NHỮNG SUY NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI
“VĂN VÀ SỰ XÂY DỰNG HỆ THỐNG LÝ LUẬN
TRONG VĂN TÂM ĐIÊU LONG”
(CỦA GIÁO SƯ SÁI TÔNG TỀ TRÊN TẠP CHÍ VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI)
Văn theo quan niệm của người xưa: Văn xuất phát từ đạo, văn là hiện thân của đạo. Nghĩa là thông qua những hình thức biểu hiện của văn mà ta phần nào hiểu được đạo là gì? Quan niệm ấy cũng xuyên suốt trong tác phẩm văn tâm điêu long của tác giả Lưu Hiệp (465-521 sống vào thời lục triều bên Trung Quốc) và được giáo sư Sái Tông Tề nghiên cứu, nhấn mạnh và muốn làm rõ trong bài: “Văn và sự xây dựng hệ thống lý luận trong văn tâm điêu long”. Được dịch ra tiếng Việt đăng trên tạp chí “Văn học nước ngoài” số 1-2008. Trước đây tôi đã đọc Văn tâm điêu long nay lại được đọc thêm bài nghiên cứu về văn tâm điêu long của giáo sư Sái Tông Tề. Tôi thấy mình cần phải phát biểu quan điểm của mình về cuốn Văn tâm điêu long và bài nghiên cứu vừa nêu ở trên.
A – Văn
Theo ý kiến của cá nhân tôi văn có thể chia ra làm bốn loại văn sau:
1. Văn của trời để (chỉ sự) sinh ra vạn vật.
2. Văn của đất để (chỉ sự) chứa đựng và nuôi dưỡng vạn vật.
3. Văn của thánh hiền để (chỉ sự) giáo hóa vạn vật trong đó đặc biệt là con người. Thứ Văn đó ta vẫn thường gọi là “Văn đức”.
4. Văn của những nhà văn, nhà thơ để (chỉ sự) thức tỉnh con người, thức tỉnh lòng hướng thiện của con người, hướng về phía chân, thiện, mỹ thứ văn đó gọi là “văn chương”.
Thoạt nhìn văn đức và văn chương có vẻ giống nhau. Đúng, nó có chỗ giống nhau là đều do con người sinh ra (thánh nhân lúc đầu cũng là con người), song lại có chỗ khác nhau rất to lớn đó là: Văn đức đến với con người bằng cách dăn giảng còn văn chương đến với con người bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Bốn loại Văn mà tôi vừa nêu ở trên nếu có thể nghiên cứu, tìm hiểu để phát huy (phát triển) chúng, có chăng chỉ là hai hình thức văn do con người sinh ra là văn đức và văn chương mà thôi. Còn văn trời và văn đất là do người xưa quan niệm thế thì nay nói lại thế thôi, chứ sự thực đúng sai, có hay không thì chỉ có trời và đất mới hiểu được mà thôi.
Giáo sư: “Sái Tông Tề (người Trung Quốc) là một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc khá nổi tiếng đương đại”, hiện đang giảng dạy ở trường Đại học ILLINOIS Hoa Kỳ viết: “Khái niệm văn có một nghĩa rất rộng, đến mức trên thực tế nó bao trùm toàn bộ nền văn hóa Trung Hoa truyền thống. Văn theo nghĩa rộng nhất là chỉ toàn bộ truyền thống văn hóa… Theo nghĩa hẹp hơn Văn là sự biểu hiện sự mô tả… Các niên hiệu Vua chúa, các đồ tế lễ, lễ và nhạc… chữ viết, văn vần và văn chương hoa mỹ”. (Những chỗ “…” là những câu mà tác giả bài viết này lược bỏ vì nhận thấy không cần thiết). Đoạn văn vừa dẫn có câu: “Văn là sự thể hiện và mô tả…” có nghĩa là thứ Văn ấy do con người bằng ngôn ngữ sinh ra, sinh ra do sự hiểu biết của con người với cuộc sống (bao gồm cả văn hóa) với tự nhiên. Và như ta đã biết: Sự hiểu biết của con người với cuộc sống xung quanh (trong đó có cả văn hóa) là còn vô cùng hạn chế, vô cùng có hạn. Vậy thứ văn đó làm sao mà bao trùm lên văn hóa được, làm sao là truyền thống văn hóa được. Điều đó đúng với cả thế giới không có nước nào là ngoại lệ. Một vị giáo sư đáng kính chưa hiểu được Văn tới mức cần thiết mà cũng dám thuyết giảng, dám nghiên cứu văn thì kể cũng liều thật.
