VỀ QUÊ

Tác giả: Trần Văn Lý

 

Từ giã văn phòng Hội nhà văn nơi tôi công tác, phấn đấu trở thành một nhà thơ được nhiều người biết đến, nhiều lần được báo chí ca ngợi. Thậm chí có bài báo còn xếp tôi vào hàng một trong mười nhà thơ xuất sắc đương thời. Có những cô con gái viết thư cho tôi với dòng chữ: “Đọc thơ anh em xúc động đến rơi nước mắt… em tưởng tượng như có anh ở bên em…”. Hôm xách vali về quê, tôi vừa cười vừa đọc câu thơ của ai đó đã viết: “Giã từ năm tháng cơ quan – như qua phiên chợ họp tan ta về”.
Một năm sống ở quê, cái làng quê mà tôi đã làm thơ về nó, những vần thơ làm bao người đọc xong phải xuýt xoa: Quê anh đẹp quá, thơ mộng quá chả trách anh yêu nó đến vậy! Kể từ cái ngày về làng tới nay, hàng ngày quay ra gặp người vác cày, quay vào gặp người vác cuốc, thơ ư? Không! Họ không quan tâm, điều quan tâm của họ là: Mùa này chắc sẽ có nhiều thóc, nhiều ngô, là con lợn trong chuồng nhà họ có nhanh lớn không… Sống ở quê, tôi như người thừa, cả những lúc ngồi giữa đám con trai, con dâu của tôi mà tôi vẫn thấy cô đơn.
Chiều nay cũng như mọi chiều tôi đi lang thang, thỉnh thoảng lại có tiếng ai đó chào ở đằng sau vọng tới.
– Nhà thơ đã đi dạo đấy ạ! Rồi bóng người rẽ xuống ruộng ngô ven đường.
Gió heo may từ bờ bắc thổi qua lành lạnh, ngô mới ngang đầu gối, màu xanh của những chiếc lá mảnh mai chưa đủ sức che đi màu bạc phếch của đất bồi ở dưới gốc. Đồng bãi buổi chiều lưa thưa một hai bóng người, trước mặt dòng sông mệt mỏi chảy về hướng biển để được tan mình trong biển mênh mông. Nơi tôi đang đứng là bến đò ngang chở người làng tôi hàng ngày sang bãi bồi bên kia sông trồng dâu, trồng đậu. Nơi mà ngày xưa, cái ngày tôi mới mười tám tuổi, tốt nghiệp lớp mười (lớp 12 bây giờ) trường huyện về nghỉ hè để đợi… ra thủ đô học tiếp đại học.
Cái kỳ nghỉ hè cuối cùng ấy kỳ lạ lắm. Cứ mỗi buổi tôi vác cuốc sang bãi bên kia sông làm đỡ bố mẹ là y như rằng thấy một người con gái khoảng mười sáu, mười bảy ra sông gánh nước, tóc dài da trắng hồng, thấy tôi, bốn mắt gặp nhau, em đỏ mặt ngượng  ngùng quảy gánh nước trên vai rồi bước nhanh. Đò ra đến gần giữa sông mà dáng thon thả, cái đòn gánh nhún nhảy trên vai của người con gái vẫn như thôi miên hút lấy hồn tôi.
Mai, cô gái tôi vừa nói tới ở trên học kém tôi hai lớp, nên ngày thường rất ít được gặp nhau, vả lại em chỉ học hết cấp hai rồi nghỉ, còn tôi được gia đình cho ra trường huyện học cấp ba, tôi là một trong hai, ba người ở làng được như vậy. Hôm tôi nhận được giấy báo đi học đại học gần như cả làng đến chúc mừng bố, mẹ tôi. Khoảng chín giờ tối, tôi và đám thanh niên cùng xóm đang xúm xít nói chuyện ở ngoài sân, bỗng thằng Nam ghé vào tai tôi thì thầm:
– Mày ra ngoài ngõ có ai hỏi gì ấy. Tôi lấy làm lạ đi ra nhìn quanh chẳng thấy ai, chỉ thấy xa xa một chút dưới ánh trăng có bóng người con gái đứng nép vào hàng rào vẻ như chờ đợi, tôi bước tới.
– Ôi Mai! Sao em không vào nhà? Tôi nghe thấy tiếng Mai nói trong nước mắt:
– Em… em… có ai bảo em đâu?
Không hiểu sức mạnh nào đã khiến tôi mạnh bạo kéo Mai vào lòng, tay tôi vuốt nhẹ lên tóc em. Mai như lịm đi trong tay của tôi…
Cha tôi đột ngột qua đời, nhà tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, sát năm cuối cùng của đại học, mẹ tôi làm lễ cưới cho tôi và Mai. Bà nói: Có Mai nhà bớt đi nỗi cô quạnh, chả là vì bà chỉ sinh được có mình tôi.
