Xuân Diệu:
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt
Xưa, một người như Kim Trọng: “Thiên tư tài mạo tót vời” mà khi tỏ tình với người đẹp (Kiều) cũng:
Đài gương soi đến dâu bèo cho chăng
Nhún mình, nhưng nhún hơi quá, còn câu thơ của Xuân Diệu:
Anh không xứng là biển xanh
Cũng khiêm tốn, nhưng rất “vừa phải”.
Mở đầu tập thơ Gửi hương cho gió Xuân Diệu đã viết:
Ta là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi
Ngứa cổ chỉ hót chơi thôi mà nhiều câu thơ trở thành “bất tử”. Người đời không thể quên được… Cũng là hiếm lắm chứ. So với các nhà thơ cùng thời, Xuân Diệu là người có nhiều câu thơ “bất tử” nhất:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
…
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
*
* *
Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì!
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Đã là những người yêu thơ không ai là không biết những câu:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò…
Mây trắng về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả họ yêu nhau
Những câu thơ mà nhiều nhà thơ, vẫn hằng ước rằng: Cả đời cầm bút chỉ mong một lần viết được những câu như vậy!
Từ xưa tới nay đọc bài Lời kỹ nữ một bài thơ rất hay, rất đặc biệt của Xuân Diệu, tôi chưa thấy ai bàn bài thơ ở khía cạnh Xuân Diệu muốn mô tả, đời mỗi nhà thơ là một kỹ nữ… dâng cho đời:
…. và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
Chớ đạp hồn em!
…
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
ấy thế mà người đời vẫn…
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Và rồi người ta đứng dậy dứt áo…
Du khách đi
du khách đã đi rồi!
Hiểu được bài thơ, mới thấy thương các nhà thơ, thương đời các thi nhân, đem cả hồn và xác mình dâng tặng, nhưng đã mấy ai được đời đón nhận, đời chân trọng đúng những giá trị của mình. Những khen chê vô bổ… Nhiều khi chỉ làm đau thêm nỗi lòng “trinh trắng” của thơ.
Về góc độ tìm để hiểu: … Thi sĩ nghĩa là
Xuân Diệu là người mẫn cảm nhất từ cổ chí kim. Thế chả trách người ta đã bị hút vào những dòng thơ cuồng nhiệt ấy. Trước khi đi về với thế giới bên kia ông đã để lại bốn câu thơ tuyệt bút dâng tặng đến tận cùng, si tình đến tận cùng.
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Còn hơi thở chót dâng trời đất
Mà vẫn si tình đến ngất ngư
Đấy cũng là một nét đặc biệt để người đời luôn nhớ về ông không bao giờ quên được ông.
Khi nhà thơ qua đời đã được đánh giá: “Cây đại thụ ngã xuống, bỏ lại cả một khoảng trời trống vắng…”. Xuân Diệu – Đúng là một trong những nhà thơ sáng giá nhất trên bầu trời thi ca Việt Nam ở thế kỷ 20 này không còn phải bàn cãi gì nữa!
Ngày nay, người ta hay nhắc tới bài Thuyền và Biển của Xuân Quỳnh âu cũng là chuyện thường tình vì bài thơ có sức lôi cuốn lớn. Song có một số người lại đem ra so sánh với bài Biển của Xuân Diệu và cho rằng… Xuân Quỳnh cũng là nhà thơ lớn. Nên tôi xin phép được nói qua về bài thơ ấy: Những câu thơ hay đã được người nhạc sĩ “tinh đời” chọn ra phổ nhạc thành bài hát, những câu còn lại nhạt, làm bài thơ dài không chặt chẽ. Nhưng chính những câu được hát vẫn có câu thơ “sượng”, ví dụ: “Những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ” thì đúng là hay rồi. Nhưng còn: “Những ngày không gặp nhau biển bạc đầu thương nhớ”. Biển và thuyền là cách nói ẩn dụ mà ai cũng hiểu là chỉ anh và em. Nếu hai người xa nhau một vài ngày mà một trong hai người vì thương nhớ mà “bạc đầu”, già quá đi như vậy, vậy sau đó gặp lại nhau sẽ ra sao? Đầu có “xanh” lại được không? Thơ Xuân Quỳnh hay nhưng chưa chín… đều!
Phản hồi gần đây