Ngày nay nói đến VĂN thường là người ta nghĩ ngay tới VĂN CHƯƠNG, thứ văn do con người sáng tạo ra từ cuộc sống. Vậy muốn tìm hiểu nó, muốn nghiên cứu nó nhất thiết phải đặt nó vào một bối cảnh nhất định trong cuộc sống, có thế mới làm nổi cái công việc NGHIÊN Cứu Văn Chương. Còn đặt nó vào môi trường “duy tâm siêu hình” thì chỉ có tán hươu tán vượn được mà thôi, chứ làm sao mà nghiên cứu gì được.
B- Đạo
Như ta đã biết: Làm con có đạo làm con, làm bố mẹ có đạo làm bố mẹ, làm thầy có đạo của thầy, thánh nhân có đạo của thánh nhân. Thậm chí làm kẻ cướp cũng có đạo của kẻ cướp.
Văn có đạo của văn, thơ có đạo của thơ, phật có đạo của phật, trời có đạo của trời.
Đạo làm con thì phải: Hiếu kính bố mẹ, đạo làm bố mẹ thì phải…, đạo làm thầy thì phải…, đạo làm thánh hiền thì phải…, đạo phật thì phải…, đạo trời thì phải… v.v.. và v.v.. Có ai dám nhận là mình sẽ điền vào những chỗ “…” ở trên một cách đầy đủ, không thiếu một điểm gì không? Ví dụ đạo trời thì phải…? Có ai dám cho rằng mình sẽ kể đầy đủ tên các loại đạo không? Ví dụ: Trên đạo trời là đạo gì? Vì trời, đất cũng được SINH RA ở một nơi hỗn độn tối tăm rồi mới phân chia ra thành trời và đất, chứ có phải tự nhiên mà có đâu. Vậy cái đạo ở cái nơi hỗn độn và tối tăm ấy là đạo gì? Đạo ấy ở nơi hỗn độn thì phải sao…? Không ai có thể kể hết được các loại đạo. Không ai có thể hiểu hết được về đạo, nên không có văn nào nói hết được về đạo, đạo là vô cùng vô tận.
Lão tử có nói: “Đạo nói được thì không phải là đạo, đã là đạo thì không nói được”.
Giáo sư Sái Tông Tề có viết: “Trong Văn tâm điêu long – Lưu Hiệp rõ ràng là muốn thuyết phục chúng ta rằng Văn cũng chính là hiện thân của Đạo” nhưng như Lão Tử đã nói: “… Đã là đạo thì không nói được”. Vậy “Văn là hiện thân của Đạo”, có nghĩa là đạo cũng diễn đạt được bằng văn, vậy Lão Tử nói sai chăng?
C- Những nhận định sai lầm của ông Sái Tông Tề (Hay thực chất là của Văn Tâm Điêu Long)
Ông Sái Tông Tề có viết: “Thực ra nguyên mẫu đầu tiên về văn của con người mà Lưu (Lưu Hiệp) đã xác định không gì khác chính là văn của dịch”. 64 quẻ dịch mà người Trung Quốc nghĩ ra là để chỉ sự “vận hành và biến thống của trời đất” qua đó suy ra đoán số mệnh của con người (từng con người). Đúng sai ở đây không bàn về sự suy đoán ấy mà chỉ bàn về Văn có đúng là văn xuất phát từ dịch không?