Tốt nghiệp đại học tôi được phân công về làm việc tại một nhà máy cơ khí ở miền Duyên Hải, cũng năm ấy tôi được làm bố. Là một kỹ sư trẻ, lịch lãm, có khiếu về văn thơ tôi được nhà máy rất quý mến. Về được một năm đã được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn nhà máy, được nhấc lên làm trợ lý cho giám đốc. Năm sau tôi được giải nhất về thơ của ngành, được bầu làm Phó Bí thư Đoàn nhà máy. Nhiều người con trai cùng lứa tuổi ghen với tôi, nhất là khi những cô gái xúm xít quanh mặc dù biết tôi đã có vợ, có con ở quê. Sao họ lại ghen với tôi nhỉ? Tài họ thế thì họ hưởng thế. Còn tôi, họ bì với tôi thế nào được, một kỹ sư, Phó Bí thư Đoàn, từng được giải khuyến khích về thơ của báo Văn nghệ tờ báo có uy tín nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Mà sao lại không phải là giải nhất nhỉ? Chưa hết! Tôi còn khá điển trai, tôi biết vậy bởi cứ mỗi lần tôi nhảy vút lên đập bóng ở sân bóng chuyền của nhà máy là lại có nhiều tiếng trầm trồ… nhiều ánh mắt hâm mộ của những cô gái trong nhà máy nhìn theo.
Năm đầu tiên về nhà máy tôi nhớ Mai và mẹ tôi ghê lắm, năm thứ hai thì quen đi, đến những năm sau khi đã là bố của hai đứa con tôi lại thấy ngại ngại khi đến kỳ nghỉ phép. Ôi về nhà! Giường chiếu bề bộn, căn buồng tối như hũ nút, đêm không ngủ được vì thằng con thứ hai cứ luôn khóc đòi bú. Mai thì như một bà chị đã đứng tuổi, người khô đi, má sạm lại. Đâu rồi cái cô Mai ngày xưa da trắng hồng, dáng người thon thả ra sông gánh nước mỗi khi… ngượng ngùng đỏ mặt…? Về nhà được hai ngày là tôi đã muốn vác balô đi ngay, nhưng nhìn vào đôi mắt buồn buồn của Mai tôi lại không dám. Mẹ tôi ý tứ… nói với tôi:
– Con ạ! Mai ở nhà rất ngoan, mình nó lo hết… mọi việc đấy. Con hãy làm sao đừng để cho nó buồn, mà một năm sao con không sắp xếp về thăm nhà lấy độ hai lần, nhất là vào những dịp Tết? Tôi im lặng không nói gì rồi lảng ra ngõ.
Về nhà máy cơ khí miền Duyên Hải được hai năm thì xảy ra một chuyện mà tới bây giờ tôi vẫn không quên:
Cô văn thư ở phòng hành chính của nhà máy rất xinh. Xinh tới mức ngoài thị xã còn biết tiếng. Cô luôn được giám đốc gọi lên gặp. Lúc đánh máy hộ bản kế hoạch này, lúc đưa hộ công văn kia. Cô văn thư có tên là Thùy Chi ấy mới mười chín tuổi, còn giám đốc của tôi đã ngoài năm mươi rồi, mà hai người cứ anh anh, em em ngọt sớt. Cũng chính vì thế mà tôi với Thùy Chi quen nhau. Những lần đầu Chi lên phòng giám đốc là do giám đốc sai tôi đi gọi, sau này Chi thường chủ động lên, nhất là những lúc giám đốc đi vắng chỉ có một mình tôi ở trong phòng.
Chi xinh thì đã đành rồi mà nói chuyện cũng lại rất có duyên. Đôi mắt Chi mà nhìn ai thì như hút lấy hồn của người ấy luôn. Một hôm chỉ có tôi và Chi ở trong phòng, Chi hỏi tôi:
– Nhà thơ có hay ngắm trăng trên biển không?
– Có chứ Chi! Nhưng người làm thơ như tôi thường luôn thấy mình cô đơn, nên tối, tôi hay ra biển ngắm trăng lên một mình.
– Thế có Thùy Chi ở bên cạnh thì sao? Liệu lúc ấy nhà thơ còn thấy cô đơn… nữa không?
– Không biết… đã có đâu mà biết! – Tôi cúi đầu thở dài.
Thùy Chi nhìn tôi một cái nhìn tưởng chừng tôi có thể bốc cháy được, rồi đi nhanh ra phía cửa, vừa đi vừa nói đủ để tôi nghe thấy.
– Tối nay anh nhé!
