NHỮNG MỐI TÌNH QUÊ*

Tác giả: Trần Văn Lý

Người thứ ba mà tôi muốn nói tới là: Thi sĩ Nguyễn Bính: Cái hoa xoan tim tím, nở và rụng về mùa xuân chắc đã có từ thủa khai thiên lập địa. Thế mà phải đợi tới Nguyễn Trãi mới đưa vào được trong thơ, cách đây hơn 600 năm:
Nghe tiếng cuốc kêu biết xuân đã muộn
Đầy sân hoa xoan nở trong hạt mưa thưa thớt.
Nhưng rồi người ta vẫn cứ quên nó. Mặc dù nó vẫn sống, vẫn có mặt ở khắp vùng quê Việt Nam. Phải đợi tới Nguyễn Bính ở thế kỷ 20 này những đóa hoa xoan mới thực sự được sống, thực sự đáng nhớ, thực sự đáng yêu, tới mức những người sau đó thi nhau nói về nó, viết về nó. Nhưng thơ vốn khắt khe lắm người ta chỉ nhớ:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…
Mùa hoa xoan, mùa xuân, mùa của hẹn hò mong đợi:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem…
Nhưng rồi người con trai không tới Để cả mùa xuân phải lỡ làng. Tôi đố ai đọc 4 câu thơ:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày…
Mà lòng không se lại, mà có thể dửng dưng, có thể quên được! Chỉ chừng ấy thôi, một bài Mưa xuân thôi, cũng đủ nói cái anh chàng lòng khòng cao gầy rất nhà quê Nguyễn Bính ấy tài quá. Tài tới mức nói tới làng quê, nơi có hoa chanh, hoa bưởi, nơi có cầu ao, giếng nước… Là người ta lại nhớ tới anh. Người đã viết những câu thơ:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn
Giá đừng có dậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Những câu thơ mà gần như ai cũng nhớ. Đọc lên một cách đầy hàm ý!
Ngày nay người quê, tình quê, cảnh quê đã thay đổi nhiều rồi song người ta vẫn thích đọc 2 câu thơ đầy nuối tiếc:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Thơ Nguyễn Bính ôm chứa những mối tình quê, những nỗi buồn không ồn ào mà lặng lẽ thấm vào lòng người. Được kể lại bằng thơ mà sao nghe như thực như thấy được, như ta đang sống ở trong đó. Cái tài kể chuyện rất có duyên ấy, chỉ Nguyễn Bính mới có. Nhưng khi đọc bài thơ Ghen, ai dám bảo đây là thơ “nhà quê”, mà nó hiện đại, nó “tây” chả kém gì thơ tây của Xuân Diệu. Bài thơ Ghen là những nét phá thể độc đáo của Nguyễn Bính. Nói về thơ anh còn nhiều lắm chả thế, thơ anh tái bản đi, tái bản lại, vẫn bán hết veo. Chứng tỏ sức lan tỏa của thơ anh rộng biết chừng nào.
Thế kỷ trước Nguyễn Khuyến đã làm thơ về làng quê. Thế kỷ này bài Quê hương của Giang Nam, hay bài Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh và nhiều người khác nữa cũng rất quê hương. Song chỉ có làng quê trong thơ của Nguyễn Bính là “gần” là xúc động chúng ta hơn cả, chính cái đó đã làm cho người đời không tài nào mà quên nổi nhà thơ, quên nổi người thi sĩ của những mối tình quê.

 

* Đã đăng báo Người Hà Nội số Tết Kỷ Mão.