Ngày nay một người bình thường nhất cũng có thể hiểu được là văn chương do con người sinh ra từ cuộc sống của chính con người. Chỉ có ai gần như thiểu năng trí tuệ mới tin vào điều “Văn chính là văn của Dịch…”. Nhận định sai lầm và ngây ngô trên còn được nhắc lại ở câu: “Cũng giống như các tác giả của đại truyện Lưu Hiệp đầu tiên cũng nhắc lại câu truyện về Bát quái để chỉ rõ cội rễ thần thánh sâu xa nhất của văn chương nghệ thuật”.
Văn tâm điêu long dựa vào thuyết vũ trụ thô sơ trộn lộn vào với thuyết âm dương, trộn vào với dịch để nói về đạo, về văn. Đặc biệt khi nói về văn, nào là văn trời, văn đất, văn người có lúc nói văn với ý gộp cả ba loại văn trên vào làm một. Chính sự trộn một cách tạp phí lù vào với nhau. Cũng chính cả sự không rõ ràng nữa đã làm cho đa số mọi người chỉ còn biết há hốc mồm ra mà kinh hãi về sự phức tạp của nó và rồi chẳng hiểu sao có lẽ vì sự phức tạp cộng với sự thần bí người ta đã công nhận nó là một trong hai tác phẩm “vĩ đại” nhất về lý luận văn học của thời xưa và còn có tác dụng cho tận tới ngày nay.
Ôi nhân loại! Nhân loại cũng phải có lúc nhầm chứ?
Có phải đâu cứ là nhân loại thì không bao giờ nhầm!
Có phải đâu cứ là nhân loại thì bao giờ cũng đúng.
Nói thế không có nghĩa là người viết bài này phủ nhận hoàn toàn những giá trị còn lại của cuốn Văn Tâm Điều Long như:
– Khi nói về các thể loại văn tồn tại trước nó.
– Khi bàn về từ ngữ trong văn.
– Khi bàn về câu cú trong văn v.v..
Những điều đó là những điều bàn về con người còn những giá trị có tính chất tổng quát về lý luận văn chương của nó thì gần như không có gì đáng kể. Bởi vì ngay từ đầu cách đặt vấn đề đã sai lầm (thần bí và siêu hình) rồi thì làm sao mà có kết quả đúng được!
Chúng ta học tập những di sản cũ của văn chương một cách có chọn lọc, chứ không phải là nguyên si, không phải là mù quáng…
Với mục đích ấy mà tôi cầm bút viết bài này mong bạn đọc gần xa bổ sung và góp ý thêm.
Thêm đôi lời lan man: giản dị như chân lý, trong sáng như chân lý. Nhưng tìm được những điều giản dị và chân lý ấy: chỉ có các thiên tài.
Trong Văn chương người đời thường sợ, thường phục rồi tung hô… những bài viết, những cuốn sách viết trộn giữa cái thực với cái thần bí (siêu thực). Nếu những bài viết ấy, những cuốn sách ấy lại pha thêm vào một chút giọng “triết học giả cầy” nữa thì lại càng ghê. Càng được người đời đôi khi tôn lên vào hàng “thiên tài”. Mặc dù người đời khi đọc những bài viết ấy, những cuốn sách ấy đa số nói là hiểu được rất ít, còn lại thì không hiểu được vì không có đủ trình độ để hiểu! Chính vì: “không hiểu được…” nên họ lại càng phục, càng tung hô… thế mới lạ đời chứ…!!!
Còn có khi đọc những điều là chân lý họ lại cho là: Chả nhẽ “lý luận văn chương” lại chỉ giản dị có thế này thôi sao?
Thôi thì kệ đời, kệ trời vậy chứ còn biết làm sao…!!!
Ôi chân lý! ngày nay ai chả biết cái điều: “Trái đất tự quay xung quanh nó… và tự quay xung quanh mặt trời”. Nhưng Galilê đã phải bằng mạng sống của mình để chứng minh điều đơn giản ấy và cũng phải mất hàng nghìn năm người ta mới tin điều đó chứ có phải đâu cứ là chân lý thì sẽ được công nhận ngay. Nghĩ mà buồn, thật buồn!
Đầu mùa hè năm 2008
Phản hồi gần đây