Chiều nay những con sóng từng đợt, từng đợt chạy dài trên bờ biển cát mịn, sau lưng rừng phi lao rì rào trong gió, những con thuyền đã nằm im ghếch đầu lên bờ cát mà mãi vẫn chưa thấy trăng lên. Rồi trăng cũng nhô lên khỏi mặt biển. Thùy Chi bất ngờ xuất hiện như một nàng tiên cá vừa từ biển lên, tóc bay theo gió, chân đi sát mép nước, mỗi bước Chi đi làm nước biển tóe lên lấp lánh ánh lân tinh. Tôi chạy vội ra bế sốc lấy Chi vào ngồi cạnh con thuyền nhà ai đó lâu ngày không đi biển để nằm trên bãi, cạnh mép rừng phi lao. Tôi hôn như mưa lên khuôn mặt của Chi, hôn như thể chưa bao giờ được hôn, đêm ấy trên bãi biển chúng tôi là của nhau. Cứ thế tôi và Thùy Chi yêu nhau được hai năm. Lúc ấy tôi đang làm xưởng trưởng một xưởng của nhà máy, một hôm Chi bảo với tôi.
– Chúng mình làm lễ cưới đi anh.
Tôi bàng hoàng cả người hỏi Chi:
– Sao lại vội thế em?
Chi ấp úng:
– Em đã có… được hai ba tháng rồi anh ạ.
Nghe Chi nói tôi tưởng đất như đang sụt dưới chân mình.
Cả nhà máy xôn xao. Tôi bị kỷ luật, xuống làm nhân viên. Giám đốc gọi tôi lên phòng lúc có hai người ông chỉ vào mặt tôi nói:
– Cậu thừa biết tôi quý… Thùy Chi đến nhường nào thế mà cậu lại… Thôi! Tôi không thể nuôi ong tay áo mãi được, đáng nhẽ tôi đuổi việc cậu, xong vì Thùy Chi xin cho cậu nên tôi để cậu đi xin việc chỗ khác. Còn việc của Thùy Chi tôi sẽ lo, chứ tôi không hèn như cậu đâu. Mà nhớ phải bảo vợ cậu đến đây cam đoan là không kiện tụng nhà máy đấy nghe chưa!
Vừa xấu hổ, vừa uất ức tôi vội thu dọn đồ đạc rồi ra tàu. Về nhà tôi nói với mẹ tôi là tôi về phép, đến đêm thứ ba Mai hỏi tôi:
– Bố thằng Hải về kỳ này sao khác vậy cứ thở dài không ngủ hay có chuyện gì? Được dịp tôi quay sang ôm lấy Mai hôn lên mái tóc đầy mùi nắng gió của nàng rồi kể hết mọi chuyện xảy ra ở nhà máy. Nghe xong, Mai xoay lưng lại phía tôi rồi ôm lấy thằng con thứ ba của tôi vào lòng, im lặng không nói gì. Tôi biết đêm ấy Mai không ngủ, ngày hôm sau Mai vẫn nấu cơm, giặt giũ nhưng không nói một câu, ra vào như một cái bóng. Tối đi ngủ Mai đặt thằng con tôi vào giữa rồi lặng lẽ nằm ra bên cạnh, tới gần sáng bỗng Mai ngồi dậy nói:
– Bố thằng Hải ạ! Thôi sự việc đã xảy ra đến thế rồi, tôi sẽ xuống nhà máy như ý bố thằng Hải muốn. Chỉ mong mọi chuyện giữ kín kẻo cả làng biết người ta cười chết.
Tôi nằm im thấy xấu hổ với Mai quá!
Vì mến cái “tài thơ” của tôi nên bạn bè quen biết trong văn chương giúp tôi chuyển về Thủ đô công tác. Vừa xấu hổ, vừa đau đớn vì những chuyện vừa qua tôi lao vào viết. Thơ tôi quằn quại, đau đớn hết bài này, bài khác ra đời. Nỗi đau đời của tôi thế mà lại có nhiều người đồng điệu và tôi đã giật được nhiều giải thưởng. Bằng mọi giá tôi phải giành lấy những cái mà tôi đã mất, phải chiến đấu, phải biết nghiến răng. Nói thế không phải không có lúc tôi vẫn nếm mùi thất bại, trước người này, hay người kia lúc ấy tôi thường an ủi mình bằng câu thơ của một nhà thơ đã viết:
“Đời lắm lúc nhi nhăng, đùa chơi, nhầm lẫn”.
Ôi! Nay không còn gì để mà đùa chơi, để mà nhầm lẫn ở cái bến sông mà tôi đang đứng chiều nay, tôi mới nhận ra một điều rằng: ở trên đời có nhiều thứ thiêng liêng không để đùa được, không thể nhầm lẫn được: Một trong những thứ ấy là tình cảm chân thành giữa con người với con người. Nếu nhận ra sớm có lẽ tôi bây giờ vẫn còn Mai, vẫn còn những người trước đã từng là bạn thơ của tôi ở bên cạnh, chứ đâu phải cô đơn như chiều nay, phải ân hận như chiều nay nhìn dòng sông mệt mỏi trôi về phía biển…!

 

Mùa thu năm 1999